Tan tác Khu bảo tồn Nam Xuân Lạc

ThienNhien.Net – Cách đây chưa lâu, báo chí đã lên tiếng báo động về nạn săn bẫy thú rừng ở Khu bảo tồn Loài và Sinh cảnh Nam Xuân Lạc (Bắc Kạn). Trong khi tiếng súng còn chưa ngừng vang lên giết hại bao động vật quý của rừng, một thực trạng đau lòng khác đã được nhận diện – rừng núi đá nguyên sinh nơi đây đang bị đốn hạ từng ngày như giữa chốn vô chủ.

Rừng đầu nguồn Nam Xuân Lạc, xã Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn từng là một trong số ít khu rừng núi đá nguyên sinh còn lại của tỉnh Bắc Kạn nhờ được bao bọc bởi những dãy núi cao và nằm cách xa các tuyến đường giao thông. Ngày nay rừng núi đá nguyên sinh đã trở thành Khu Bảo tồn Loài và Sinh cảnh Nam Xuân Lạc, song địa hình núi đá hiểm trở không còn là lực cản làm nản lòng lâm tặc và là lợi thế che chắn bảo vệ rừng nữa. Rừng nguyên sinh đã không còn nguyên vẹn, vẻ ngoài có vẻ yên bình của nó dường như đang cố giấu đi những vết thương nhức nhối trong lòng.

 

Thật khó tưởng tượng được cảnh cây rừng bị đốn hạ ngổn ngang này nằm ngay trong vùng lõi được “bảo vệ nghiêm ngặt” của Khu bảo tồn. 

 

 

 

 Những cây gỗ nghiến cổ thụ hàng trăm năm tuổi thế này đã bị chặt hạ không thương tiếc. 

 

 

 

 Những thước gỗ này đã được xẻ sẵn và chỉ chờ thuê người kéo đi tiêu thụ.

 

 

 

 

Những con đường mòn trong rừng đã được “kè” cẩn thận bằng gỗ, luồng để quá trình vận chuyển gỗ thuận lợi hơn.

 

 

Được biết, lực lượng kiểm lâm của Khu Bảo tồn hiện vẫn đóng ở ngoài huyện cách đó những… 30 km để “quản lý” rừng. Liệu đó có phải lý do duy nhất khiến rừng tan hoang thế này?

 

 

 

 

Bên cạnh Kim Hỷ – khu bảo tồn của Bắc Kạn từng tan tác vì vàng tặc, lâm tặc; Vườn Quốc gia Ba Bể bị “xẻ thịt” không thương tiếc; nay lại đến Khu Bảo tồn Nam Xuân Lạc tang thương vì nạn săn bắt thú và phá rừng; liệu còn bao nhiêu khu rừng của Bắc Kạn đang phải chịu chung thảm cảnh này? Và rộng hơn nữa, tại sao ở nhiều khu bảo tồn trên cả nước, nơi được bảo vệ nghiêm ngặt, vẫn tiếp tục diễn ra những cảnh xâm hại rừng nghiêm trọng như vậy? Câu trả lời xin dành cho các cơ quan chức năng.

Nhằm bảo tồn sinh cảnh sống và bảo vệ các loài động, thực vật quý hiếm của rừng Nam Xuân Lạc, đặc biệt là một số loài có tên trong sách đỏ Việt Nam như voọc đen má trắng, voọc mũi hếch và tập đoàn lan hài, tháng 3/2004, UBND tỉnh Bắc Kạn đã quyết định phê duyệt dự án thành lập Khu Bảo tồn Loài và Sinh cảnh Nam Xuân Lạc với tổng vốn đầu tư 2,17 tỷ đồng. Với diện tích 1.788 ha rừng bảo tồn, trong đó có 1.646ha là vùng bảo vệ nghiêm ngặt và 7.508 ha vùng đệm, Khu bảo tồn Nam Xuân Lạc có nhiều loài động, thực vật quý hiếm, có diện tích cây nghiến chiếm khoảng 30% tổng diện tích rừng.