Quy hoạch Thủ đô "hâm nóng" Hội trường Quốc hội

ThienNhien.Net – Việc xây dựng quy hoạch Hà Nội trong bối cảnh Thủ đô ngày càng phát triển là việc làm quan trọng, cần thiết và có ý nghĩa to lớn đối với hậu thế. Nhưng đối với một quy hoạch lớn như thế này, cần phải thận trọng và xem xét nhiều yếu tố như kinh tế xã hội, môi trường, bản sắc dân tộc…. Đây là ý kiến chung mà các đại biểu Quốc hội đã đưa ra trong phiên họp toàn thể tại hội trường về Đồ án quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.


Hạn chế những lãng phí do xung đột quy hoạch

Đại đa số ý kiến đại biểu cho rằng, nội dung bản Đồ án, các ý tưởng, định hướng chiến lược quy hoạch là khá rõ bởi đã được Chính phủ xem xét nhiều lần trên cơ sở ý kiến đóng góp của nhân dân, các nhà khoa học….

Theo các đại biểu Nguyễn Văn Hợp (Hải Dương), Scom Sa Duyên (Gia Lai), việc lập Đồ án quy hoạch xây dựng Thủ đô cần phải tính toán hết sức kỹ lưỡng tới thực trạng kinh tế-xã hội ở các vùng nông thôn của Hà Nội, thực trạng môi trường, phải có định hướng giữ gìn và phát huy bản sắc Thủ đô Hà Nội…

Đặc biệt, Đồ án nên tiếp tục bổ sung các nội dung nhằm thể hiện rõ mối quan hệ hợp lý giữa Quy hoạch Thủ đô Hà Nội với Quy hoạch vùng Thủ đô và các quy hoạch đang có hiệu lực thi hành, hết sức hạn chế những lãng phí không cần thiết do sự xung đột quy hoạch gây ra.

Mặt khác, cần nghiên cứu biện pháp, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giải thích những định hướng của Đồ án để cơ quan, tổ chức và nhân dân nhận thức đúng, qua đó tránh sự xáo trộn về tâm lý của nhân dân, tránh việc lợi dụng, tạo đột biến về giá đất, về thị trường bất động sản.

Làm rõ cơ sở quy hoạch Trung tâm hành chính quốc gia

Thu hút phần lớn các ý kiến đại biểu trong thảo luận là việc xây dựng trung tâm hành chính và các vấn đề liên quan đến giao thông.

Một số ý kiến cho rằng, với quy mô Thủ đô vào năm 2030, 2050, cần có một Trung tâm hành chính quốc gia tương xứng với Thủ đô của một quốc gia có bề dày lịch sử, truyền thống cách mạng, bản sắc văn hóa và có vị trí quan trọng trong khu vực.

Trái lại, theo đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn), Nguyễn Văn Hợp (Hải Dương) và một số đại biểu khác, nếu đặt Trung tâm hành chính quốc gia ở Ba Vì thì không phù hợp về mặt lịch sử, văn hóa và quốc phòng an ninh…

Do vậy, cần làm rõ cơ sở quy hoạch Trung tâm hành chính quốc gia tại Ba Vì, trong khi Trung tâm chính trị vẫn ở khu Ba Đình. Còn đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) đề nghị không nên tách biệt trung tâm hành chính quốc gia khỏi trung tâm chính trị và cho rằng nên xây dựng một trung tâm hành chính-chính trị quốc gia gắn kết tại Ba Đình hoặc Mỹ Đình.

Bên cạnh đó, một số ý kiến cũng đề nghị cần nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước đã tách riêng trung tâm hành chính khỏi trung tâm chính trị.

Đảm bảo tính đồng bộ giữa các loại hình giao thông

Về định hướng phát triển giao thông theo Đồ án, các đại biểu cho rằng cần đặc biệt quan tâm tới việc bảo đảm tính hiện đại, sự đồng bộ giữa các loại hình giao thông như đường sắt, đường bộ, đường hàng không, đường thủy…

Đại biểu Scom Sa Duyên (Gia Lai), đại biểu Nguyễn Văn Lưu (Cà Mau) và một số đại biểu đồng tình với định hướng của Đồ án: “Kết thúc trục Thăng Long là khu đất dự trữ xây dựng các công trình của Chính phủ sau năm 2050. Bao gồm trụ sở của các Bộ, ngành, cơ quan Chính phủ, các công trình văn hóa…”.

Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn), với tầm nhìn tới năm 2050 của Đồ án thì việc xây dựng trục Thăng Long là chưa cần thiết bởi hiện đã có 2 trục song song với trục này là đường cao tốc Láng-Hòa Lạc và Quốc lộ 32.

Còn đối với ý tưởng về Đài Độc lập của Đồ án, đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) cho rằng đây là công trình văn hóa, là biểu tượng kiến trúc mới cho nền độc lập của dân tộc, do vậy việc lựa chọn vị trí cần phù hợp với các tiêu chí chính trị, lịch sử, văn hóa.

Ngoài ra, một số ý kiến đại biểu cũng đề nghị Đồ án cần làm rõ hơn các định hướng về phòng chống và thoát lũ của Thủ đô Hà Nội, đặc biệt cần làm rõ mức độ, yêu cầu phòng chống lũ cho Thủ đô trong giai đoạn hiện nay để xác định diện tích cần thiết cho các vùng thoát lũ.

Bên cạnh đó, có một số ý kiến cũng đề xuất đánh giá kỹ về hiện trạng nông thôn ở Hà Nội, từ đó xây dựng định hướng phát triển khu vực nông thôn mới trong một đô thị đặc biệt, xử lý hài hòa các vấn đề nảy sinh trong mối quan hệ đô thị – nông thôn.