G7 cam kết lập Trung tâm vacxin động vật trị giá 40 triệu bảng Anh

Một trung tâm trị giá 40 triệu bảng tại Viện Thú y Pirbright (Surrey, Vương quốc Anh) để phát triển vacxin cho các bệnh lây truyền từ động vật sang người sẽ được thành lập.

Tòa nhà Plowright tại Viện Thú y Pirbright được lựa chọn là nơi phát triển vacxin ban đầu cho dự án Trung tâm vacxin động vật trị giá 40 triệu bảng Anh. Ảnh: James Brittain.

Đó là một phần trong cam kết của các nhà lãnh đạo tại cuộc họp G7 ở Carbis Bay, Cornwall, Vương quốc Anh, nhằm đảm bảo sự tàn phá toàn cầu do Covid-19 gây ra sẽ không bao giờ lặp lại.

Cụ thể, Trung tâm Sáng tạo và Sản xuất Vacxin Động vật được xây dựng dựa trên tài trợ từ Văn phòng Phát triển và Thịnh vượng chung nước ngoài, Hội đồng Nghiên cứu Khoa học Sinh học và Công nghệ Sinh học (BBSRC) cùng Quỹ Bill & Melinda Gates (BMGF).

Chính phủ Vương quốc Anh sẽ đóng góp 18,5 triệu bảng trong khi Quỹ Bill & Melinda Gates cung cấp 14,5 triệu bảng.

Tăng tốc vacxin phòng bệnh cho vật nuôi

Trung tâm mới sẽ dựa trên chuyên môn của Viện Thú y Pirbright để đẩy nhanh việc cung cấp vacxin phòng bệnh cho vật nuôi.

Cứ bốn căn bệnh mới ở người thì có ba căn bệnh bắt nguồn từ động vật và những căn bệnh này đang xuất hiện với tốc độ ngày càng tăng. Kiểm soát các bệnh lây truyền từ động vật là yếu tố chính trong kế hoạch năm điểm của Chính phủ Vương quốc Anh nhằm ngăn chặn các đại dịch trong tương lai – kế hoạch đầu tiên do một nhà lãnh đạo G7 nêu rõ về việc chuẩn bị cho đại dịch.

Một phần của kế hoạch này là thành lập Trung tâm Sáng tạo và Sản xuất Vacxin Động vật của Vương quốc Anh tại Viện Thú y Pirbright, với mục đích ngăn chặn các bệnh lây truyền từ động vật mới trước khi chúng khiến con người gặp nguy hiểm.

Tuyên bố ở Carbis Bay sẽ đưa ra các bước mà những thành viên G7 sẽ thực hiện để ngăn chặn đại dịch trong tương lai. Bao gồm: giảm thời gian phát triển và cấp phép vacxin; phương pháp điều trị và chẩn đoán cho bất kỳ bệnh nào trong tương lai xuống dưới 100 ngày; củng cố mạng lưới giám sát toàn cầu và năng lực giải trình tự gen; hỗ trợ cải tổ và củng cố Tổ chức Y tế Thế giới.

Thông thường, những rủi ro và phức tạp liên quan đến nghiên cứu vacxin giai đoạn đầu khiến lĩnh vực này phải vật lộn để có được vốn đầu tư tư nhân. Nhờ hậu thuẫn tài chính hùng hậu, Trung tâm có thể nhanh chóng đánh giá các công nghệ mới đầy hứa hẹn, đồng thời phát triển/thử nghiệm các loại vacxin mới cho bệnh mới xuất hiện.

Viện Thú y Pirbright đóng một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ phát triển vacxin Oxford-AstraZeneca, thông qua sử dụng mô hình lợn đã được thiết lập để kiểm tra các phản ứng miễn dịch với vacxin.

Hai căn bệnh kinh hoàng toàn cầu – đậu mùa và dịch tả trâu bò (rinderpest) đã bị xóa sổ bằng cách sử dụng vacxin do các nhà khoa học Anh phát triển, bao gồm nhà khoa học Walter Plowright của Viện Thú y Pirbright.