Việt Nam có thể trở thành quốc gia thiếu nước

ThienNhien.Net – “Chương trình mục tiêu quốc gia Nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ, sử dụng tổng hợp tài nguyên nước đến năm 2020” do Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) xây dựng sẽ được trình Thủ tướng phê duyệt vào đầu tháng 6 năm nay. Theo đó, chương trình sẽ phấn đấu tiết kiệm từ 8 -10% tổng mức sử dụng nước trong vòng 10 năm tới.

Theo phản ánh của báo Nông thôn ngày nay số 102 ra ngày 24/05/2010, Dự thảo “Chương trình mục tiêu quốc gia Nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ, sử dụng tổng hợp tài nguyên nước” được Bộ TN&MT phối hợp với các bộ ngành liên quan, cùng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam xây dựng. Kinh phí dự tính thực hiện Chương trình này khoảng 6000 tỷ đồng và chia làm 2 giai đoạn (2010 – 2015 và 2016 -2020).

Chương trình được xây dựng nhằm tăng cường các biện pháp quản lý tài nguyên nước, điều hoà nguồn nước, đưa ra các giải pháp kinh tế nâng cao hiệu quả sử dụng nước ở Việt Nam trước hàng loạt thách thức hiện nay như biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ô nhiễm nguồn nước, suy thoái các hệ sinh thái sông….

Bản Dự thảo cũng nhấn mạnh việc phải đảm bảo an ninh nguồn nước quốc gia, bảo đảm quản lý, khai thác và sử dụng toàn diện, hiệu quả, bền vững, hạn chế tình trạng ô nhiễm, hạn hán trong mùa khô trên cả 13 lưu vực sông ưu tiên.

Theo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về Tài nguyên nước, trong tương lai Việt Nam có thể sẽ trở thành quốc gia thiếu nước vì 70% nguồn nước phụ thuộc vào bên ngoài, lưu lượng giữa các mùa chênh lệch lớn. Hơn nữa, các đô thị của chúng ta hiện nay sử dụng nước ngầm, không sử dụng nước mặt nên xảy ra hiện tượng sụt lún nước ngầm là vấn đề đáng báo động. Do đó, Chương trình cần phải đặt mục tiêu cụ thể cho các giai đoạn, không đặt mục tiêu chung chung cho đến năm 2020.