Cứ 3 ngày lại phát hiện một loài mới ở Amazon

ThienNhien.Net – Rừng rậm Amazon quả không hổ danh là nơi có giá trị đa dạng sinh học cao nhất thế giới khi liên tiếp "trình làng" những loài sinh vật độc đáo trong suốt nhiều thập kỉ qua. Chỉ tính từ năm 1999 đến 2009, đã có 1.200 loài được phát hiện tại đây, trung bình cứ 3 ngày lại xuất hiện thêm một loài mới.


Những thành viên mới trong gia đình Amazon

1.200 “nhân vật” mới ở Amazon đã lần lượt được Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) liệt kê trong báo cáo mang tên “Amazon Alive!: A Decade of Discoveries 1999-2009”, trong đó số lượng các loài thực vật chiếm nhiều nhất với 637 loài, 257 loài cá, 216 loài lưỡng cư, 55 loài bò sát, 16 loài chim và 39 loài thú.

Một trong những kết quả tuyệt vời ghi nhận được tại Amazon là loài trăn anaconda khổng lồ. Đây là loài trăn Nam Mỹ, được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1936, cũng là loài trăn thứ tư mà con người biết đến. Chúng chính thức được tìm thấy tại khu vực đông bắc Amazon và các bãi bồi ven sông của tỉnh Pando, cùng thuộc địa phận Bolivia vào năm 2002. Trăn anaconda dài tới 4m, ban đầu được cho là loài lai giữa trăn Nam Mỹ xanh lá cây và vàng, nhưng về sau được xác định là một loài riêng biệt.
 

 
Loài ếch Ranitomeya amazonica với màu sắc và hoa văn độc đáo. Theo Wildlifeextra)

Loài sinh vật đặc biệt thứ hai cần phải nhắc tới là loài ếch Ranitomeya amazonica. Chúng có màu sắc lạ thường, với hình ngọn lửa trên đầu và hoa văn chân rất độc đáo. Môi trường sống chủ yếu của loài ếch này là các khu rừng ẩm thấp, gần khu vực Iquitos thuộc vùng Loreto, Peru. Chúng cũng được tìm thấy tại Khu Bảo tồn quốc gia Alpahuayo Mishana của quốc gia này.

Vẹt đầu hồng Pyrilia Aurantiocephala cũng là một trong những thành viên của “đại gia đình” Amazon. Chúng có chiếc đầu hói đặc trưng, và sở hữu màu lông tuyệt đẹp. Hiện loài này chỉ được tìm thấy ở một vài địa phương thuộc hạ lưu sông Maideira và vùng thượng lưu sông Tapajos, Braxin. Chúng bị liệt vào danh sách các loài sắp bị đe dọa vì số lượng tương đối ít, lại bị suy giảm do mất môi trường sống.

Cá heo hồng trên sông Amazon được các nhà khoa học ghi nhận vào những năm 1830, với tên khoa học Inia geoffrensis. Năm 2006, các nhà khoa học đã phát hiện thêm loài cá Inia boliviensis tại Bolivia và khẳng định loài cá này có quan hệ họ hàng với cá heo hồng. Tuy nhiên, loài Inia boliviensis được xác định là có nhiều răng, đầu nhỏ hơn, thân cũng nhỏ nhưng tròn và rộng hơn.

 
Số lượng loài vẹt đầu hồng Pyrilia Aurantiocephala ngày càng ít do môi trường sống bị thu hẹp. (Ảnh: Wildlifeextra)

Tiếp đến là loài cá trê Phreatobius dracunculus, chúng có màu đỏ tươi, không có mắt và rất nhỏ, sống chủ yếu tại các vùng nước ngầm. Loài cá trê này được tìm thấy tại ngôi làng Rio Pardo, thuộc bang Rondonia, Brazil khi bị mắc kẹt trong xô múc nước. Từ đó trở đi, chúng tiếp tục được tìm thấy tại 12/20 giếng nước khác trong vùng. 

Nguy cơ suy giảm môi trường sống

Bên cạnh những giá trị độc đáo về đa dạng sinh học, Báo cáo của WWF cũng chỉ ra mối nguy cơ tiềm ẩn đối với khu vực Amazon. Trong suốt 50 năm qua, con người đã phá hủy ít nhất 17% diện tích rừng nhiệt đới Amazon, lớn hơn diện tích của Venezuela và gấp đôi diện tích Tây Ban Nha.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này là sự gia tăng nhu cầu về thịt, đậu nành và nhiên liệu sinh học trong khu vực cũng như trên toàn cầu, từ đó tất yếu dẫn tới nhu cầu mở rộng đất đai. Ước tính, khoảng 80% diện tích rừng bị phá ở vùng Amazon được dùng làm bãi chăn thả gia súc.

Thêm vào đó, những mô hình phát triển không bền vững, sự tăng trưởng quá nhanh về kinh tế và nhu cầu năng lượng ngày càng tăng cao cũng tác động không nhỏ tới khu vực rộng lớn này.

Rừng Amazon không chỉ là nơi phong phú và đặc hữu về đa dạng sinh học nhất trên Trái Đất mà còn là nơi lưu trữ 90-140 tỉ tấn các-bon. Vì vậy, chỉ cần một phần lượng khí này thoát ra do việc phá rừng và thay đổi tình trạng sử dụng đất thì hiện tượng nóng lên toàn cầu sẽ bị đẩy nhanh hơn, và khi đó, cuộc sống của toàn bộ con người trên trái đất cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Amazon là khu rừng nhiệt đới lớn nhất thế giới, với tổng diện tích lên đến hơn 330 triệu ha (gần 7 triệu km2), trải rộng trên khắp các quốc gia: Bolivia, Brazil, Colombia, Ecuador, Guyana, Guyana thuộc Pháp, Peru, Suriname và Venezuela. Amazon bao gồm nhiều khu rừng nhiệt đới và hệ thống sông lớn nhất trên thế giới. Nơi đây cũng có đến gần 600 môi trường sống khác nhau, từ trên cạn đến dưới nước ngọt, từ đầm lầy tới đồng cỏ, núi thấp, rừng thấp… và khoảng 10 % số lượng loài đã biết trên thế giới hiện đang cư trú tại Amazon.