3 năm chưa tìm được vacxin đặc trị tai xanh

ThienNhien.Net – Liên tiếp bùng phát trong vòng 3 năm qua, nhưng đến nay, Việt Nam vẫn chưa có vacxin đặc trị phòng chống dịch tai xanh. Trong khi các cơ quan vẫn đang mày mò tìm kiếm loại vacxin hữu hiệu thì tổng thiệt hại tại các địa phương đang được nhân lên từng ngày.


17 tỉnh có dịch lợn tai xanh

Ông Trần Văn Quang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai phàn nàn, dịch heo tai xanh năm nào cũng diễn ra, mức độ lây lan và thiệt hại năm sau luôn cao hơn năm trước, tính chất ngày càng nghiêm trọng, nhưng giải pháp căn cơ lại không có.
 
“Nếu không giải quyết dứt điểm vấn đề này thì không những không chống dịch hiệu quả, mà còn khiến dịch bùng phát nguy hiểm hơn” – đại diện Sở NN&PTNT Hậu Giang đồng tình.

Cũng theo Nông nghiệp Việt Nam 16/8, điều khiến các địa phương bức xúc không kém là việc Cục Thú y đưa ra 4 – 5 loại vacxin rồi yêu cầu các địa phương tự chọn theo kiểu may rủi. Đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam thắc mắc: “Tại sao Cục Thú y đưa 4 – 5 loại vacxin vào Việt Nam, sau đó nói rằng các địa phương chúng tôi tự quyết định lấy tiêm loại nào theo kiểu may rủi là sao? Nói như vậy đâu có ổn vì các địa phương không thể tự làm được việc này mà trách nhiệm phải thuộc về Cục Thú y!”. 

Ông Năm nhận định, diễn biến dịch tai xanh tại các tỉnh Nam Bộ đang hết sức phức tạp, đặc biệt tại Sóc Trăng, Tiền Giang, Đăk Lăk…, tình hình này cộng với điều kiện thời tiết thuận lợi sẽ dẫn đến bùng phát một đợt dịch mới trên diện rộng tại Nam Bộ.  

Phản hồi ý kiến trên, ông Hoàng Văn Nam – Q.Cục trưởng Cục Thú y cho biết: “Chúng tôi xin nhận lỗi vì 3 năm qua vẫn chưa có vacxin khuyến cáo chính thức. Hiện Cục Thú y đang xin Bộ NN&PTNT nhập 210.000 liều vacxin sống của Trung Quốc về khảo nghiệm và sẽ sớm có kết quả”

Trước những bức xúc của địa phương về vacxin tai xanh, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát yêu cầu Cục Thú y bằng mọi giá phải đưa ra được loại vacxin phù hợp nhất để trả lời người chăn nuôi; đồng thời yêu cầu các địa phương rà soát lại kế hoạch phòng chống, thông tin đầy đủ về tình hình dịch, chính sách hỗ trợ tiêu hủy để từng hộ chăn nuôi cùng hợp tác dập dịch.