Giáo dục là chìa khóa trong công tác bảo tồn dơi

Theo một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Biodiversitas, việc tăng cường cung cấp kiến ​​thức về các dịch vụ hệ sinh thái của dơi là chìa khóa để bảo tồn loài dơi và hỗ trợ các cộng đồng ở tỉnh Sumatra, Indonesia. Các nhà nghiên cứu đã khảo sát người dân trong các cộng đồng địa phương xung quanh hệ sinh thái Batang Toru để đánh giá hiểu biết của họ về quần thể dơi.

Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng, kiến thức của cộng đồng địa phương về các dịch vụ hệ sinh thái có lợi đến từ dơi đang còn khá hạn chế, và họ chủ yếu xem dơi như một nguồn thức ăn.

Sầu riêng là một loại cây trồng được phát triển trong các vườn rừng song song với các loại cây khác như cao su và thốt nốt. Sầu riêng cũng rất quan trọng đối với sinh kế của địa phương. Dơi lại đóng vai trò quan trọng trong việc thụ phấn cho cây trồng, bao gồm các loại cây kể trên. Tuy nhiên, nông dân vẫn chưa nhận thức đầy đủ về điều này.

Ảnh: Mongabay,com

Trong một cuộc phỏng vấn, tác giả chính của nghiên cứu, đồng thời là một ứng viên tiến sĩ tại Đại học Andalas, ông Hamid Arrum Harahap cho biết, nhiều nông dân đã quen với sự hiện diện của dơi trong trang trại của họ, nhưng họ vẫn chưa hiểu rõ về lợi ích mà dơi mang lại. Ông nói: “Đã có sự hiểu nhầm ở đây. Người dân nghĩ rằng dơi không giúp ích gì cho quá trình thụ phấn. Thậm chí, một số người còn nghĩ rằng chúng phá hoại quá trình thụ phấn của sầu riêng.”

Theo nghiên cứu, phần lớn trong số hơn 100 người được hỏi không biết rằng dơi là loài đã thụ phấn cho cây trồng của họ và nhiều người không nhận thức được rằng việc suy giảm số lượng dơi có thể ảnh hưởng đến mùa màng.

Arrum chỉ rõ: “Cứ bảy nông dân thì sẽ có một người đang có những hành động tiêu cực đối với dơi.” Những người nông dân cho biết, họ thường săn bắt, tiêu thụ hoặc sử dụng dơi như một phương thuốc dân gian chữa bệnh hen suyễn. Dơi cũng được bán tại các chợ địa phương. Ngược lại, những người có tín ngưỡng truyền thống đối với “rừng thiêng” ít có xu hướng săn dơi hơn.

Dơi quạ lớn, dơi quả lưỡi dài và dơi ăn quả Dayak nằm trong số những loài thường xuyên bị săn bắt trong khu vực và được coi là loài ít quan tâm hoặc sắp bị đe dọa. Cả ba loài đều đang bị suy giảm, chủ yếu là do mất môi trường sống.

Cuộc khảo sát của Arrum được thực hiện vào năm 2020, năm đầu tiên của đại dịch COVID-19. Điều này làm ông càng thêm lo ngại về việc tiêu thụ dơi tại địa phương. Ông nói: “Trong những năm đầu tiên của đại dịch, nhận thức về sự nguy hiểm của việc tiêu thụ động vật hoang dã đã được nâng cao. Nhưng trong các cộng đồng địa phương nơi tiếp xúc với dơi hàng ngày, dơi vẫn bị săn bắt và tiêu thụ.”

Arrum nói thêm, “Tôi nghĩ rằng cần có sự hợp tác giữa ngành y tế và ngành lâm nghiệp để giáo dục cộng đồng về những mặt tiêu cực của việc tiêu thụ dơi”.

Dựa trên những phát hiện này, Arrum tin rằng các cơ quan chính phủ và các tổ chức bảo tồn cần mở rộng nhiều sáng kiến ​​giáo dục đến với các cộng đồng địa phương để nâng cao kiến ​​thức của họ về các dịch vụ hệ sinh thái từ dơi. Bằng cách bảo tồn quần thể dơi và giảm áp lực lên chúng, người nông dân trồng sầu riêng và cả cộng đồng địa phương có thể hưởng lợi rất nhiều từ loài động vật này.

Arrum khẳng định: “Một trong những giải pháp chính cho bảo tồn dơi là đẩy mạnh tương tác với cộng đồng địa phương. Không chỉ giáo dục cho họ, mà chúng ta còn cần học hỏi họ về tiếp xúc với dơi.”

Trúc Mai (Theo Mongabay.com)

Nguồn: