Nhằm tạo cơ hội trao đổi và chia sẻ thông tin, kinh nghiệm giữa các cộng đồng, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như những nhóm lợi ích khác nhau, đồng thời tổng hợp và đưa ra các kiến nghị, giải pháp phù hợp để vận động chính sách đóng góp cho quá trình quản lý rừng bền vững ở Việt Nam, Trung tâm Phát triển Sáng kiến Cộng đồng và Môi trường (C&E), Trung tâm Giáo dục và Truyền thông Môi trường (CEACE) sẽ phối hợp với Chi cục Phát triển Lâm nghiệp Thừa Thiên-Huế, Hội KHKT Lâm nghiệp Thừa Thiên-Huế tổ chức hội thảo về “Quản lý rừng tự nhiên dựa trên quyền của người dân” trong hai ngày 20-21/08/2010 tại Thừa Thiên Huế. Hội thảo do Quỹ Rosa Luxemburg- Đức tài trợ.
Trong vài thập niên gần đây khi nền kinh tế phát triển nhanh chóng, Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới đã và đang phải đối mặt với nhiều vấn đề suy thoái môi trường và sự mất đi của các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là tài nguyên rừng. Việc bảo vệ các diện tích rừng tự nhiên hiện còn ở Việt Nam là một vấn đề cấp bách đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn từ các tổ chức lâm nghiệp và các tổ chức liên quan. Mặc dù đã có nhiều chính sách và thể chế cho công tác bảo vệ và phát triển rừng tự nhiên, nhưng rừng vẫn tiếp tục bị tàn phá bởi nhiều lý do khác nhau. Bởi vậy, sự tham gia của người dân trong việc bảo vệ rừng tự nhiên có ý nghĩa vô cùng quan trọng bên cạnh các nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước.
Từ những năm 90 Chính phủ đã ban hành một loạt các chính sách liên quan đến quyền tiếp cận, quản lý và sử dụng đất đai, tài nguyên rừng của người dân và đặc biệt là từ khi có nghị định 02 của Chính phủ thì đã có ngày càng nhiều người dân và các hộ gia đình tại các địa phương tham gia nhận khoán đất và rừng tự nhiên của Nhà nước để quản lý và bảo vệ. Đã có một số mô hình quản lý rừng tự nhiên dựa trên quyền của người dân được triển khai ở một số địa phương và được hỗ trợ của Chính phủ và các tổ chức nước ngoài để thúc đẩy quá trình này và đã đạt được một số kết quả đáng kể. Tuy nhiên việc triển khai các chính sách và thực hiện các mô hình này ở nhiều địa phương cho đến nay vẫn còn tồn tại những vấn đề bất cập, các qui định của Nhà nước còn chưa rõ và chưa đầy đủ, bất cập về nhận thức của người dân về quyền và nghĩa vụ trong việc quản lý và bảo vệ rừng, bất cập về trình độ hiểu biết cần thiết của người dân và năng lực của họ trong việc tham gia tự giác và hiệu quả đối với hoạt động quản lý và bảo vệ rừng tự nhiên. Do vậy, quyền tiếp cận hợp pháp nguồn tài nguyên đất và rừng của người dân cũng như khả năng tiếp cận với tiến bộ KHKT, các nguồn vốn và thị trường chưa thật sự đươc phát huy. Nhiều kiến thức bản địa về quản lý sử dụng đất, quản lý bảo vệ rừng có giá trị đang bị mai một dần. Người dân chưa thực sự được hưởng những lợi ích kinh tế từ việc nhận quản lý bảo vệ rừng mang lại như họ mong đợi.
Các mô hình này có được duy trì và nhân rộng nhằm phát huy hiệu quả các quyền của người dân trong quản lý và bảo vệ rừng hay không là nhờ những bổ sung, điều chỉnh thích hợp với từng vùng. Nhằm tạo cơ hội trao đổi và chia sẻ thông tin và kinh nghiệm giữa các cộng đồng, các cơ quan quản lý nhà nước và những nhóm lợi ích khác nhau đồng thời tổng hợp và đưa ra các kiến nghị, giải pháp phù hợp để vận động chính sách đóng góp cho quá trình quản lý rừng bền vững ở Việt Nam, Trung tâm Phát triển Sáng kiến Cộng đồng và Môi trường (C&E), Trung tâm Giáo dục và Truyền thông Môi trường (CEACE) sẽ phối hợp với Chi cục Phát triển lâm nghiệp Thừa Thiên- Huế, Hội KHKT Lâm nghiệp Thừa Thiên-Huế tổ chức hội thảo về “Quản lý rừng tự nhiên dựa trên quyền của người dân”. Hội thảo do Quỹ Rosa Luxemburg- Đức tài trợ.
1. Tên Hội thảo:
• Tiếng Việt: Quản lý rừng tự nhiên dựa trên quyền của người dân
• Tiếng Anh: People right-based natural forest management
2. Mục tiêu của hội thảo:
• Chia sẻ thông tin và kinh nghiệm về các mô hình quản lý rừng tự nhiên dựa trên quyền của người dân. Từ đó tăng cường năng lực và khả năng tiếp cận quyền của người dân và khuyến khích người dân địa phương tham gia vào công tác quản lý và bảo vệ rừng tự nhiên.
• Tổng hợp và đưa ra các kiến nghị, giải pháp phù hợp để vận động chính sách cho việc quản lý rừng tự nhiên dựa trên quyền của người dân ở Việt Nam.
