Hỗ trợ nông dân tốt hơn thuê đất nông nghiệp

ThienNhien.Net – Thuê đất nông nghiệp ở châu Phi, Mỹ La tinh và châu Á lâu nay trở thành lĩnh vực đầu tư hấp dẫn các tập đoàn quốc tế, nhưng bên cạnh đó, nó cũng bị dư luận quốc tế chỉ trích và gán cho cái mác "thực dân kiểu mới". Một phân tích của Viện Môi trường và Phát triển Quốc tế gần đây đã khuyến cáo giải pháp đầu tư trung hoà và bền vững hơn cho các nhà đầu tư cũng như các quốc gia đang phát triển: Thay vì quá chú trọng vào các thoả thuận về đất đai, họ cần xem xét cả những cơ hội khác để đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt nên đầu tư và hỗ trợ cho chính những người nông dân tại chỗ.


Cho thuê đất nông nghiệp – rủi ro cho nhiều phía

Trên lý thuyết, việc một quốc gia cho thuê đất nông nghiệp nếu được triển khai và giám sát tốt sẽ mang lại lợi ích cho chính quốc gia đó cũng như người dân của họ, bằng việc thu hút vốn, tạo công ăn việc làm, tạo cơ hội tiếp cận thị trường, phát triển hạ tầng cơ sở hay chuyển giao kỹ thuật, kinh nghiệm.

Song, hợp đồng cho thuê đất đai quy mô lớn cũng ẩn chứa những rủi ro, như có thể tước đi nguồn sinh kế lâu đời của người dân, ảnh hưởng đến an ninh lương thực cũng như công bằng xã hội. Số lượng lao động được giải quyết việc làm có thể không nhiều và bị trả rẻ mạt. Và nếu các nhà đầu tư không thực hiện lời hứa của mình, quốc gia sở tại sẽ chịu tổn thất rất lớn.

Một số tình huống thực tế đã cho thấy những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh kế của người dân khi những biên bản thoả thuận cho thuê đất nông nghiệp dài hạn được cụ thể hoá thành dự án đầu tư, song nguồn sống lâu dài của người dân lại không được bù đắp tương xứng.

Ở một mặt khác, ngay bản thân các nhà đầu tư thuê đất nông nghiệp dài hạn cũng có thể phải gánh chịu rủi ro. Họ kỳ vọng vào doanh thu, song đôi khi không lường được những thách thức. Trường hợp thất bại của tập đoàn Daewoo (Hàn Quốc) tại Madagascar là một ví dụ rất rõ ràng.

Daewoo đã có một thỏa thuận khổng lồ với việc thuê 1,3 triệu ha đất nông nghiệp của Madagascar trong vòng 100 năm. Nếu dự án được duyệt, gần ½ diện tích canh tác của đất nước này sẽ trở thành “đại đồn điền” trồng ngô và dầu cọ xuất khẩu của Daewoo. Tập đoàn này cũng hứa hẹn sử dụng một phần doanh thu để nhập khẩu lương thực cung cấp cho người dân Madagascar. Tuy nhiên, dự án đã sụp đổ dưới áp lực mạnh mẽ của dư luận quốc tế và báo chí, với chỉ trích rằng đây chẳng qua là một hình thức bóc lột kiểu mới.

Một số nhà đầu tư khác khôn khéo dùng chiêu “tách trứng ra nhiều giỏ”, đầu tư rải rác ở nhiều quốc gia khác nhau. Mặc dầu vậy, họ cũng phải đối mặt với những nguy cơ khác như phải thiết lập lại đàm phán hoặc bị sung công tài sản, những điều này thường gắn với các đợt biến động giá cả.

“Bao nhiêu phần trăm diện tích đất cho thuê có thể canh tác thực sự?”, đó cũng là một câu hỏi mà nhà đầu tư cần trả lời. Có thể lấy châu Phi làm ví dụ. Ai cũng biết, đất đai ở châu Phi phần nhiều chưa được khai thác, song số lượng ít ỏi các nghiên cứu về hiện trạng đất đai khu vực này lại có xu hướng sử dụng những dữ liệu thống kê và hình ảnh vệ tinh cũ. Không có gì đảm bảo nó phản ánh đúng diện tích và chất lượng đất đai có thể khai thác ở thời điểm hiện tại, trong bối cảnh dân số vẫn tiếp tục phình ra cùng với nhu cầu đất đai và tài nguyên ngày một lớn.

