Khắc khoải “làng trôi”

ThienNhien.Net – Đã bao năm nay người dân làng ốc đảo Đông Bình (xã Duy Vinh, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) đang sống trong nổi khắc khoải đợi chờ trong vô vọng khi nhìn đất đai, nhà cửa lần lượt… trôi ra sông. Không biết rồi đây họ phải sống thế nào khi những khoảnh đất cuối cùng của ngôi làng khó nghèo này bị dòng sông nhấn chìm?

Sạt lở đe doạ tứ phía làng nghèo

Chỉ cần một cơn mưa nhỏ nơi thượng nguồn sông Thu Bồn là người dân làng Đông Bình chuẩn bị “gồng gánh” để chạy lũ. “Cứ mỗi chiều nhìn lên núi thấy mây đen vần vũ, là bà con tui chuẩn bị để “chạy lũ” như chạy giặc thời chiến tranh. Cứ đến mùa mưa lũ là lo ngay ngáy, đêm ngủ không ngon, nằm trong nhà mà cứ giật mình thon thót lo đất lở, rồi lũ thượng nguồn đổ về…” Ông Nguyễn Ninh kể.

Đúng như lời ông Ninh trong nỗi lo âu thấp thỏm mỗi mùa lũ về, chỉ cần cơn mưa nhỏ đầu nguồn khoảng trên 200 mm là làng Đông Bình chìm trong biển nước. Nước rút là sạt lở cuốn theo nhiều nhà dân sống bên bờ sông. Ông Lê Công Lan (80 tuổi) kể lại rằng hơn 40 năm trước, làng Đông Bình là một dải đất nằm ven sông Thu Bồn, nối liền với các thôn khác trong khu vực. Nhưng do lũ hàng năm đổ về đã xé nhỏ phần dải đất tiếp giáp với các thôn, biến làng Đông Bình trở thành ốc đảo cô lập với bên ngoài. Trước năm 1975, Đông Bình có diện tích tự nhiên 165 ha, nhưng đến nay chỉ còn khoảng hơn 100 ha. Bình quân mỗi năm nước lũ cuốn trôi trên 2 ha đất của làng.

Lũ lụt ngày càng khốc liệt hơn trong những năm gần đây, chỉ tính riêng 5 trận lụt lớn kéo dài từ tháng 10/2007 đến nay, lũ đã ăn sâu vào làng hơn 200 m. Đưa tôi ra bờ sông, ông Lê Như Ý cho hay cả làng Đông Bình bốn bề sông nước, bên mô cũng sạt lở do lũ và triều cường. Bên mé sông Thu Bồn sạt lở nặng nhất.

Trong suốt chiều dài 1.750 m bờ sông bao quanh ốc đảo Đông Bình không nơi nào là không sạt lở. Ngay những rặng tre được bà con nhân dân trồng để chống sạt lở bây giờ cũng đã bị nước lũ cuốn trôi nhấn chìm giữa sông sâu.

Ông Võ Tấn Vinh ở tổ 15 xót xa khi nhìn bờ sông sạt lở và nói trong nỗi lo âu rằng: Với tốc độ tàn phá này, thì chỉ trong vòng 5 năm đến, một nửa thôn Đông Bình sẽ bị cuốn trôi ra biển. Trong câu chuyện bên bờ sông “lở loét” cạnh dòng Thu Bồn, ông Vinh kể lại rằng, ông làm nhà cách đây hơn 15 năm, hồi đó chọn đất làm nhà ông cũng đã tính toán rất kỹ, bởi cách bờ sông hơn 400m, ông cùng cháu con trong nhà ra sức trồng tre để chống sạt lở. Thế nhưng qua mấy trận lũ vừa rồi, căn nhà của ông đã nằm sát bờ sông và không biết trôi ra sông lúc nào.  Ông ngậm ngùi: “Hết cách rồi, tre pheo cũng không ngăn được lũ dữ cướp đất của làng, chắc phải dời nhà đi mới mong sống được…Nhưng không biết phải đi đâu bây chừ? Bao nhiều đời nay bà con bám làng ni mà sống với nghề dệt chiếu cói cũng sống được qua ngày. Chừ đi nơi khác biết lấy chi để sống…”.

Không chịu nổi với cảnh chạy lũ lụt triền miên, nên mấy năm qua đã có hơn 120 hộ bỏ làng đi nơi khác để tìm đất sống, bởi ruộng vườn đã lần lượt trôi sông.

