Cơ chế chia sẻ lợi ích từ rừng đặc dụng – còn nhiều điều phải bàn

ThienNhien.Net – Dự thảo Quyết định về việc thực hiện thí điểm cơ chế chia sẻ trách nhiệm và các nguồn lợi trong quản lý, bảo vệ và phát triển Rừng đặc dụng (RĐD) đang được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn – đơn vị chủ trì soạn thảo – tổ chức lấy ý kiến trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Là tổ chức có các nghiên cứu, đánh giá cũng như các dự án bảo tồn thực hiện ở một số khu bảo tồn thiên nhiên các tỉnh phía Bắc, Trung tâm Con người và Thiên nhiên (PanNature) đã đề xuất một số ý kiến đóng góp cho Dự thảo này.


Chia sẻ nguồn lợi từ khu bảo vệ: Quyền lợi phải gắn với trách nhiệm!

Thí điểm Cơ chế chia sẻ trách nhiệm và các nguồn lợi trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng được đề xuất nhằm “tìm ra một giải pháp có hiệu quả cho việc quản lý, bảo tồn rừng đặc dụng thông qua việc hình thành cơ chia sẻ lợi ích, theo đó mở rộng khả năng tiếp cận tài nguyên rừng cho cá nhân, cộng đồng trong Rừng đặc dụng và vùng đệm mà sinh kế phụ thuộc vào tài nguyên rừng, nâng cao động lực và trách nhiệm của họ trong việc bảo tồn và phát triển Rừng đặc dụng, từng bước thực hiện xã hội hóa hoạt động quản lý và bảo vệ rừng và đa dạng sinh học”.

Cơ chế này được đề xuất thực hiện thí điểm tại 5 khu rừng đặc dụng bao gồm: VQG Bạch Mã (Thừa Thiên Huế – Quảng Nam), VQG Núi Chúa (Ninh Thuận), VQG Lò Gò Xa Mát (Tây Ninh), Khu BTTN Mù Căng Chải (Yên Bái) và Khu BTTN Xuân Liên (Thanh Hóa)

Nhận định rằng quyết định là một cơ hội khi tạo ra cơ chế tiếp cận và hưởng lợi trực tiếp cho cộng đồng địa phương xung quanh các khu RĐD, đồng thời cũng mang đến cho họ quyền tham gia vào các hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững, góp phần cải thiện sinh kế và giảm nghèo, tuy nhiên, PanNature cũng cảnh báo về những rủi ro có thể xảy ra khi áp dụng thí điểm cơ chế này, trong đó có nguy cơ mất rừng do không kiểm soát được hoạt động khai thác tài nguyên của cộng đồng.

Bản góp ý cũng đề cập đến những thực tiễn khó khăn trong quản lý và bảo vệ RĐD ở Việt Nam hiện nay có thể giảm tính khả thi và cản trở thành công của Cơ chế như việc thiếu số liệu điều tra cơ bản, cập nhật về danh mục cũng như số lượng, trữ lượng chính xác tài nguyên và tài nguyên có thể khai thác trong các khu RĐD; lực lượng và năng lực giám sát của Ban quản lý RĐD và kiểm lâm còn nhiều hạn chế; giới hạn và phạm vi khai thác các loài có thể khai thác khó xác định do thiếu thông tin về sinh học, sinh thái và mức độ tăng trưởng của các loài cụ thể; nhận thức của người dân về công tác bảo tồn còn hạn chế…

Vì vậy, nếu không được xây dựng cụ thể, chặt chẽ và tuân thủ nghiêm ngặt, quyết định này có thể trở thành một sắc lệnh “mở cửa rừng” mới.

Với những mối quan ngại đó, PanNature đề xuất việc chia sẻ lợi ích chỉ nên áp dụng đối với các tài nguyên dưới dạng phi hiện vật như: các dịch vụ môi trường, chứng chỉ các-bon và du lịch sinh thái, để giảm những rủi ro không đáng có của việc khai khác do không thể kiểm soát được.

Tuy nhiên, về lâu dài, để giải quyết được những sức ép lên tài nguyên RĐD do sinh kế của cộng đồng địa phương, theo PanNature, Nhà nước có thể phải tính đến phương án dành ngân sách công để đầu tư kinh phí, biến việc “quản lý, bảo vệ rừng” trở thành một nghề có thu nhập trong xã hội, đảm bảo sinh kế cho người dân giữ rừng, thay vì chỉ áp dụng các cơ chế hỗ trợ và giao khoán bảo vệ như hiện nay.

Bản góp ý cũng đặt ra một câu hỏi về việc coi Ban quản lý rừng đặc dụng là một trong những chủ thể hưởng lợi từ khai thác tài nguyên rừng như các bên tham gia khác (chính quyền địa phương và cộng đồng bản địa). Bởi lẽ, về nguyên tắc, Ban quản lý RĐD, hay Ban quản lý các khu bảo tồn đã được nhà nước giao trách nhiệm quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng cùng với ngân sách hoạt động hàng năm. Một mặt, khi áp dụng cơ chế chia sẻ trách nhiệm và nguồn lợi như dự thảo đề xuất, rõ ràng gánh nặng trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng của các Ban quản lý đã được san sẻ bớt cho các chủ thể khác như hộ gia đình, cộng đồng. Mặt khác, nếu quy định cho phép các Ban quản lý được phép hưởng lợi, thì có thể đây sẽ là động cơ thúc đẩy họ cấp nhiều giấy phép để nhận nhiều lợi ích hơn. Khi đó việc giám sát và kiểm soát sẽ khó hơn vì mâu thuẫn lợi ích, tài nguyên đứng trước nguy cơ nhanh chóng cạn kiệt.

Thêm vào đó, PanNature cũng đề xuất dỡ bỏ toàn bộ các quy định liên quan đến việc cho phép chia sẻ nguồn lợi từ động vật trong rừng đặc dụng (tuy có giới hạn những loài được phép khai thác), vì trên thực tế, kiểm soát việc săn bắn là rất khó khăn và động vật cũng không phải là nguồn lợi thiết yếu đối với sinh kế của người dân địa phương.

Những góp ý cụ thể của PanNature cho Dự thảo Quyết định về việc thực hiện thí điểm cơ chế chia sẻ trách nhiệm và các nguồn lợi trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng có thể xem tại đây.