Khan hiếm nước – thách thức toàn cầu

ThienNhien.Net – Trước sức ép gia tăng dân số và phát triển kinh tế, nước đang ngày càng bị khai thác và sử dụng vượt quá lượng có thể phục hồi. Đô thị hóa, nông nghiệp, công nghiệp và biến đổi khí hậu đang gây sức ép lên cả chất lượng và số lượng nguồn nước. Sự cạn kiệt nguồn nước, sự gia tăng về nhu cầu nước sạch, sự suy giảm về chất lượng nguồn nước đang là những thách thức toàn cầu mà nhân loại phải đối mặt.

Thế giới đang khát

Một báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới ước tính, tới năm 2030, nhu cầu về nguồn nước của con người sẽ vượt lượng cung tới 40%.

Theo Liên hiệp quốc, hiện nay có hơn 2,6 triệu người trên toàn cầu không được tiếp xúc với điều kiện vệ sinh cơ bản và gần một tỷ người không được dùng nước sạch. Cứ 20 giây lại có một trẻ em tử vong vì các bệnh liên quan đến tình trạng thiếu nước sạch và điều kiện vệ sinh phù hợp.

 – 70% diện tích Trái Đất được bao phủ bởi nước nhưng chỉ có 2,5% nước trên thế giới là nước ngọt, trong khi 97,5% là đại dương. Trong đó, 0,3% nước ngọt của thế giới nằm trong các sông, hồ; 30% là nước ngầm, phần còn lại nằm trên các sông băng, núi băng.
– 70% lượng nước trên thế giới được sử dụng cho nông nghiệp, 22% cho công nghiệp và 8% phục vụ sinh hoạt.
– Theo ước tính, trung bình một người ở các nước phát triển sử dụng 500-800 lít/ngày so với 60-150 lít/người/ngày ở các nước đang phát triển.

Hiện tại, hơn 80 quốc gia, đại diện cho 40% dân số thế giới, đang trải qua tình trạng thiếu nước nghiêm trọng. Các nước Tây Nam Á đối mặt với mối đe dọa lớn nhất với hơn 90% dân số của khu vực thiếu nước trầm trọng.

Trong khi đó, tiếp cận với nguồn nước sạch hiện vẫn là giấc mơ của hàng triệu người ở những vùng đất khô hạn và bán khô hạn Châu Phi.

Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) cho biết, hiện tại cứ 3 người châu Phi thì có 1 người không được tiếp cận với nguồn nước và điều kiện vệ sinh phù hợp. Tuy nhiên, với mức cầu hiện nay, chỉ trong một hai thập kỷ tới, số người không có nước sạch và điều kiện vệ sinh hợp lý ở châu lục đen sẽ là 1/2 người.

Trong khi đó, với nhu cầu về nước ngày càng gia tăng theo đà tăng trưởng dân số, lượng nước ngầm đang bị khai thác đang vượt xa khả năng phục hồi.

Chưa hết, với khoảng 2 tỷ tấn rác con người thải vào nguồn nước mỗi ngày, con người còn phải đối mặt với thách thức ô nhiễm nguồn nước ở khắp nơi trên thế giới. Mặc dù sự cải thiện về chất lượng nguồn nước có thể thấy ở vài khu vực, ô nhiễm nước vẫn đang gia tăng trên toàn cầu.

Hội nghị thượng đỉnh về MDGs không ưu tiên vấn đề nước

Trước thềm hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo thế giới về mục tiêu thiên niên kỷ (MDGs), một câu hỏi đang được đặt ra là tại sao vấn đề nguồn nước lại bị đối xử “lạnh nhạt” đến thế trong chương trình nghị sự, nhất là khi đói nghèo đang gia tăng?

Theo Anders Berntell, giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Nước Quốc tế, nước không được dành vị trí xứng đáng trong các tài liệu hay kế hoạch hành động sẽ được công bố tại Hội nghị thượng đỉnh về MDGs diễn ra tại New York từ 20-22/09 tới đây.

Chính vì điều đó, một tuyên bố đã được 2.500 chuyên gia về nước tại Hội nghị Nước Quốc tế thống nhất đưa ra để: “Đề nghị các bên liên quan trong Hội nghị thượng đỉnh về MDG nhận thức một cách đầy đủ về vai trò cơ bản của nguồn nước và điều kiện vệ sinh đối với các mục tiêu thiên niên kỷ”.

Theo các chuyên gia, mục tiêu thiên niên kỷ về nước là chưa đủ, nước cần được nhìn nhận ở vị trí xứng đáng hơn, với ý nghĩa là thực hiện mục tiêu này có thể giúp chúng ta xây dựng một thế giới bền vững hơn và dẫn đến sự thành công của tất cả các mục tiêu khác.

