Bàn thua 0 – 1 về bảo tồn?

ThienNhien.Net – Cho đến nay, cả Việt Nam lẫn thế giới đều không biết chính xác tê giác một sừng hiện còn lại bao nhiêu cá thể ở Việt Nam, bởi chúng cực…cực hiếm. Một số ý kiến cho rằng có lẽ con số đó chỉ đếm bằng đầu ngón trên một bàn tay. Tuy nhiên, có một điều mà cả thế giới sẽ biết và có thể đã biết, ở Cát Tiên, một trong hai Vườn quốc gia trên thế giới còn tê giác một sừng sinh sống, có một chú tê giác vừa mới bị sát hại, được phát hiện trong tình trạng "không còn sừng".


“Xác một con thú lớn” mà người dân địa phương phát hiện và báo lại cho lực lượng tuần tra của Vườn quốc gia Cát Tiên, không may, lại chính là tê giác một sừng.

 

Giám định hiện trường của các chuyên gia bảo tồn thuộc Quỹ quốc tế về Bảo vệ thiên nhiên (WWF) và cán bộ Vườn cho biết chú tê giác chết do bị bắn và đã bị lấy mất sừng. Những chứng cứ này khiến người ta nghĩ ngay đến việc chú đã bị thợ săn sát hại. Bởi lâu nay, sừng tê giác vẫn là món hàng siêu lợi nhuận đối với những kẻ buôn bán bất hợp pháp, da và phân của chúng cũng bị khai thác để làm “thuốc quý” dựa vào những tin đồn thất thiệt.

 

Việc mất đi thêm một cá thể tê giác một sừng là một sự tổn thất lớn của ngành bảo tồn, và của cả thế giới nói chung. Bởi loài tê giác này đang đứng đầu danh sách các loài thú lớn có nguy cơ tuyệt chủng trên toàn cầu. Rất nhiều nỗ lực trong nước và quốc tế đã đổ dồn cho công tác nghiên cứu và bảo tồn chúng, với  hy vọng vốn đã rất mong manh.

 

Việc truy tìm thủ phạm giết hại tê giác một sừng ở Cát Tiên đang được khẩn trương xúc tiến. Mọi người đều mong mỏi kẻ ác sớm được nhận diện và bị pháp luật trừng trị thích đáng.
 

Song có vấn đề đã rõ ràng, những cố gắng bảo tồn, bảo vệ loài tê giác một sừng của chúng ta trong suốt thời gian dài qua có lẽ còn quá yếu ớt so với ma lực đồng tiền của những đường dây săn bắn và buôn bán động vật hoang dã.

Theo sách đỏ thế giới 2009, tê giác một sừng ở Viêt Nam – Rhinoceros sondaicus annamiticus – là loài cực kỳ nguy cấp (có nghĩa là đứng trên thang bậc bị đe doạ cao nhất và gần nhất với thảm hoạ “tuyệt chủng”)

 

Đây là một trong ba phân loài tê giác Java của thế giới. Hai phân loài còn lại là R. sondicus inermis, từng sinh sống ở Bengal, Assam, and Myanmar nay đã tuyệt chủng và R. sondaicus sondaicus chỉ có ở Vườn quốc gia Ujung Kulon trên đảo Java của Indonesia (với khoảng 40 đến 60 cá thể). Thế giới hoàn toàn không có tê giác Java nuôi nhốt sinh sản.

 

Gần đây WWF vừa hoàn thành chương trình điều tra hiện trường sử dụng chó nghiệp vụ để dò tìm phân của tê giác một sừng ở Cát Tiên. Mẫu phân đang được các chuyên gia phân tích để xác định chính xác số lượng cá thể loài còn lại trong tự nhiên, dự kiến cho kết quả vào cuối năm nay.

 

Với sự cố vừa qua, các chuyên gia WWF cho biết họ sẽ gửi mẫu DNA cá thể tê giác vừa bị sát hại sang trường Đại học Queen’s của Canada để đối chiếu với kết quả nghiên cứu mẫu phân thu thập trước đó.