Quản lý cảnh quan và phát triển sinh kế bền vững ở Tràm Chim

ThienNhien.Net – Thực hiện Dự án "Quản lý cảnh quan và phát triển sinh kế bền vững trong và xung quanh Vườn quốc gia (VQG) Tràm Chim" do Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) – Chương trình Việt Nam tài trợ, đến nay, huyện Tam Nông (Đồng Tháp) đã có 278 hộ (hộ nghèo) ở các xã xung quanh VQG Tràm Chim là Phú Thọ, Phú Đức, Phú Hiệp, Phú Thành B, Tân Công Sính và thị trấn Tràm Chim, được chính quyền địa phương cấp thẻ sử dụng tài nguyên thiên nhiên, với mục tiêu nhằm nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của cộng đồng cư dân sống xung quanh vườn.


Dự án sẽ triển khai các hoạt động nghiên cứu khoa học, thí điểm phương án cộng đồng cùng tham gia quản lý và sử dụng tài nguyên hợp lý để tài nguyên có thể tái tạo, tái sinh và huy động sự tham gia của cộng đồng trong việc kiểm soát cây mai dương – một loài cây nguy hiểm đang xâm lấn VQG Tràm Chim.

Hộ được cấp thẻ vào vườn phải thành lập tổ để quản lý. Các thành viên trong tổ có trách nhiệm và quyền lợi là có thể vào những nơi cho phép của VQGTC trong khoảng thời gian từ tháng 8 đến tháng 2 trong năm để khai thác cỏ năn khô, bông súng, rau muống, rau trai; chặt, đốn cây mai dương và các cây tràm bị ngã, chết về làm củi; đánh bắt 20% sản lượng thủy sản hàng năm …

Nguồn thu nhập từ khai thác nguồn tài nguyên này sẽ chỉ phải trích một phần cho VQG, còn lại người dân sẽ được hưởng. Với cách làm này, đến nay đã có hơn 8.700 lượt người của 278 hộ được phép vào Vườn khai thác, thu hoạch được trên 12,3 tấn thủy sản, hơn 18,5 tấn ốc và trên 2.000m3 củi tràm, cây mai dương; trung bình mỗi hộ có thu nhập khoảng 50.000 đ/ngày từ khai thác tài nguyên thiên nhiên trong VQGTC.

Đánh giá của Ban Quản lý VQG Tràm Chim cho thấy, hiệu quả của của cách làm này trong thời gian qua đã làm giảm mật độ các loài thực vật ngoại lai xâm hại; giảm lớp thực bì gây cháy tại các điểm khai thác; tăng thu nhập ổn định cho các hộ nghèo tham gia; giảm đáng kể số vụ người xâm phạm trái phép vào vườn và các nguồn tài nguyên khi khai thác được phục hồi, phát triển nhanh hơn so với trước khi sử dụng…

Quan trọng nhất là đã góp phần nâng cao ý thức cộng đồng về bảo tồn tài nguyên, phòng, chống cháy và kiểm soát chặt chẽ các loài ngoại lai xâm hại… Đồng thời, từng bước xã hội hóa công tác quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên bên trong VQG một cách bền vững, góp phần hạn chế thấp nhất nạn cháy rừng xảy ra vào mùa khô. Cách làm này đang được tiếp tục thực hiện đối với những hộ nghèo ở các xã xung quanh vườn chưa tham gia dự án.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu trên, Dự án cũng gặp phải nhiều khó khăn trong quản lý khi một số tổ dân cư đã khai thác vượt quá khu vực cho phép của Vườn, làm ảnh hưởng đến vùng sinh sống của các loài chim, đặc biệt là Sếu đầu đỏ.

Hiện tại, để giải quyết vấn đề này, cán bộ dự án đã phối hợp với chính quyền địa phương (xã, huyện…) thắt chặt việc giám sát các hoạt động khai thác của người dân, đồng thời quy định thời gian cụ thể cho người dân vào Vườn. Hy vọng, cách làm này sẽ hoàn thiện dự án, để tiếp tục triển khai đối với những hộ nghèo ở các xã xung quanh vườn chưa tham gia dự án.