Cần hoãn xây đập trên dòng chính Mê Kông ít nhất một thập kỷ tới

ThienNhien.Net – Ngày 15/10/2010, Ủy hội sông Mê Kông (MRC) đã công bố bản dự thảo cuối cùng của Báo cáo Đánh giá Môi trường Chiến lược (SEA) đối với những đề xuất dự án phát triển thủy điện trên dòng chính sông Mê Kông. Một trong những kiến nghị quan trọng được đưa ra, đó là cần hoãn xây đập trên sông Mê Kông trong ít nhất 10 năm tới.


Trước mối quan tâm rất lớn đối với việc xây dựng 12 dự án thủy điện trên dòng chính ở Căm-pu-chia, Lào và ở biên giới Lào-Thái Lan, MRC đã tiến hành thực hiện một báo cáo đánh giá tổng hợp về những cơ hội và rủi ro của việc thực hiện các dự án này; bao gồm cả ảnh hưởng của những dự án đã và đang được xây dựng trên thượng lưu sông Mê-kông ở Trung Quốc.

Bản báo cáo được thực hiện trong vòng 14 tháng đã đánh giá sâu về tác động của các dự án thủy điện trên dòng chính đến tổng thể môi trường của sông Mê Kông, và cho thấy những quan điểm khác nhau của các nhóm lợi ích trong việc phát triển và bảo vệ tài nguyên lưu vực; đồng thời đưa ra những khuyến nghị cho các nước thành viên xem xét mối liên hệ giữa những lợi ích kinh tế với các vấn đề môi trường-xã hội, trong trường hợp quyết định tiến hành các dự án phát triển thủy điện như đề xuất.

Cụ thể, báo cáo đã phác thảo quy mô tác động có khả năng không thể phục hồi do phát triển thủy điện đối với quá trình phát triển tự nhiên, đối với nghề đánh bắt cá, đối với hệ sinh thái trên cạn, dưới nước, và đối với sinh kế của người dân, đồng thời đưa ra một hệ chỉ số về quy mô ảnh hưởng có thể tránh được và giảm thiểu thông qua việc quy hoạch hợp lý.

Bên cạnh đó, báo cáo cũng phân tích khách quan những lợi ích tiềm năng đem lại từ nguồn thủy điện khoảng 13.500 MW cho các chương trình quốc gia về tăng trưởng kinh tế, đầu tư kinh tế-xã hội và xóa đói giảm nghèo, và vấn đề giảm phát thải khí CO2 so với các dự án thay thế khai thác nhiên liệu hóa thạch.

Tuy nhiên, do đa phần người dân sinh sống tại các khu vực phát triển thủy điện đều phụ thuộc vào nghề đánh bắt cá cho nên sẽ có hơn một triệu người phải chịu tác động trực tiếp hoặc gián tiếp nếu các dự án thủy điện được tiến hành.

Mặt khác, báo cáo cho rằng, việc đề xuất phát triển 12 dự án thủy điện này cùng với số lượng ngày càng tăng các đập trên dòng nhánh ở hạ lưu sông Mê Kông, cũng như một loạt các đập trên sông Lan Thương ở Trung Quốc, sẽ tạo ra một tác tác động xuyên biên giới. Theo đó, nguy cơ chính là việc cân bằng phí tổn, lợi ích giữa các nước thành viên MRC và giữa các nhóm cộng đồng với nhau.

Do đó, báo cáo SEA đưa ra bốn phương án chiến lược cho việc phát triển thủy điện dòng chính. Trong đó, nhóm tư vấn thực hiện báo cáo SEA đã đưa ra kiến nghị chủ chốt là các nước thành viên nên cân nhắc phương án “Quyết định hoãn tất cả các dự án xây dựng đập trên dòng chính trong một giai đoạn định sẵn”.

Bởi theo nhóm tư vấn, đối với một hệ thống sông phức tạp như Mê Kông thì không thể đánh giá hết được mức độ ảnh hưởng của các tác động cũng như khả năng phục hồi, nên những quyết định về xây dựng đập trên dòng chính cần phải hoãn lại một thời gian từ 10 năm trở lên, đồng thời tiến hành đánh giá 3 năm một lần để đảm bảo các điều kiện cần thiết cho quá trình quản lý.

Kết quả Báo cáo Đánh giá Môi trường Chiến lược sẽ hỗ trợ quá trình tham vấn bắt buộc theo Hiệp định Mê Kông 1995 cho từng dự án thủy điện trên dòng chính trước khi quyết định có triển khai các dự án này hay không, và nếu triển khai thì sẽ triển khai trong hoàn cảnh nào. Quá trình tham vấn này vừa mới bắt đầu đối với đề xuất xây dựng đập thủy điện Xayaburi ở phía Bắc Lào, đây là đề xuất đập đầu tiên trên dòng chính ở hạ lưu sông Mê Kông” – ông Jeremy Bird, Giám đốc điều hành Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Kông, nói.

Báo cáo SEA do Sáng kiến Thủy điện Bền vững (ISH) điều phối, là sáng kiến liên ngành của MRC phối hợp với các chương trình khác của Ủy hội; được thực hiện bởi một nhóm ủy thác có sự cộng tác giữa các tư vấn, ban thư ký MRC, các cơ quan chính phủ của bốn nước thành viên, đại diện của xã hội dân sự, khu vực tư nhân, nhóm nghiên cứu của Trung Quốc và các nhóm lợi ích khác.


Phản đối xây đập Xayabouri trên dòng Mê Kông