Các chuyên gia cũng cho rằng quản lý nguồn nước, dịch vụ nguồn nước và điều kiện vệ sinh là phương thức hiệu quả nhất để đạt được MDGs. Ngược lại, việc tiếp tục “phớt lờ” nước và điều kiện vệ sinh “sẽ là nguồn cơn cho thảm họa và sự thất bại của tất cả các mục tiêu thiên niên kỷ”.

Bởi lẽ, theo Maude Barlow, chuyên gia của Dự án Hành Tinh xanh tại Canada, từng là tư vấn cao cấp về nước cho chủ tịch Đại hội đồng Liên hiệp quốc, nước là trung tâm của mọi thứ: “Không có nước thì không có thực phẩm, không có sức khỏe, không có trường học, không có bình quyền và không có hòa bình”. Đồng thời, con đường đến với an ninh nguồn nước cũng đồng thời là “một con đường lớn giúp giải quyết xung đột, khủng hoảng khí hậu, đói nghèo và bất công”.

Chính vì vậy, nước và vệ sinh cần được ưu tiên như một mục tiêu thiết yếu mà nếu thiếu nó không mục tiêu nào có thể đạt được. Và ngay cả khi MDGs thành công rực rỡ, nếu thiếu các cam kết mới để bảo vệ nguồn nước và phục hồi hệ sinh thái, chúng ta cũng không thể có đủ nước cho tất cả mọi người.

Ngăn chặn một cuộc “phá sản nguồn nước”

Sự thất bại của loài người trong việc hạn chế biến đổi khí hậu đang gây bất ổn cho nguồn tài nguyên nước và có thể đẩy các quốc gia đến bờ vực “phá sản nguồn nước”. Chúng ta đã vay mượn của “ngân hàng nước” một món nợ lớn. Và tới năm 2050 chúng ta sẽ có thêm 2,5 tỷ “con nợ khát nước”.

Thiếu nước đã không còn là câu chuyện của một quốc gia mặc dù biến đổi khí hậu thì ảnh hưởng toàn cầu, trong khi cuộc khủng hoảng nước lại chỉ căng thẳng ở từng khu vực. Bởi lẽ, chúng ta sống trong một thế giới phụ thuộc lẫn nhau về nguồn nước, nơi có hơn 260 con sông được chia sẻ bởi hai hay nhiều quốc gia.

Kết quả một nghiên cứu gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Rủi ro Toàn cầu cho biết cứ ba ngành công nghiệp toàn cầu lại có hai ngành cho rằng thiếu nước là “điều tồi tệ” hoặc “thảm họa” đối với công việc kinh doanh của họ.

Với một cuộc khủng hoảng tài chính, các chính phủ thường ứng phó bằng cách in thêm tiền, bơm vào ngân hàng và khởi động lại nền kinh tế dựa trên trái phiếu chính phủ. Nhưng với khủng hoảng nước, các chính phủ có thể làm gì? Liệu có thể mở các cửa đập và bơm hết nước ra?

Để tránh một cuộc khủng hoảng sâu rộng trong tương lai, có lẽ cách khả dĩ nhất là loài người phải đánh giá lại cách thức sử dụng, phân bổ nguồn nước và đưa ra những quyết định có ý nghĩa chiến lược về nước theo hướng chuyển từ mở rộng nguồn cung sang hạn chế nhu cầu.

Nghĩa là, thay vì tiếp tục làm cạn kiệt nguồn nước, tìm cách vay thêm từ “ngân hàng nước”, chúng ta cần sử dụng tiết kiệm khoản đã vay, điều chỉnh nhu cầu của mình cho phù hợp với nguồn cung nước có hạn, đang bất ổn và dần bị thu hẹp. Đồng thời, các chính phủ cần đưa ra các chính sách khí hậu phù hợp với thực tế về nguồn nước.

Chúng ta đã có thể tránh được một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu nếu chúng ta hiểu rõ hơn những nguy cơ thực sự đang phải đối mặt. Và đây là lúc chúng ta cần hiểu rõ những nguy cơ liên quan đến nguồn nước và áp dụng mọi giải pháp để bảo vệ nguồn nước – tài sản chi phối mọi sự sống.

 Tuần lễ Nước Thế giới tại Stockholm là hội nghị thường niên bàn về các vấn đề cấp thiết liên quan tới nước do Viện Nước Quốc tế Stockholm tổ chức. Đây là nơi các chuyên gia, các nhà hoạch định chính sách, các nhà lãnh đạo khắp thế giới cùng chia sẻ các ý tưởng, kế hoạch và triển khai các giải pháp hướng tới an ninh nguồn nước. Chủ đề của tuần lễ nước 2010 là Thách thức chất lượng nguồn nước.

 

Bạch Dương (tổng hợp)