Phải kiểm điểm người cấp phép đến nơi đến chốn

ThienNhien.Net – Đã hơn ngót một tháng kể từ thời điểm Thủ tướng Chính phủ và Văn phòng Chính phủ ra các công văn yêu cầu UBND tỉnh Cao Bằng và Bộ Tài nguyên Môi trường cùng ngành chức năng kiểm tra, xử lý vụ việc tàn sát thiên nhiên, đầu độc môi trường thông qua khai thác khoáng sản ở đầu nguồn sông Hiến và rừng đặc dụng Phia Oắc – Phia Đén. Trong khi chờ đợi thông tin phản hồi từ địa phươnǵ, chúng tôi đã có cuộc trao đổi nhanh với ông Triệu Sỹ Lầu, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Cao Bằng – đơn vị sớm tiếp nhận ý kiến phản ánh của cử tri và kiến nghị giải quyết vụ việc từ trước khi báo chí vào cuộc.

Ông Lầu cho biết tỉnh Cao Bằng vừa tổ chức họp thường trực, với sự tham gia của “ba bên”: tài nguyên môi trường, huyện Thạch An và huyện Nguyên Bình (2 huyện để xảy ra tình trạng phá rừng, khai thác vàng, khoáng sản trái phép mà Thủ tướng và Văn phòng Chính phủ đã có 2 công văn yêu cầu xử lý).

Không có mặt tại cuộc họp, nhưng ông Lầu có trong tay bản báo cáo từ cán bộ cấp dưới trực tiếp tham dự, trong đó ghi nhận Bí thư Tỉnh uỷ (bà Nguyễn Thị Nương) chỉ đạo rất kiên quyết việc xử lý các điểm nóng mà báo chí phản ánh, rằng: phải chấm dứt ngay toàn bộ hoạt động khai thác vàng, khoáng sản trái phép cũng như tình trạng tàn sát rừng đặc dụng quý hiếm Phia Oắc. Nếu bên nào cố tình vi phạm, lực lượng xử lý sẽ có “đặc quyền” tịch thu toàn bộ phương tiện máy móc và tiêu huỷ tang vật (các máy đào vàng trị giá tiền tỷ, chưa bao giờ tỉnh Cao Bằng tịch thu và tiêu huỷ các tang vật này – chỉ phạt hành chính, cho nên việc dẹp “vàng tặc” suốt nhiều năm như “bắt cóc bỏ đĩa” – PV).

– Việc cấp phép cho doanh nghiệp vài trăm công nhân đào bới xới lộn, đặt bể nước ăn của cả thị xã 6 vạn dân trước nguy cơ nhiễm độc thuỷ ngân và xianua đã là một sự khó tin, càng khó tin hơn khi “vàng tặc” hành hoành, lực lượng chức năng lại nói rằng: “không thể bắt được những kẻ khai thác vàng trái phép”. Bởi mỗi cỗ máy đào vàng khi hoạt động nó kêu đinh tai nhức óc, nó đi rù rì như con rùa khổng lồ ngoài bùn suối, giữa ban ngày ban mặt. Với tư cách Phó trưởng Đoàn đại biểu quốc hội của tỉnh, trực tiếp nghe ý kiến của cử tri, ông nghĩ sao về điều này?

Ông Triệu Sỹ Lầu: Quan điểm của tôi là phải chấm dứt ngay tất cả mọi hoạt động khai thác khoáng sản trên thượng nguồn sông Hiến. UBND tỉnh cần thể hiện thái độ thật sự kiên quyết, nhằm chấm dứt toàn bộ hoạt động khai thác khoáng sản này mới hợp lòng dân và đúng với chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Phải làm như thế để đảm bảo sinh mệnh, cuộc sống lâu dài cho hàng vạn người dân của thị xã.

– Vậy còn lý lẽ của những người muốn cấp phép khai thác khoáng sản, họ nói rằng làm thế để tạo nguồn thu cho ngân sách, rằng vẫn có thể yêu cầu doanh nghiệp tuân thủ các yêu cầu về bảo vệ môi trường?

Ông Triệu Sỹ Lầu: Không. Cái quan điểm đó chỉ có trên lý thuyết thôi chứ không bao giờ doanh nghiệp họ thực hiện. UBND tỉnh Cao Bằng đã ra Quyết định năm 2009: cấm toàn bộ các hoạt động khai thác cát sỏi và khoáng sản trên sông, phải thực hiện nghiêm chỉnh chứ.

Hơn nữa, xưa nay, họ (các đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản trên sông Hiến) không chỉ gây ô nhiễm nghiêm trọng mà còn vi phạm ở rất nhiều điểm khác nữa, như nợ đọng thuế và các khoản đóng góp, không thực hiện đúng các điều khoản cam kết về bảo vệ môi trường chính họ đã ký.

– Dư luận có quyền đặt dấu hỏi: đằng sau việc cấp phép, việc quản lý không hiệu quả ở các “bãi vàng” kia là gì? Như ở Thạch An, lần nào kiểm tra doanh nghiệp cũng vi phạm, văn bản thanh kiểm tra nào cũng kết luận rằng đây là “điểm nóng” vàng tặc, có sự “nói dối” của các danh nghiệp…Đối với vi phạm đã trở thành hệ thống như thế, tại sao UBND tỉnh Cao Bằng và ngành chức năng vẫn cho phép doanh nghiệp tiếp tục hoạt động, “đầu độc” thị xã Cao Bằng và các vùng dân cư?

