Nguy cơ phơi nhiễm độc chất từ đồ điện tử

ThienNhien.Net – Không thể phủ nhận những tiện ích mà đồ điện tử mang lại cho con người, nhưng việc phải “chung sống” với các chất độc hại có trong các vật dụng cũng là một mối lo ngại của người sử dụng. Dường như đồ điện tử đang trở thành một trong những tác nhân lý giải cho mâu thuẫn: thế giới càng văn minh, con người càng mắc nhiều loại bệnh?


PGS.TS Lê Văn Doanh, nguyên Trưởng khoa Điện, Đại học Bách khoa Hà Nội khẳng định, các thiết bị điện tử thường là những tổ hợp linh kiện phức tạp với hàng trăm vật liệu khác nhau. Trong đó không ít thành phần được xem là nguy hiểm, chẳng hạn như chì, thủy ngân, cadmi và berili, và các hóa chất nguy hiểm khác như các chất chống cháy có gốc brôm. Nhựa PVC độc hại cũng là một thành phần được sử dụng rất nhiều.

Chì có trong các mối hàn của đồ điện tử; thủy ngân có trong pin, bóng điện hay màn hình ti vi; cadmi có trong đèn led, pin điện thoại di động…

Cũng theo một số chuyên gia, mức độ ảnh hưởng trực tiếp của loại vật dụng này tuy ở mức thấp, nhưng chúng có thể phát tán ra môi trường và gây ảnh hưởng về lâu dài. Nguy hiểm nhất là ảnh hưởng đối với trẻ em và phụ nữ mang thai.

Tin từ Báo Khoa học&Đời sống 9/9 cho biết, ảnh hưởng của quá trình phơi nhiễm các chất độc hại có trong đồ điện tử là rất lớn, có thể gây các chứng rối loạn nhận thức ở trẻ em; hủy hoại hệ thần kinh, tuần hoàn và hệ sinh sản ở người lớn; gây các bệnh về thận và hệ xương; làm tăng nguy cơ hủy hoại não bộ và hệ thần kinh trung ương, đặc biệt nguy hại đối với trẻ đang trong giai đoạn phát triển…

Vừa qua, Bộ Công Thương cũng đã hoàn tất dự thảo thông tư quy định về hàm lượng tối đa 6 chất độc hại có trong đồ điện tử. Theo đó, hàm lượng chì trong các thiết bị điện tử không được vượt quá 0,1%; thủy ngân 0,1%; cadmi 0,01%; crôm 0,1%; polybrominated biphenyl 0,1% và polybrominated diphenyl ete 0,1%. Tiêu chuẩn này sẽ được áp dụng cho hầu hết các loại sản phẩm điện, điện tử thông dụng, dễ tiếp xúc với người như điện thoại di động, máy tính…

Dự thảo cũng yêu cầu doanh nghiệp phải ghi rõ thông tin về hàm lượng hóa chất độc hại của sản phẩm trên bao bì hoặc trong các tài liệu kèm theo. Nếu làm trái, các sản phẩm này sẽ bị cấm lưu thông.