Bảo tồn rừng quý vùng biên – Kỳ 2

ThienNhien.Net – Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Vượn Cao Vít nằm ngay sát biên giới, tiếp giáp với Khu Bảo tồn Trịnh Tây ở tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Một chị bạn trong nhóm chúng tôi là nhà báo Cao Bằng tự hào khoe "ở đó có một đàn vượn sứ giả đấy".

Loài vượn mà tôi kể đây chính là vượn Cao Vít, loài vượn mà cả đất nước Việt Nam này chỉ có duy nhất ở một khu bảo tồn nho nhỏ nằm khiêm tốn ở cực Bắc của tỉnh Cao Bằng, cả thế giới rộng lớn này cũng không đâu có ngoài vùng rừng bảo tồn giáp ranh Việt – Trung ở nơi có con sông Quây Sơn uốn lượn vòng vèo quanh núi đá. Các nhà khoa học gọi nó bằng cái tên La tinh Nomascus nasutus nasutus.

Tôi hỏi chuyên gia Cường về câu chuỵên vượn sứ giả thì được biết trong 17 đàn vượn còn lại ở Khu bảo tồn, hầu hết các đàn sống ở những mảng rừng bị cô lập, chỉ có một đàn sống ở dải rừng nối liền giữa đất Cao Bằng và đất Quảng Tây nên có điều kiện đi về, lúc ở bên này, lúc sang bên kia. Vậy nên các bác tuần rừng đặt cho chúng cái tên “sứ giả”.

Theo suy diễn của chúng tôi ban đầu, tháng 10 dương lịch là khoảng thời gian rừng có nhiều quả chín nên sẽ dễ bắt gặp và quan sát đàn vượn hơn. Trước chuyến đi, chuyên gia Cường dặn dò kỹ lưỡng lắm, ngoài cái việc chuẩn bị “quân lương” đầy đủ cho anh em, sức khoẻ để vác đồ, nhờ người gánh nước, còn phải thu xếp thành viên thật tinh, gọn. Nếu có chị em đi cùng thì càng phải để ý, nhất là cái khoản thơm tho xà phòng, nước hoa là tuyệt đối kỵ, vì bọn vượn phát hiện hơi lạ là chúng sẽ trốn biệt.

Chuyến đi của chúng tôi khá thuận lợi, thời tiết đã hanh khô hơn nên lối đi không còn trơn trượt. Các anh trong tổ tuần rừng đã quá quen với những lối mòn tuần tra nên cứ phăng phăng mà tiến dẫu trên vai vác toàn đồ nặng. Cái bọn quen mùi thành phố như chúng tôi thì tách nhóm đi sau cùng bởi theo không kịp, chốc chốc lại nghỉ, thua cả chị nhà báo người Cao Bằng.

Cuối cùng thì cũng tới nơi. Lúc ấy, tôi nghĩ chắc mình đang thở bằng tai thì phải. Nhưng rồi cũng đâu vào đấy. Một chuyến soi thú đêm hứa hẹn phía trước khiến anh em trong đoàn thấy hứng thú hơn. Tôi thấy mình thật may mắn và sáng suốt khi mời được chuyên gia của Tổ chức bảo tồn động thực vật hoang dã quốc tế (FFI) và các anh trong tổ tuần rừng đi cùng chuyến này.

Sớm hôm sau, tôi đang mơ màng ngủ thì một bác trong tổ tuần rừng tới lay vai gọi dậy đi xem vượn. Hoá ra, đàn vượn đã hót bài ca chào buổi sáng từ lâu mà tôi không biết. Những tràng hót dài, trong trẻo vút lên nối tiếp nhau như mời gọi. Các bác tuần rừng bảo đó là tiếng hót gọi nhau của vượn trước khi cả đàn đi kiếm ăn. Giọng hót của vượn trong và cao, có thể vang xa với bán kính 3km quanh lãnh địa của chúng. (mỗi đàn do một con đực làm chủ soái, chúng có lãnh địa riêng để di chuyển và kiếm ăn. Con đực thường tìm vị trí hơi tách đàn của nó một chút để có thể quan sát và báo động cho cả đàn khi có nguy hiểm).

xem vuon cao vit
Cả nhóm háo hức chờ quan sát đàn vượn (Ảnh: Hạ Đình)

Khác với bọn khỉ, lúc ở trên cây, lúc xuống mặt đất, vượn chỉ sống ở trên cây. Chúng thích ăn lá non và quả. Quả móc là một trong những món ăn ưa thích nhất của Vượn Cao Vít. Loại quả này khá phổ biến trong rừng, chúng mọc sai từng chùm, khi chín có vị ngọt chát.

