TP.HCM: Xe buýt dùng CNG liệu có “thọ”?

ThienNhien.Net – Thành phố Hồ Chí Minh mới đưa xe buýt chạy bằng nhiên liệu sạch, khí nén tự nhiên – CNG – vào thí điểm, nhưng chưa được bao lâu đã có nguy cơ ngừng hoạt động vì tốn kém.

TP.HCM hiện có 2 xe buýt chạy thí nghiệm bằng CNG từ ngày 06/05 trên tuyến bến xe Miền Tây – ký túc xá đại học Quốc gia TP.HCM.

Công ty cổ phần Kinh doanh khí hoá lỏng miền Nam đã cam kết với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải xe buýt đảm bảo mức giá một tấn khí nén thiên nhiên thấp hơn 40% so với một tấn dầu diesel – nhiên liệu mà các xe buýt ở TP.HCM đang sử dụng. Dựa trên giá đó, PGS.TS Phạm Xuân Mai, Trưởng khoa Kỹ thuật Giao thông trường đại học Bách khoa TP.HCM, đã tính toán ra số tiền tiết kiệm hơn 8000 USD cho một xe chạy bằng CNG/năm thay vì chạy bằng diesel. Như vậy, nếu toàn bộ 10.000 xe buýt hiện đang hoạt động ở TP.HCM được chuyển đổi từ nhiên liệu diesel sang sử dụng CNG, sẽ tiết kiệm được gần 84 triệu USD chi phí xăng dầu mỗi năm.

CNG là từ viết tắt của compressed natural gas có thành phần chính là khí mê tan (CH4) chiếm từ 85% đến 99%, được lấy từ những mỏ khí tự nhiên, qua xử lý và nén ở áp suất cao để tồn trữ. Khi được đốt, loại nhiên liệu này không giải phóng nhiều khí độc như NO2, CO… và hầu như không phát sinh bụi. CNG cũng không gây đóng cặn tại bộ chế hòa khí của các phương tiện vì thế mà kéo dài được chu kỳ bảo dưỡng động cơ và khi cháy không tạo màng. Hơn nữa, chúng lại có giá thành khá thấp, chỉ bằng khoảng 20-30% so với LPG (công nghệ khí hóa lỏng).

Trên thế giới, CNG hứa hẹn trở thành  công nghệ chủ lực của ngành công nghệ dầu khí. CNG đã được sử dụng phổ biến làm nhiên liệu sạch cho các động cơ máy móc và phương tiện giao thông. Đồng thời, nó còn là chất đốt cho sinh hoạt gia đình và chất đốt công nghiệp ở nhiều nước trên thế giới như khu vực Nam Mỹ, Bác Mỹ, New Zeeland, Ấn độ, Pakistan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Malaysia, lndonesia, Thái Lan…

Mặc dù nhận được nhiều nhận xét tốt và những chứng minh khoa học rõ ràng về lợi ích của CNG, như máy móc vận hành êm, hầu như không có khói thải và nhiên liệu được đốt cháy triệt để, tiết kiệm chi phí nhiên liệu; song chi phí đầu tư ban đầu khá cao khiến cơ hội “sống” của xe buýt chạy bằng CNG tại TP.HCM là không cao.

Được biết, Công ty cổ phần Kinh doanh Khí hoá lỏng miền Nam đã xây dựng 2 trạm cung cấp khí nén lớn đặt tại thành phố Vũng Tàu, với công suất 50 triệu m3 khí/năm và 15 trạm nhỏ khác. Trong đó có một trạm cung cấp khí cho hệ thống xe buýt tại TP.HCM, đặt tại quận Tân Bình với mức cung ứng là 50 xe/ngày. Nhưng hiện tại TP.HCM mới chỉ có …2 xe hoạt động khiến công ty không đủ kinh phí chi trả cho việc thuê mặt bằng, trả lương công nhân…Theo lời ông Phùng Đăng Hải, Giám đốc liên hiệp hợp tác xã vận tải TP.HCM, Công ty cổ phần Kinh doanh Khí hoá lỏng miền Nam sẽ ngừng các hoạt động cung cấp CNG nếu số xe buýt không tăng lên trong thời gian tới.

Nguyên nhân của con số ít ỏi này là xe buýt mới (B80) dùng để chạy CNG có giá trên 2 tỷ, còn chạy dầu chỉ có giá hơn 1tỷ, khiến các chủ đầu tư xe buýt cũ khó xoay sở vốn đầu tư.
Chi phí cho mỗi bộ chuyển đổi từ xe dùng dầu sang CNG vào khoảng 25.000 USD.

Để vượt qua khó khăn về tài chính này, hướng tới một nền giao thông thân thiện môi trường, sự hỗ trợ của thành phố cũng như nhà nước vào lúc này là rất cần thiết.