Ông Võ Nghi – Trưởng thôn Đông Bình lật sổ cho biết: Đông Bình là thôn nghèo nhất của xã Duy Vinh, toàn thôn có 345 hộ thì đã có gần một nửa là hộ nghèo. 80% hộ sống bằng nghề dệt chiếu mà ngay cả diện tích trồng cói của thôn ở Cồn Biện, Hà My Thượng, Hà My Hạ cũng bị lũ cuốn trôi gần hết đất canh tác trồng cói. Đây là làng dệt chiếu truyền thống Bàn Thạch. Bình quân mỗi năm người dân làng Đông Bình dệt và xuất bán ra thị trường hơn 180.000 đôi chiếu. Hiện tại làng Đông Bình đang có nguy cơ bị xoá sổ, đồng nghĩa với làng dệt chiếu truyền thống cũng bị xoá sổ theo nước lũ hàng năm là điều hiển hiện trước mắt. Ông tâm sự: “Nếu ai làm kè chống sạt lở, cứu được làng dệt chiếu truyền thống Đông Bình bà con tui xin chắp tay lạy sống họ một lạy để tỏ lòng biết ơn…” Không biết lời tâm sự về điều ước của ông Trưởng thôn Võ Nghi có thành hiện thực hay không. Liệu rằng trong tương lai gần, Đông Bình sẽ bị “xoá sổ” bởi “thần sông”?

Kè chống sạt lở, đợi đến bao giờ?

Trước tình trạng sạt lở nặng bờ sông vây quanh bốn bề làng Đông Bình. Để giữ đất, cứu làng nghề dệt chiếu truyền thống khỏi trôi sông, năm 2002, UBND tỉnh Quảng Nam quyết định lập dự án khả thi, đầu tư trên 6,5 tỷ đồng kè bờ thôn Đông Bình, vừa chống sạt lở, vừa bảo vệ làng nghề truyền thống dệt chiếu Bàn Thạch nổi tiếng.

Qua hàng chục lần khảo sát, đo vẽ, thiết kế với bao nhiều háo hức đợi chờ của người dân mong ước được giữ làng cũng thành hiện thực vào tháng 01/2006, khi tỉnh quyết định triển khai đầu tư xây dựng tuyến kè bảo vệ làng. Không niềm vui nào kể hết với người dân.

Ông Nghi nhớ lại, nghe dự án được khởi công, tui đi từng nhà vận động bà con nhường đất xây kè. Bà con trong làng ai cũng háo hức tự nguyện chặt cây cối, nhường đất vườn để bàn giao 1500 m bờ sông cho đơn vị thi công công trình. Mọi người bảo nhau cố mà bám đất giữ làng, có bờ kè may ra còn làng. Ai ngờ, sau khi chặt cây cối bàn giao đất cho đơn vị thi công, chẳng thấy động tĩnh gì. Đất ven bờ sông không còn bóng cây chắn sóng, qua 2 mùa mưa lũ vừa qua đã đánh sạt lở trôi ra sông hàng trăm mét đất.. Kỳ vọng về dự án kè chắn bảo vệ làng cũng đã trôi theo lời hứa như đất làng vẫn trôi ra sông!

 
Những bụi tre chắn lũ cuối cùng cũng bị cuốn trôi ra sông tại làng Đông Bình.

Có lẽ, một nửa làng Đông Bình đã trôi cùng dòng nước sau bao nhiêu năm đợi chờ. Khát khao về một dự án kè chắn bảo vệ vẫn còn nằm trên giấy qua hơn 5 năm “treo” chờ kinh phí, rồi 2 lần thiết kế vẫn chưa xong. Đến bây giờ lại chuyển cơ quan quản lý dự án từ Ban Quản lý dự án của tỉnh đến Sở NN-PTNT Quảng Nam. Nhưng đến nay vẫn án binh bất động. Chỉ thấy bốn bờ sông bao quanh làng Đông Bình người dân đã chặt cây trơ trọi để giao đất từ năm 2006. Hỏi tại sao lại chậm trễ triển khai dự án kè chống xói lở làng Đông Bình? Một cán bộ lãnh đạo cơ quan quản lý dự án của tỉnh trả lời: do nền đất ở đây quá yếu, nếu khoan cho tới lớp đất cứng để cắm được móng cũng phải tốn hàng chục tỷ đồng. Trong khi đó, dự án chỉ có vài ba tỷ đồng thì làm sao làm được. Nên không thể triển khai!

Đã hơn 7 năm đo vẽ, lập dự án. Khi dự án được duyệt thì bờ sông sạt lở ăn sâu vào đất liền, đã làm địa hình thay đổi, nên muốn thi công thì phải đo vẽ và lập lại thiết kế – một cán bộ của Ban quản lý dự án kè Đông Bình cho biết. Ban Quản lý dự án đã nhiều lần thiết kế lại, nhưng vẫn không xong. Không biết đến bao giờ dự án mới được triển khai để cứu làng dệt chiếu truyền thống Đông Bình, khi mà đất làng vẫn cứ trôi ra sông theo ngày tháng. Nguy cơ làng dệt chiếu cói truyền thống Đông Bình xoá sổ trong nay mai là điều khó tránh khỏi nếu dự án kè chắn kia không được triển khai nhanh…