Thêm 3 năm mịt mù cùng khói lò

ThienNhien.Net – Đã từ nhiều năm nay, lò gạch thủ công bị xếp vào danh sách nguy hại đối với môi trường và sức khỏe của con người. Thế nhưng, tại xã Lão Hộ, một làng quê thuộc huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, nhiều người vẫn hy vọng đổi đời từ những lò gạch này. UBND tỉnh đã phải nghiêm khắc áp dụng lệnh cấm các lò gạch thủ công hoạt động. Nhưng đáng tiếc, hiệu lực thi hành còn phải chờ tới… năm 2013!


Hệ lụy từ “vòng vây” khói lò

Xã Lão Hộ có 4 thôn (Liên Sơn, Toàn Thắng, Quyết Chiến, Thượng Tùng) thì có đến 14 lò gạch thủ công đang hoạt động. Người dân trong xã ngày đêm ngộp thở, đồng ruộng bỏ hoang, còn cây cối, hoa màu thì “ vô sinh” vì khói lò.

Điển hình là những vườn vải, vườn nhãn vốn sum suê trái trước đây giờ chỉ còn những cành khô cằn cỗi, lác đác vài quả. Hay những cánh đồng màu mỡ, xanh tốt đang thời kì trổ đòng cũng phải cháy bạc đi, nhường chỗ cho những đám cỏ dại thi nhau mọc.

Nhà ngay cách một lò gạch chưa đến nửa km, bà Nguyễn Thị Tuyến (thôn Thượng Tùng) phản ánh: “Cứ chiều tối là khói lò gạch lại nghi ngút, dù nhà tôi đã phải mua đến 3 cái bạt rộng để chăng kín nhưng vẫn chẳng ăn thua. Ngồi trong nhà, đeo khẩu trang mà vẫn ho sặc sụa, mấy đứa trẻ xung quanh đây lúc nào cũng bị viênm đường hô hấp triền miên.”

Không phủ nhận từ khi có các lò gạch thủ công không ít hộ dân đã thoát nghèo nhưng cũng khá nhiều hộ dân lại tái nghèo, ông Phạm Văn Đài (Trưởng thôn Thượng Tùng – xã Lão Hộ) cho hay, xung quanh thôn có đến 30 lò gạch thuộc xã Quỳnh Sơn, và 7 lò gạch thuộc xã Lão Hộ cách chưa tới 1,5 km. Trước kia nhiều hộ dân chỉ trông vào mấy sào ruộng là đủ ăn, nay đến bồ thóc cũng không đủ, bởi khói lò đã khiến năng suất giảm một nửa thậm chí mất trắng, vụ màu hay vụ chiêm cũng không thể canh tác thêm được nữa. Ngay vụ chiêm tháng 06/2010, năng suất lúa tại thôn đạt 1 tạ/1 sào thuộc vào diện thấp nhất xã, giảm hơn 50 % so với năm 2009.”

Biết hại nhưng vẫn ham

Được biết, nguyên liệu được sử dụng ở các lò gạch thủ công là than đá, khi đốt lên sẽ thải khí cacbon dioxit gây hại đến bầu không khí. Do đó, theo quy định, các lò gạch phải xây dựng cách khu dân cư 12km, và chỉ được sản xuất từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, nhằm hạn chế những ảnh hưởng môi trường.

Thế nhưng, tại Lão Hộ, bất cứ khu đất trống nào đều được tận dụng để xây lò gạch và hoạt động không chừa ngày tháng nào. Thậm chí, bất chấp cả những hệ lụy trên, nhiều lò gạch thủ công vẫn cứ thi nhau mọc lên và được cấp phép hoạt động rầm rộ tại đây.

Bởi mỗi năm, một lò gạch thủ công có thể sản xuất trung bình từ 2-4 triệu viên gạch và thu lợi hơn 1 tỷ đồng. Chính khoản siêu lợi nhuận này đã khiến không ít người dân địa phương, mà ngay cả nhiều người tỉnh khác cũng muốn được đổi đời, để làm ông/bà chủ của 1 lò gạch, dù họ biết rằng đây là một nghề nguy hại tới môi trường cũng như sức khỏe con người.

Và “không làm chủ được, thì làm công nhân cũng vẫn còn khấm khá hơn so với nghề nông”, là suy nghĩ của đa số công nhân lò gạch ở Lão Hộ, dù họ biết sẽ phải đối mặt với rất nhiều căn bệnh đi liền với nó như: ung thư phổi, ung thư vòm họng, đau mắt…. Vì tính ra tiền công 100 – 120 ngàn/ngày lời hơn hẳn so với cái nghề “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”.

Thêm vào đó, biết là hại nhưng chính quyền địa phương vẫn làm ngơ. Việc xử phạt các lò gạch cũng chỉ “chiếu lệ” qua loa và vì chỉ phạt hành chính nên không mang tính răn đe. Điều này vô hình chung đã khiến cho các chủ lò gạch vẫn vô tư sản xuất, và người dân vẫn ngày ngày phải chịu nguy hại từ khói lò.


Quanh xã Lão Hộ, hàng chục cái lò gạch thủ công như thế này cứ đua nhau mọc lên.

Có quyết định cấm … nhưng đợi 3 năm nữa

Bức xúc trước tình trạng các lò gạch gây ô nhiễm nghiêm trọng, ngày 01/12/2009, trong lần tiếp xúc cử tri của đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang, người dân Lão Hộ đã đưa ra kiến nghị mong muốn tỉnh sớm có giải pháp chấm dứt hoạt động sản xuất của các lò gạch thủ công tại đây.

Tiếp nhận ý kiến cử tri, đoàn đại biểu hứa sẽ có quyết định ngăn chặn tình trạng gây ô nhiễm của các lò gạch thủ công vào 01/03/2010. Tuy nhiên, đến tận bây giờ, sự việc vẫn chưa thấy động tĩnh gì.

Mặt khác, cùng vào tháng 12/2009, UBND tỉnh Bắc Giang cũng đưa ra Quyết định số 147/2009/QĐ-UBND ban hành quy định hoạt động sản xuất gạch, ngói thủ công trên địa bàn tỉnh. Theo đó, từ ngày 01/03/2010, cấm triệt để mọi hoạt động nung đốt lò gạch, ngói thủ công trong khu vực đất canh tác nông nghiệp và khu vực đông dân cư; từ ngày 01/03/2012, cấm triệt để mọi hoạt động nung đốt lò gạch.

Thế nhưng, mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bắc Giang lại có đề nghị UBND tỉnh Bắc Giang cho các lò gạch thủ công tiếp tục sản xuất đến hết 01/03/2013 (tức là quá 3 năm so với dự kiến), với lý do chờ đợi nhà máy Gạch Tuynel Hải Hà đi vào vận hành.

Và cám cảnh “cha chung không ai khóc”, người dân Lão Hộ lại đành là người chịu thiệt thòi thêm 3 năm sống trong cảnh khói lò mù mịt để đợi lệnh cấm có hiệu lực, dù hệ lụy của nó còn dai dẳng nhiều năm sau đó.