Campuchia và bài toán thiếu điện nan giải

ThienNhien.Net – Nhu cầu về điện tăng cao hối thúc Campuchia nỗ lực tìm kiếm những giải pháp mới về năng lượng, tuy nhiên khó khăn về tài chính và kỹ thuật khiến quốc gia này khó có thể bứt phá khỏi vòng luẩn quẩn của bài toán thiếu điện.

Lượng ít, giá cao 

Theo Liên minh điện khí hóa nông thôn (ARE) – một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Bỉ, với lưới điện mới phủ khoảng 12,5% dân số, nguồn cung ứng điện ở nông thôn Campuchia đến nay cũng chỉ lớn hơn Myanmar, Apganishtan và Đông Timor, bởi ảnh hưởng từ thời kỳ Khơmer Đỏ và nội chiến sau đó.

Campuchia cũng là một trong những nước có mức giá điện cao nhất thế giới do hầu hết các nhà máy điện của quốc gia này đều sản xuất ở quy mô nhỏ, phân tán và thiếu nguồn cung cấp. Sinh khối từ gỗ, than củi và chất thải sinh học hiện vẫn là nguồn năng lượng chính cung cấp cho các doanh nghiệp ở nông thôn.

Trong khi đó, nhu cầu năng lượng ngày càng tăng nhanh. Dự báo của Bộ Công nghiệp, Mỏ và Năng lượng Capuchia (MIME) cho biết, để đáp ứng nhu cầu điện năng hiện tại, Campuchia phải đạt được công suất 400MW, con số này cao hơn 50% so với khả năng thực. Chính phủ nước này cũng dự tính, trong một vài năm tới, nhu cầu điện của Campuchia sẽ tăng 25%/năm, nhưng các giải pháp cung ứng điện thì vẫn hạn chế.

Trong giai đoạn ngắn và trung hạn, lựa chọn của Campuchia vẫn là nhập khẩu điện từ các nước láng giềng, đặc biệt là từ Thái Lan và Việt Nam” – ông Anthony Jude, Giám đốc phụ trách năng lượng và nước tại Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định.

Vấn đề càng trở nên khó khăn với Campuchia khi của Bộ Công nghiệp, Mỏ và Năng lượng Capuchia của nước này ước tính, công suất điện mà Campuchia cần đạt đạt vào năm 2011 ít nhất 500 MW, năm 2012 là 625MW và hơn 780MW vào năm 2013. Điều gì sẽ xảy ra sau đó?

Trông mong vào thủy điện

Theo ông Jude, thách thức lớn nhất đối với Campuchia chính là việc phát triển năng lượng dựa trên nguồn than, khí đốt, thủy điện và đầu tư cho mạng lưới truyền tải điện từ các nhà máy điện đến các trung tâm thành phố cũng như các vùng nông thôn.

Trong khi đó, theo nhận định của các nhà phân tích, mặc dù Chính phủ Campuchia đã ký hợp đồng với Công ty năng lượng Chevron (Mỹ) sản xuất điện từ nhiên liệu hóa thạch đến năm 2012, nhưng trong giai đoạn trung hạn, gánh nặng thực sự vẫn sẽ rơi vào thủy điện. Tuy nhiên, sẽ chỉ có một phần nhỏ trong số hơn 20 dự án đập được xem xét xây dựng do ngày càng có nhiều mối quan ngại về môi trường và xã hội đối với việc xây đập thủy điện.

Mới đây, Ngân hàng Thế giới đã tuyên bố sẽ không hỗ trợ vốn để xây thêm các con đập trên dòng chính sông Mê Kông sau khi báo cáo của Ủy hội sông Mê Kông (MRC) bày tỏ những quan ngại về môi trường và xã hội có thể được gây ra bởi những con đập này.

Khuyến nghị hoãn xây dựng các đập trên sông Mê Kông trong ít nhất 10 năm  và đề xuất cần nghiên cứu sâu hơn những rủi ro và tác động mà các công trình có thể gây ra từ báo cáo Đánh giá Môi trường Chiến lược(SEA) của MRC, trong trường hợp của Campuchia, có nghĩa là nên cắt giảm một lượng lớn các dự án sản xuất điện của chính phủ đến năm 2020, năm mà quốc gia này dự định cung cấp điện cho 100% hộ dân. 

Bản báo cáo SEA của MRC cũng cảnh báo, việc Campuchia cho xây dựng hai con đập Stung Treng và Sambor trên địa bàn tỉnh Stung Treng và quận Sambor (tỉnh Kratie) sẽ khiến hơn 29.000 người dân phải di dời và ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lợi thủy sản. Dù đã đặt kỳ vọng sản xuất gần 3.600 MW điện vào năm 2020 từ hai con đập, nhưng chính phủ Campuchia cần cân đối lợi ích sản xuất điện và vấn đề môi trường, xã hội.

Lựa chọn năng lượng hạt nhân quá xa vời

Những giải pháp năng lượng tại Campuchia vẫn được cho là thiếu chắc chắn, mặc dù quốc gia này đã tái gia nhập Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) vào tháng 11 năm ngoái và trong tháng 10 năm nay đã tham gia vào cuộc họp quốc tế đầu tiên của IAEA. Ông Kunleang Heng, Giám đốc Cơ quan phát triển năng lượng của MIME, một đại diện của Campuchia tham gia cuộc họp trên cho biết, tham vọng năng lượng hạt nhân của quốc gia này sẽ còn kéo dài trong những năm tiếp theo.

Bất kỳ quốc gia nào quan tâm đến việc phát triển năng lượng hạt nhân cũng cần phải xem xét rất nhiều vấn đề: kỹ thuật, công nghệ, nguồn nhiên nhiên liệu, các hiệp ước và thỏa thuận liên quan cũng như kế hoạch xử lý chất thải… Hơn nữa, nếu một quốc gia đang tìm kiếm năng lượng hạt nhân để đáp ứng nhu cầu của nó thì lưới điện quốc gia cũng cần phải được tăng cường để đảm bảo độ tin cậy – ông Jude khẳng định

Năng lượng tái tạo vẫn phôi thai

Ông Frans Marchand, nhà đầu tư người Hà Lan cho biết, đầu năm nay, Campuchia đã khánh thành tuabin gió đầu tiên tại Sihanoukville, nhưng một dự án năng lượng mặt trời trị giá tới 300 triệu đô thì vẫn chưa có gì tiến triển. Năng lượng tái tạo dường như vẫn còn là điều mới mẻ tại Campuchia.

Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, chính phủ Campuchia cần tăng cường mọi nguồn doanh thu có thể để đáp ứng chi phí cung cấp điện trên toàn quốc. Báo cáo của ADB được thực hiện từ ba năm trước cũng cho thấy, Campuchia cần 1,5 tỷ USD để từng bước mở rộng hệ thống sản xuất, truyền tải, phân phối điện, và điều này cần phải được xem xét cùng với việc tăng giá điện trong những năm qua.

Các nhà phân tích đầu tư cảnh báo, nguồn cung cấp năng lượng là một trong những thách thức quan trọng nhất đối với nền kinh tế của Campuchia. “Để tăng khả năng cạnh tranh và mở rộng phạm vi hoạt động của ngành công nghiệp, “xứ sở chùa tháp” cần giảm tối đa các chi phí năng lượng trong nước” – ông Douglas Clayton, Giám đốc điều hành của Leopard Capital nhấn mạnh.