3. Nội dung:
Các tham luận sẽ tập trung vào phân tích trao đổi để chia sẻ kinh nghiệm và đối thoại về thực trạng, các bất cập, thuận lợi, khó khăn, thách thức và đề xuất các kiến nghị và giải pháp cho các vấn đề sau:
• Kết quả đạt được từ việc Quản lý rừng tự nhiên của người dân, ý nghĩa và giá trị của nó, những tồn tại và khuyến nghị nhằm tăng cường và mở rộng diện áp dụng Quản lý rừng cộng đồng.
• Hệ thống luật pháp và chính sách liên quan đến quyền của người dân trong việc tiếp cận, quản lý và sử dụng đất và rừng tự nhiên
• Cơ chế quản lý rừng của cộng đồng và sự phối hợp hoạt động giữa các bên liên quan, đặc biệt là vai trò liên đới của các doanh nghiệp
• Các biện pháp tác động và hỗ trợ về KHKT, nguồn vốn, thị trường.
4. Các kết quả dự kiến:
• 70 đại biểu gồm đại diện của cộng đồng và chính quyền địa phương ở các địa phương có mô hình; cộng đồng ở các khu vực có tiềm năng áp dụng các mô hình này và các cơ quan nhà nước tham gia trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm.
• 50 đại biểu đi thăm các mô hình
• 70 bộ tài liệu được phân phát cho các đại biểu dự hội thảo
• 01 báo cáo về kết quả và các kiến nghị của hội thảo sẽ được gửi đến các bên liên quan đặc biệt là các cơ quan làm chính sách cấp địa phương và trung ương
• 200 bản kỷ yếu hội thảo (song ngữ Anh-Việt) trong đó trình bày nội dung hội thảo, các bài phát biểu, tham luận và kiến nghị cụ thể. Sẽ phân phát các tài liệu này cho các cộng đồng, tổ chức và cơ quan liên quan trên cả nước.
5. Thời gian và địa điểm dự kiến: 2 ngày, 20-21 tháng 8 năm 2010 tại Thừa Thiên Huế, gồm:
• 1 ngày hội thảo tại TP Huế
• 1 ngày đi thực tế ở thôn Phú Mậu, Hương Phú, Nam Đông, Thừa Thiên Huế
6. Thành phần tham dự: 70 đại biểu
• Các tổ chức quốc tế: UNDP, SIDA, SNV, WWF, Hervetas, CARE, …
• Các cơ quan chính phủ trong lĩnh vực liên quan
• Các tổ chức phi chính phủ trong nước và một số nhà khoa học trong lĩnh vực liên quan
• Một số tổ chức cộng đồng nơi có mô hình
• Các cơ quan truyền thông.
7. Phương pháp làm việc tại hội thảo
• Trình bày báo cáo của các đại biểu
• Thảo luận, trao đổi ý kiến giữa các cộng đồng, các cơ quan quản lý nhà nước và những nhóm lợi ích khác nhau
• Chia sẻ, trình bày kinh nghiệm, làm việc và thảo luận nhóm
• Các tham luận, phần hỏi đáp và tổng kết trình bày trong hội thảo
• Tham quan thực tế mô hình dự án Quỹ Môi trường Sida (SEF) ở Huế
8. Điều kiện tham gia hội thảo
Bước 1: Đăng ký tham dự Hội thảo: các tổ chức và cá nhân mong muốn tham dự hội thảo cần gửi đến cho Ban tổ chức bản đăng ký (mẫu gửi kèm theo Thông báo này) theo Email hoặc bưu điện trước ngày 30/07/2010
Bước 2: Báo cáo chia sẻ kinh nghiệm: các đại biểu đã đăng ký tham dự hội thảo cần gửi đến Ban tổ chức một bài trình bày ngắn gọn không quá 7 trang (theo gợi ý của Ban tổ chức gửi kèm theo thông báo này) trước ngày 30/7/2010
9. Cơ quan tổ chức
• Chịu trách nhiệm chính: Trung tâm Phát triển Sáng kiến Cộng đồng và Môi trường (C&E) và Trung tâm giáo dục và truyền thông môi trường (CEACE)
• Các đơn vị đồng tổ chức: Hội KHKT Lâm nghiệp Thừa Thiên-Huế
• Nhà tài trợ chính: Quỹ Rosa Luxemburg, Đức
Thay mặt Ban Tổ chức Hội thảo trân trọng kính mời các địa phương đã có mô hình dự án quản lý rừng cộng đồng có hiệu quả, các cơ quan, các nhà khoa học đã và đang nghiên cứu những vấn đề liên quan đến mục tiêu và nội dung trên đây đóng góp báo cáo và tham dự hội thảo.
Lưu ý:
– Ban tổ chức ưu tiên mời các đại biểu đã và đang tiến hành các họat động và có những báo cáo về những kinh nghiệm, trải nghiệm liên quan đến nội dung hội thảo.
– Ban tổ chức sẽ tài trợ kinh phí viết bài, đi lại và ăn ở cho các đại biểu có bài báo cáo được chọn thuộc các tổ chức Việt Nam.
Địa chỉ liên hệ:Trung tâm Phát triển Sáng kiến Cộng Đồng và Môi trường (C&E)
Số 12, Ngõ 89, phố Xã Đàn, phường Phương Liên, Q. Đống Đa, TP. Hà Nội
Điện thoại: 043 573 8536, 0912234782; 091 2371366; 0904312661
Fax: 043 573 8537; Email: office@sef.org.vn
* Có thể xem thêm thông tin về hội thảo trong file đính kèm