Phát hiện loài thằn lằn ngón mới ở Phú Quốc

ThienNhien.Net – Các nhà khoa học Việt Nam và Mỹ vừa công bố một loài thạch sùng ngón mới đặt tên là thằn lằn ngón Phú Quốc – <i>Cyrtodactylus phuquocensis</i>. Loài thằn lằn mới được đặt tên theo địa điểm thu được mẫu chuẩn là Vườn quốc gia Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Mô tả chi tiết của loài được đăng tải trên Tạp chí Zootaxa, số 2604, tháng 9 năm 2010.


Loài Cyrtodactylus có kích thước trung bình, con trưởng thành có chiều dài thân từ 68–86 mm, thân mảnh, có chân mảnh. Thân màu xám nâu, có 5 vạch sẫm màu. Các đặc điểm hình thái chính như sau: 2–5 vảy gian mũi, 16–18 hàng nốt sần ngang thân, 22–25 hàng nốt sần dọc theo xương sống, 38–43 hàng vảy ngang bụng giữa hai nếp da bên sườn, không có rãnh phía trước hậu môn, 7–9 lỗ trước hậu môn của con đực, phần dưới đùi và vùng sau các lỗ trước hậu môn có các vảy lớn, 15–18 bản mỏng dưới ngón chân thứ 4, các nốt sần ở mặt trên đuôi chiếm khoảng 58–75% chiều dài đuôi, vảy mặt dưới đuôi phình rộng theo chiều ngang.

Đây là loài thạch sùng ngón thứ 21 ghi nhận ở Việt Nam. Riêng đối với Vườn quốc gia Phú Quốc, đây là loài thạch sùng ngón thứ hai được ghi nhận, bên cạnh loài Cyrtodactylus paradoxus.

Việc khám phá thêm một loài mới cho khoa học ở Vườn quốc gia Phú Quốc đã khẳng định thêm giá trị đa dạng sinh học của hòn đảo này cũng như miền Nam Việt Nam.