Chiến lược phát triển TP.HCM hướng ra biển lớn

ThienNhien.Net – Phát triển ra biển Đông là một hướng chính trong Quy hoạch chung xây dựng thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên chiến lược xây dựng thành phố là một nền kinh tế năng động, hướng ra phía biển trong điều kiện thích ứng với biến đổi khí hậu không phải là một điều dễ dàng. Mới đây, UBND TP đã kết hợp với TP Rotterdam (Hà Lan) tổ chức hội thảo: “TP.HCM hướng ra biển Đông và thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH)”.


Hội thảo đã nghe báo cáo kinh nghiệm thích ứng với BĐKH của TP Rotterdam, cùng những góp ý của các đại biểu cho TP.HCM trong chiến lược tiến ra biển Đông.

Theo ông Nguyễn Trung Tín, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, thành phố có chiều dài hàng trăm km dọc sông, thích hợp phát triển cảng phục vụ tàu biển. Điều kiện tự nhiên này kết hợp với sự lên xuống của triều cường mà tàu biển tận dụng được là sự thuận lợi khó nơi nào có được. Vì thế, thành phố không thể không phát triển kinh tế biển.

Tuy nhiên, một thách thức lớn đối với TP nếu tiến ra biển đó là biến đổi khí hậu. Hiện nay, vùng thấp trũng đang bị nước biển xâm nhập nên việc xây dựng cơ sở hạ tầng gặp rất nhiều khó khăn, tốn kém. Nhưng nguy cơ lớn này cũng là cơ hội để nắm lấy và phát triển.

Bà Vũ Thúy Hải, Phân viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn miền Nam, Viện Quy hoạch xây dựng TP.HCM cho biết, trong chiến lược phát triển ra biển của TP đã có tính đến các giải pháp chống ngập cho từng khu vực.

Theo đó, TP sẽ được chia ra từng vùng với cốt nền xây dựng từ 2 – 2,5m. Cao độ này được quy hoạch căn cứ trên dữ liệu thống kê tần suất ngập hiện có, trên mực nước biển dâng đến năm 2025…

Cũng theo quy hoạch này, các khu đô thị mới sẽ được xây dựng trên phần cao độ được thiết kế để không bị ngập úng. Còn các đô thị hiện hữu ở khu vực trung tâm TP sẽ được khoanh vùng bảo vệ bằng các phương pháp cống, đê bao ngăn triều….

Xét về mặt vị trí địa lý, TP.HCM có nhiều điểm tương đồng với TP Rotterdam (Hà Lan) như nằm sát ven biển và có một diện tích đất khá lớn thấp hơn mực nước biển. Cách đây nhiều năm, hệ thống cảng biển của Rotterdam cũng nằm sâu trong đất liền và hiện nay đã buộc phải tiến ra biển để phát triển kinh tế.

Do đó, trong thời gian tới lãnh đạo TP.HCM sẽ làm việc với các chuyên gia Hà Lan để xây dựng các bước đi cụ thể, cách triển khai quy hoạch trên cơ sở thực tế phát triển của mình, đặc biệt phải thích ứng với BĐKH để đạt hiệu quả cao và sự phát triển bền vững.