Ông Triệu Sỹ Lầu: Nay, đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ đã ra biện pháp mạnh rồi, nhưng theo tôi cần bổ sung biện pháp về hành chính nữa, nghĩa là phải rà soát lại tất cả xem ai vi phạm thì xử lý căn cứ vào trách nhiệm. Khi UBND tỉnh đã ra quy định, tại sao doanh nghiệp vẫn ngang nhiên vi phạm? Vì sao họ không bị xử lý? Trách nhiệm này thuộc về ai? Cần phải kiểm điểm đến nơi đến chốn.

Thứ nữa, trong quá trình xử lý các vi phạm thì phải tìm cho ra các đối tượng nào chây ì cố tình không thực hiện quyết định của cấp trên? Đối tượng này cũng phải xử lý, thậm chí phải có những biện pháp mạnh đưa ra xử lý hình sự.

– Được biết, vụ việc “Thị xã bị đầu độc” ở Cao Bằng chỉ thật sự phát lộ khi cử tri thị xã bức xúc kiến nghị trong kỳ họp HĐND tỉnh năm 2009. Xin ông cho biết cử tri đã phản ánh những gì?

Ông Triệu Sỹ Lầu: Nói chung, ý kiến cử tri của thị xã phản ánh cần dứt khoát không cho khai thác vàng có phép và trái phép trên sông Hiến. Họ cũng đặt câu hỏi việc cấp phép như vậy ngân sách tỉnh thu được bao nhiêu, hay chỉ phục vụ cho một số cá nhân? Tiếc là chúng tôi chưa đi thực địa, khảo sát vấn đề này kỹ càng được, dù đã lên kế hoạch, dự kiến từ lâu.

Vấn đề khai thác này được phản ánh lâu rồi. Trong kỳ họp HĐND tỉnh vừa rồi, đại biểu Quốc hội Hoàng Thị Bình (hiện là Chủ tịch MTTQ tỉnh Cao Bằng) chất vấn, Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường trả lời sẽ xem xét cẩn thận song vẫn khẳng định chưa có chứng cứ nào nói ô nhiễm môi trường.

Nếu như phải chờ thêm một kì họp HĐND tỉnh nữa thì thật nguy hại cho sức khoẻ của hàng vạn bà con. Cho nên, quả thật, tôi rất hoan nghênh báo chí đã lên tiếng, để Thủ tướng Chính phủ kịp thời chỉ đạo giải quyết dứt khoát các “điểm nóng”.

– Khi thực hiện các bài viết của mình, chúng tôi đã tham khảo ý kiến các nhà khoa học và cả cán bộ của Bộ TNMT, họ đều kết luận: không có doanh nghiệp nào làm vàng quy mô lớn mà không sử dụng hoá chất cực độc (như thuỷ ngân và xianua). Bằng chứng nữa là lãnh đạo Công ty TNHH một thành viên cấp nước Cao Bằng đã liên tục có văn bản chính thức gửi lên UBND tỉnh Cao Bằng, nói rằng: nguy có nhiễm độc thuỷ ngân và xianua trong nguồn nước ăn của thị xã Cao Bằng là nhãn tiền. Ông có nghĩ rằng nguồn nước sông Hiến, nguồn nước ăn của 6 vạn người dân thị xã, dù ít nhiều cũng đã nhiễm những chất độc chất “chết người” đó không?

Ông Triệu Sỹ Lầu: Việc xét nghiệm nước sông Hiến để tìm xem có nhiễm độc thuỷ ngân và xianua hay không, ở mức độ nào, đến nay chưa có cơ quan nào đứng ra làm, hoặc nếu có làm thì cũng chưa thấy báo cáo từ Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh. Còn về phản ứng chủ quan của nhân dân cho rằng khai thác vàng công nghiệp thì dứt khoát phải có hoá chất, chưa có chứng cớ để chứng minh.

Giờ UBND tỉnh cần phải kiên quyết xử lý, xét về nguyên tắc thì phải cấm toàn bộ mọi hoạt động khai thác vàng ở đầu nguồn sông Hiến. Đồng thời phải rà soát các giấy phép, cái nào đáng đền bù thì đền bù (cho doanh nghiệp đã đầu tư), cái nào sai phạm thì không những không đền bù mà phải phạt tiền. Cũng phải kiểm điểm cả những người có trách nhiệm quản lý, cấp phép, giám sát nữa.

– Cũng là một người dân đang sinh sống tại “Thị xã bị đầu độc” Cao Bằng, ông có thấy việc tỉnh, huyện cùng ra quân liên tục mà không hiệu quả có gì đó rất hình thức? Việc buôn bán một tép hêrôin người ta còn bắt được, đằng này cái máy làm vàng to đùng như thế, cả một đội quân khai thác vàng nườm nượp như vậy mà không bắt được, là rất vô lý?

Ông Triệu Sỹ Lầu: Đúng vậy. Thường vụ Tỉnh uỷ đã phải kiểm điểm sâu sắc về vấn đề này.

– Xin cảm ơn ông!

Thủ tướng tiếp tục có ý kiến về vấn đề gây ô nhiễm sông Hiến