Gia Lai: Tình trạng phá rừng chưa “hạ nhiệt”

ThienNhien.Net – Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã xảy ra gần 1.400 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, tăng 113 vụ so với cùng kỳ năm trước. Trong đó hành vi cất giấu, vận chuyển, mua bán lâm sản trái pháp luật là 1.148 vụ. Các huyện có số vụ vi phạm nhiều và quy mô lớn là Ia Grai, Chư Prông, Đức Cơ, Chư Pưh, Ia Pa, Krông Pa, Kông Chro…


Tình trạng phá rừng luôn “nóng”

Toàn tỉnh Gia Lai hiện có gần 750 ngàn ha đất có rừng, phần lớn là rừng tự nhiên. Từ đầu năm 2009 đến nay, diện tích rừng tại địa phương này đã thu hẹp gần 2000 ha, trong đó có hơn 1700 ha do chuyển đổi mục đích sử dụng để trồng cao su, công trình thủy điện, thủy lợi, đường giao thông…, số còn lại là do nạn đốt, phá rừng gây ra.

Trong 4 năm gần đây, liên tục có những vụ phá rừng lớn khi cơn sốt gỗ huỳnh đàn, gỗ trắc rộ lên. Hàng ngàn lượt lâm tặc xâm nhập vào các khu rừng ở huyện Kbang, Krông Pa… khai thác trộm các loại gỗ quý này. Trong khi đó lực lượng kiểm lâm và các đội tuần tra liên ngành mới chỉ phát hiện và xử lý 200 vụ. Đây được cho là một con số quá nhỏ so với thực tế phá rừng đang diễn biến ngày một phức tạp tại địa phương này.

Chỉ tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Gia Lai phát hiện gần 1.400 vụ vi phạm quy định bảo vệ rừng. Ngành chức năng đã xử lý trên 1.000 vụ, thu nộp ngân sách trên 13 tỷ đồng, trong đó gồm có tiền xử phạt hành chính, tiền tịch thu, phát mại lâm sản và các phương tiện vận chuyển trái phép.

Số liệu trên phần nào chứng tỏ sự tích cực của ngành chức năng trên mặt trận chống lâm tặc. Nhưng mặt khác, nó còn là biểu hiện của sự bất lực trong việc ngăn chặn sự xâm hại rừng từ gốc. Đơn cử, tháng 5-2010, hơn 80 hộ dân xâm nhập vào các cánh rừng ở huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai, tàn phá trên 10 ha rừng và khi các cơ quan chức năng phát hiện thì việc đốt phá rừng đã được hoàn tất và đất đã được trồng hoa màu.

Mất rừng vì đâu?

Việc ngăn ngừa, hạn chế tình trạng phá rừng dù đã được chính quyền địa phương chỉ đạo quyết liệt bằng những giải pháp cụ thể như; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, bổ sung lực lượng kiểm lâm về tuyến cơ sở, quản lý các cơ sở sản xuất và chế biến lâm sản…nhưng vấn nạn phá rừng vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Thậm chí tại một số xã thuộc 3 huyện biên giới là Đức Cơ, Ia Grai và Chư Prông, vài năm nay đã hình thành những điểm nóng khai thác, vận chuyển gỗ trái phép.

Tại cuộc họp sơ kết 9 tháng về công tác quản lý và bảo vệ rừng diễn ra ngày 16/9 do Ủy Ban nhân dân tỉnh Gia Lai chủ trì, ông Phan Trung Tường – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Ia Grai đã nhìn nhận: Năng lực một số kiểm lâm địa bàn còn hạn chế, khâu xử lý vi phạm chưa đủ mạnh chính là nguyên nhân khiến hoạt động tàn phá rừng gia tăng.