Nghe các anh kể về chế độ một chồng hai vợ của Vượn Cao Vít tôi không khỏi phì cười. Thấy bảo rằng, hầu hết các loài vượn sống thuỷ chung một vợ một chồng để tâm đầu ý hợp nuôi dạy con cái. Không hiểu sao lại nảy nòi ra anh chàng Cao Vít đòi những “hai bà vợ”. Mải mê nên tôi quên mất không hỏi các anh xem có bao giờ các anh ấy quan sát thấy các bà vợ vượn Cao Vít ấy đánh ghen với nhau không.

Anh Cường cho biết vượn Cao Vít cùng với vượn đen tuyền và vượn đen Hải Nam ở Trung Quốc trước đây được xem là “anh em ruột già”. Nhưng gần đây, khi các nhà khoa học đem đi nghiên cứu di truyền phân tử thì mới tìm ra nhiều điểm khác biệt. Vậy là, các nhà bảo tồn phải đính chính, rằng Vượn Hải Nam, Vượn Đen Tuyền và Vượn Cao Vít là ba loài khác nhau.

Ở nước ta, vượn Cao Vít đã từng phân bố rộng khắp vùng Đông Bắc ở các tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Cao Bằng, Quảng Ninh, Bắc Kạn. Nhưng rồi chiến tranh, nạn phá rừng, nạn săn bắt diễn ra khiến những thông tin khoa học ghi nhận về sự tồn tại của chúng bế tắc. Đã có thời, các nhà nghiên cứu cho rằng loài vượn Cao Vít đã tuyệt chủng.

Sự trở lại của đàn vượn Cao Vít

Năm 2002, nhận được nguồn tin tại khu vực xã Ngọc Khê có một cá thể vượn nhồi bông, FFI đã tổ chức đoàn chuyên gia lên đây điều tra khảo sát ở khu vực rừng Ngọc Khê, Phong Nậm, tiếp giáp với biên giới Trung Quốc, để tìm một lời khẳng định rằng nơi rừng hẻo lánh này có tồn tại hay không một loài vượn đã bị cho là tuyệt chủng.

Công cuộc tìm kiếm diễn ra trong nhiều tuần lễ, và cuối cùng, các chuyên gia cũng tìm được chứng cứ thể hiện rằng nơi đây còn vượn Cao Vít sinh sống. Không những vậy mà số lượng chúng cũng còn tàm tạm, khoảng từ 24 đến 27 cá thể. Từ đó, chương trình bảo tồn loài linh trưởng quý hiếm này được xây dựng, và FFI đã cử nhiều cán bộ công tác nằm vùng để nghiên cứu loài Vượn này.

Đến năm 2004 và 2005, FFI thực hiện tiếp hai đợt điều tra, kết quả cho thấy khu bảo tồn có từ 6 đến 8 đàn, với khoảng 30 đến 37 cá thể. Vào cuối năm 2007, một cuộc tổng điều tra khảo sát số lượng quần thể Vượn Cao vít trên toàn bộ Khu bảo tồn đã cho con số đáng mừng: Cả thảy là 17 đàn vượn, số lượng lên tới 94 đến 96 cá thể. 
Cùng với quá trình nghiên cứu, tạo điều kiện hỗ trợ tỉnh Cao Bằng lập hồ sơ đề nghị thành lập Khu bảo tồn, FFI đã thành lập tổ tuần rừng, với thành viên là chính những người dân địa phương có tinh thần tự nguyện tham gia công tác bảo vệ Vượn Cao Vít

Anh Cường chia sẻ: “Mong muốn cuả bọn mình là vừa hỗ trợ bà con phát triển kinh tế, vừa nâng cao năng lực cho người dân để họ cùng tham gia bảo vệ vượn Cao Vít.”

Từ những báo cáo khoa học với toàn số liệu khô cứng, những thông tin về tập tính sinh thái, giá trị bảo tồn, các mối nguy cơ đối với loài vượn Cao Vít đã được các chuyên gia diễn giải để bà con dễ hiểu, dễ tiếp thu.

Kể từ khi được phát hiện trở lại cho tới nay, đàn vượn Cao Vít đã phục hồi dần. Nhưng dường như chưa thể an tâm trước những mối đe doạ còn luôn rình rập vượn, FFI đã quyết định sẽ tiếp tục trụ lại để hỗ trợ Ban quản lý khu bảo tồn, có thể là 10 hoặc 15 năm nữa, ít nhất cho tới khi vượn Cao Vít không còn trong tốp 25 loài linh trưởng bị đe doạ tuyệt chủng nhất trên toàn cầu.

Vượn Cao Vít trong tự nhiên (Nguồn ảnh: FFI):

vuon cao vit

vuon cao vit

vuon cao vit

vuon cao vit

vuon cao vit

vuon cao vit

Bảo tồn rừng quý vùng biên – Kỳ 1