Trong nhiều trường hợp, xung đột giữa người dân địa phương và nhà đầu tư nảy sinh, xuất phát từ khoảng cách giữa quy định của luật pháp rằng quyền sở hữu đất đai thuộc nhà nước và nhà nước có quyền cho thuê đất để phục vụ lợi ích chung với lập luận của nhóm sở tại rằng họ có quyền định đoạt đất đai vì họ đã có công khai phá, duy trì qua nhiều thế hệ. Ở những tình huống như vậy, nhóm thiểu số có nguy cơ bị đẩy vào thế bị ép buộc và chịu thiệt thòi.

Việc ký kết hợp đồng cho thuê đất một cách thiếu công khai và không có sự tham vấn cộng đồng cũng là một nguyên nhân gây ra những phức tạp và ảnh hưởng tiêu cực, không chỉ cho người dân sở tại mà cả nhà đầu tư lẫn chính phủ nước chủ nhà.

Tìm giải pháp thay thế

Ở nhiều nơi trên thế giới, kinh tế nông nghiệp hộ gia đình đã chứng minh được tính hiệu quả và sự năng động của mình. Phân tích của IIED cho rằng nếu chính phủ và các nhà đầu tư thúc đẩy kinh tế hộ gia đình trong ngành nông nghiệp, họ sẽ tạo ra lợi ích cho tất cả các bên, đồng thời tránh rủi ro từ việc thuê/cho thuê đất nông nghiệp quy mô lớn.

Như vậy, nếu đầu tư cho nông nghiệp đặt mục tiêu nâng cao năng suất và cải thiện sinh kế cho người dân, việc đầu tư cho nông dân địa phương mang lại triển vọng tốt hơn là thuê đất quy mô lớn.

Ở nhiều nơi, mô hình kinh tế tại chỗ đã cho thấy tính năng động và khả năng thích ứng nhanh với các yếu tố thị trường. Ở Ghana, hợp tác xã Kuapa Kokoo với 60.000 nông dân trồng cacao đã hoạt động trơn tru trong suốt hơn 15 năm qua. Hợp tác xã này sở hữu 45% Divine Chocolate, một công ty chuyên sản xuất và phân phối sô-cô-la có trụ sở tại Anh và nay đang mở rộng thị phần sang Mỹ.

Tháng 6 vừa qua, một báo cáo do Viện Môi trường và Phát triển Quốc tế (IIED), Quỹ Lương Nông Liên hợp quốc (FAO), Quỹ quốc tế về Phát triển Nông nghiệp (IFAD) và Cơ quan Hợp tác Phát triển Thụy Sĩ (SDC) đồng thực hiện đã phân tích và đưa ra nhiều phương thức hợp tác mà các nhà đầu tư có thể kết hợp với nông dân địa phương. Một số mô hình đã cho kết quả tốt, chẳng hạn như hình thức nhà đầu tư hỗ trợ nhà nông sản xuất mùa vụ, đồng thời đảm bảo bao tiêu sản phẩm ở một mức giá nhất định.

Bên cạnh đó cũng có một số hình thức khác như góp cổ phần, thuê đất của nông dân…Các mô hình mới xuất hiện mỗi ngày một nhiều hơn.

Ở Mali, Công ty nhiên liệu sinh học Mali Biocarburant SA mua lại hạt dầu mè từ chính những nông dân mà họ nhận hỗ trợ. Người dân đóng góp 20% cổ phần và có chân hội đồng quản trị công ty – đây được coi là động cơ mạnh mẽ khuyến khích người dân cung cấp sản phẩm chất lượng cao.

Để thúc đẩy những mô hình này, chính sách và khung pháp lý có vai trò rất lớn. Bên cạnh đó, sự giám sát của các tổ chức xã hội dân sự và các nhóm nông dân cũng cần được phát huy.

Cuối năm 2009, quốc tế cũng đã thông qua bộ nguyên tắc về đầu tư vào ngành nông nghiệp một cách có trách nhiệm, trong đó yêu cầu nhà đầu tư tôn trọng quyền lợi của người dân sở tại đối với đất đai và nguồn tài nguyên đi kèm, không phương hại an ninh lương thực, đảm bảo sự tham vấn cộng đồng và những đối tượng bị ảnh hưởng bởi dự án, đồng thời đảm bảo tính bền vững về mặt môi trường và xã hội cho địa phương.