Thêm nữa, theo quy định của tỉnh, địa phương nào để xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác rừng trái phép, cháy rừng thì Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện phải chịu trách nhiệm. Trong khi đó, ban quản lý rừng là đơn vị trực tiếp quản lý, bảo vệ, phát triển rừng lại không phải chịu trách nhiệm gì. Thời gian qua, chưa có ban quản lý rừng nào bị xử lý trách nhiệm vì để xảy ra mất rừng, cháy rừng. Có lẽ vì vậy mà không ít ban quản lý rừng cả năm không phát hiện được vụ khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép nào. Hoặc nếu có phát hiện thì chỉ là những vụ vận chuyển hay phát rừng làm rẫy của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.

Chẳng hạn, Kbang là huyện có diện tích rừng lớn nhất tỉnh Gia Lai với 127 ngàn ha rừng, trong đó Vườn quốc gia Kon Ka Kinh gần như nằm trọn tại địa phương này. Nhưng 9 tháng qua cơ quan chức năng cũng chỉ phát hiện và xử lý 53 vụ, thu hồi hơn 70 m3 gỗ. Riêng huyện Kông Chro 9 tháng qua đã bắt giữ 101 vụ, thu 127m3 gỗ các loại, nhưng báo cáo của địa phương lại cho biết không để mất rừng (?)

Theo ông Trần Văn Minh, hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Kông Chro, xử lý các đối tượng trực tiếp vi phạm chưa tận gốc cũng là một nguyên nhân khiến công tác giữ rừng không mang lại hiệu quả. Trong số gần 1.400 vụ vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng của địa phương mới chỉ đưa 11 vụ ra xử lý hình sự. Còn lại chỉ dừng lại ở mức xử lý hành chính và với đối tượng chủ yếu là những người làm thuê.

Cùng với những tồn tại trên, theo đánh giá của ông Đào Xuân Liên, Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai thì vẫn còn một số cán bộ kiểm lâm địa bàn hạn chế về kinh nghiệm, khả năng tham mưu cho chính quyền địa phương còn yếu, không đủ sức kiểm soát địa bàn được giao quản lý một cách thường xuyên, chặt chẽ. Chính quyền cấp xã vẫn còn lơi lỏng trong việc thực thi trách nhiệm của mình, đôi khi còn ngại va chạm, xem việc giữ rừng là trách nhiệm riêng của kiểm lâm.

Níu màu xanh Tây Nguyên

Rừng bị mất đồng nghĩa với môi trường sinh thái bị biến đổi, nhiệt độ tăng lên, mùa khô kéo dài hơn; nguồn tài nguyên nước bị giảm sút… Việc mưu sinh từ nghề nông của người dân chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.

Thực tế đó dù được báo động lâu nay nhưng vẫn chưa có những chiến lược giữ rừng thành công từ những nhà hoạch định, quản lý. Và tất yếu là người dân vùng Tây Nguyên sẽ phải hứng chịu nhiều hơn những cơn thịnh nộ của thiên nhiên mà hai cơn bão lịch sử số 9 và số 11 xảy ra vào cuối năm ngoái là một thực tế.

Theo quy luật, mùa mưa ở Tây Nguyên sẽ diễn ra từ đầu tháng 5 đến hết tháng 10, nhưng đến nay đã qua bốn tháng mà trên địa bàn khu vực này mới chỉ có vài trận mưa nhỏ với lưu lượng không quá 120mm mỗi trận, do vậy nhiều diện tích nương rẫy, cà phê, hồ tiêu, lúa nước đang rơi vào tình trạng khô hạn.

Để hạn chế tình trạng vi phạm Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Uỷ ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị chủ rừng giám sát việc khai thác gỗ theo chỉ tiêu, các địa phương tăng cường kiểm tra, truy quét nạn phá rừng, khai thác, vận chuyển, buôn bán lâm sản trái phép, nhất là địa bàn giáp ranh, rà soát và yêu cầu các cơ sở chế biến lâm sản đảm bảo nguồn gốc của lâm sản đúng với quy định của pháp luật…

Giải pháp bước đầu đã được đưa ra, tuy nhiên ngành chức năng và địa phương có triển khai triệt để hay không lại là chuyện khác.