Doanh nghiệp phá rừng chỉ bị xử hành chính?

ThienNhien.Net – Việc Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển nông thôn 6 và Công ty Quản lý và xây dựng giao thông Đăk Lăk đưa máy móc vào “phá” rừng theo kiểu “tiền trảm hậu tấu” đã gây thiệt hại hàng trăm ha rừng đặc dụng tại Vườn quốc gia Yok Đôn (Đăk Lăk), khiến hàng ngàn mét khối gỗ bị san ủi. Ấy vậy, Sở Giao thông Vận tải Đăk Lăk chỉ đề nghị xử lý hành chính?

Ngày 18/11/2009, Bộ NN&PTNT đề nghị Thủ tướng phê duyệt chuyển đổi mục đích sử dụng hơn 172ha diện tích rừng và đất rừng tại Vườn quốc gia Yok Đôn để làm đường Quốc lộ 14C. Tuy nhiên, từ tháng 4/2009, trước khi Bộ có công văn đệ trình việc này và trước cả khi được Thủ tướng phê duyệt, Ban Quản lý dự án đường bộ V (đơn vị được Bộ Giao thông Vận tải giao thực hiện dự án) đã cho phép hai đơn vị đưa máy móc vào san ủi rừng đặc dụng.

Phát hiện thấy vi phạm, ngay trong tháng 4/2009, Vườn Quốc gia Yok Đôn đã có công văn đình chỉ thi công đường và đề nghị Ban Quản lý dự án đường bộ V hoàn thiện hồ sơ theo đúng quy định. Tuy nhiên, các nhà thầu vẫn “âm thầm” san ủi…

 

Ngày 9/2/2010, Bộ NN&PTNT báo cáo vụ việc và xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, Bộ nêu rõ phương án: yêu cầu UBND tỉnh Đăk Lăk chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra hiện trường và xử lý vi phạm. Trường hợp san ủi rừng không đúng theo hồ sơ dự án thì tùy theo mức độ vi phạm mà xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Đối với những thiệt hại về lâm sản do san ủi rừng thì đơn vị thi công phải chịu trách nhiệm bồi thường…

 

Ngày 3/3, UBND tỉnh Đăk Lăk giao Sở Giao thông Vận tải Đăk Lăk, Sở NN&PTNT cùng một số ngành liên quan tổ chức kiểm tra làm rõ sai phạm. Đến ngày 26/3, Sở Giao thông Vận tải Đăk Lăk hoàn thành việc điều tra và báo cáo kết quả. Sở thống nhất đề nghị UBND tỉnh xử phạt hành chính hai đơn vị.

 

Tuy nhiên, theo ông Trương Văn Trưởng, Giám đốc Vườn Quốc gia Yok Đôn  đây là vụ việc nghiêm trọng, cần sớm có quan điểm và hình thức xử lý kiên quyết.
 

Theo hồ sơ thiết kế, đoạn đường qua Vườn Quốc gia Yok Đôn có chiều dài khoảng 56 km thuộc địa bàn 2 huyện Buôn Đôn và Ea Súp, trong đó có khoảng 13 km phải san ủi rừng để xây dựng mới với quy mô đường cấp IV miền núi, chiều rộng nền đường 7,5m, chưa kể phần mở rộng các đường cong và lề đường. Được biết, số diện tích cần giải phóng mặt bằng dự kiến lên tới 92ha trong tổng số hơn 172 ha diện tích rừng và đất rừng cần chuyển đổi.