Quốc gia đầu tiên liệt BPA vào danh sách độc tố

ThienNhien.Net – Canada đã có một bước đi quan trọng khi quyết định liệt hóa chất bisphenol A (BPA) vào danh sách độc tố, trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới chính thức “tuyên chiến” với loại hoá chất này.


BPA là thành phần quan trọng của chất dẻo sử dụng trong sản xuất hàng loạt hàng sản phẩm gia dụng như bình sữa trẻ em, túi đựng thực phẩm và hộp đựng đồ uống và đĩa CD, DVD …

Có mặt trong rất nhiều sản phầm mà con người sử dụng hàng ngày, BPA len lỏi vào trong thức ăn, nước uống và thậm chí thẩm thấu vào da của người tiêu dùng.
Theo một báo cáo mà Canada mới công bố thì 91% số người được kiểm tra có BPA trong nước tiểu, đặc biệt là trẻ nhỏ. Kết quả này trùng khớp với những nghiên cứu được thực hiện trước đó tại Mỹ.

Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng BPA có thể gây ra hoặc góp phần gây ra các vấn đề sức khỏe như bệnh tim, bệnh tiểu đường ở người trưởng thành, bệnh suy giảm trí nhớ và hoóc môn tăng trưởng sớm ở trẻ nhỏ.

Năm 2009, khi chính phủ Canada lần đầu tiên đề xuất xếp BPA vào hàng độc tố, Hội đồng hóa học Mỹ (ACC) đã tỏ ý nghi ngờ và yêu cầu một cuộc kiểm chứng. ACC buộc tội Chính phủ Canada “chạy theo những người quá khích một cách cảm tính”.

Bộ trưởng Canada, ông Jim Prentice đã bác bỏ yêu cầu của ACC và cho rằng tổ chức này không có số liệu và thông tin khoa học làm cơ sở cho một yêu cầu như vậy.
Canada đã cấm bán bình sữa có chứa BPA vào năm 2008 và động thái mới nhất đưa Canada trở thành nước đầu tiên liệt BPA vào hàng độc tố.

Canada không hề đơn độc trong mối quan ngại về nguy cơ gây hại sức khỏe của loại hóa chất này.

Tháng 5 năm nay Pháp đã thông qua lệnh cấm sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu hoặc kinh doanh bình sữa trẻ em được làm từ chất dẻo có chứa BPA.

Đan Mạch cũng đã cấm sử dụng BPA trong bất cứ sản phẩm nào chứa thực phẩm, đồ uống.

Thuỵ Điển đang xem xét một lệnh cấm tương tự.

Nước Mỹ cũng đã cấm bán bình sữa và các sản phẩm dành cho trẻ em khác có chứa BPA trong khi các nhóm hành động của chính phủ Mỹ tiếp tục nghiên cứu và kiểm tra một cách tổng thể độ an toàn khi sử dụng BPA trong sản xuất hàng tiêu dùng.

Trái lại, Đức đã từ chối ban bố lệnh cấm hoặc giảm tiêu thụ hàng có chứa BPA sau khi Viện Nghiên cứu và Đánh giá rủi ro Liên bang Đức công bố kết quả hai nghiên cứu cho thấy loại hóa chất này không hề gây nguy hiểm cho sức khỏe con người.

Chắc chắn sẽ còn nhiều tranh cãi xung quanh BPA và nhiều nghiên cứu nữa sẽ tiếp tục được triển khai.Trong khi đó, người tiêu dùng trên thế giới chưa thể có câu trả lời cuối cùng và họ phải tự quyết định xem liệu họ có muốn hạn chế sử dụng các sản phẩm có chứa BPA hay không.