Phát triển xanh – Chìa khóa của chính sách khí hậu

ThienNhien.Net – Để đối phó với biến đổi khí hậu, các quốc gia đang phát triển cần theo đuổi mục tiêu phát triển xanh chứ không phải mục tiêu cắt giảm khí thải. Đó là ý kiến của 2 giáo sư Sudhakara Reddy (Viện Nghiên cứu Phát triển Indira Gandhi, Ấn Độ) và Gaudenz B. Assenza (Đại học Palacky, CH Séc), được trình bày trong bài viết dưới đây.


Những nước đang phát triển thường không có điều kiện tiếp cận và ứng dụng rộng rãi các công nghệ mới. Thậm chí, nhiều nước vẫn đang phải đối phó với tình trạng lây lan của dịch tật và nạn đói, trong khi chưa có hệ thống chăm sóc sức khỏe đủ mạnh và người dân còn thiếu nước sạch và các điều kiện vệ sinh.

Chính vì vậy, những nguồn lực phục vụ mục tiêu cắt giảm khí thải có thể được sử dụng hiệu quả hơn nếu được đầu tư cho phát triển kinh tế theo hướng thân thiện với môi trường ở các nước đang phát triển. Đây là cách làm vừa giúp các nước này bảo vệ môi trường, vừa góp phần cải thiện tình trạng đói nghèo, nâng cao chất lượng đời sống của người dân, mà đồng thời lại không gây ảnh hưởng tới khả năng của họ trong việc giải quyết những thách thức tương lai.

Điều đáng tiếc là Liên hợp quốc cũng như nhiều tổ chức quốc tế khác chưa đánh giá đúng tầm quan trọng của phát triển kinh tế và giải quyết những ưu tiên cho phát triển bền vững ở các nước này. Các tổ chức quốc tế thường tư vấn cho chính phủ các nước dành ưu tiên hàng đầu cho vấn đề biến đổi khí hậu, một phần cũng bởi họ khó có thể hi vọng vào sự thay đổi từ phía các nước phát triển, thủ phạm chính của vấn đề môi trường toàn cầu hiện nay.

Song, sẽ thật bất công khi các nước đang phát triển buộc phải trả gánh nợ môi trường của một thế giới đang công nghiệp hóa, trong khi những nước này chỉ phát thải 20% tổng lượng khí thải của thế giới kể từ năm 1751. Đặc biệt là khi biến đổi khí hậu chưa phải là mối lo ngại chính đối với các quốc gia vẫn đang phải đối mặt với đói nghèo, với những thách thức trong quản lý tài nguyên thiên nhiên, năng lượng và phát triển kinh tế.

Cách tiếp cận thân thiện với khí hậu

Để giải quyết vấn đề này, các chính sách môi trường và khí hậu có thể được xây dựng song song với các mục tiêu phát triển, để cuối cùng, lợi ích về khí hậu sẽ đạt được đồng thời với phát triển kinh tế.

Ở nhiều quốc gia, các chương trình bảo vệ môi trường, khí hậu đồng thời mang lại lợi ích kinh tế đã bắt đầu được triển khai. Các quốc gia đang phát triển, trong đó có Ấn Độ, đã thực hiện nhiều giải pháp như bảo vệ đất nông nghiệp, bảo tồn rừng và tái cấu trúc ngành năng lượng để không gây bất cứ ảnh hưởng tiêu cực nào tới khí hậu, đồng thời góp phần hạn chế những nguy cơ môi trường, song song với việc đảm bảo phát triển kinh tế-xã hội.

Thách thức để phát triển đất nước theo hướng này là phải chọn được con đường đi đúng đắn, sao cho vừa đảm bảo cung cấp đủ lương thực, năng lượng và việc làm, vừa hạn chế tối đa tác động tiêu cực đến môi trường.

Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng – ví dụ, thay thế bếp đun dùng củi truyền thống bằng bếp dùng khí sinh học (biogas) hay nhiên liệu hóa lỏng – không chỉ giúp tiết kiệm chi phí cho mỗi gia đình mà còn góp phần phát triển kinh tế địa phương. Bằng cách giảm tiêu thụ năng lượng, lượng khí phát thải ra môi trường cũng tất yếu giảm đi. Theo tính toán, ở Ấn Độ, việc thay thế bếp đun dùng củi bằng bếp biogas đã giúp mỗi hộ gia đình tiết kiệm 500 USD mỗi năm và giảm tới 2500 Kg CO2 thải vào môi trường.

Định hướng phát triển

Chúng ta cần nhìn nhận lại những tranh luận xung quanh vấn đề biến đổi khí hậu để đặt ưu tiên phát triển lên hàng đầu và quan tâm đến nhu cầu phát triển kinh tế nhanh chóng của các nước đang phát triển.

Điều này có nghĩa là cần xét sự phát triển, sự công bằng và sự tổn thương về môi trường khí hậu trong mối quan hệ với vấn đề phát thải, sau đó triển khai những sáng kiến phát triển thân thiện với môi trường.

Song, để làm được điều đó, các nước đang phát triển cần có tài chính, công nghệ và nguồn nhân lực được đào tạo. Khả năng tiếp cận thông tin và xây dựng các thể chế cũng rất quan trọng. Các quốc gia đang phát triển cần xây dựng cho mình năng lực khoa học, công nghệ đáp ứng yêu cầu phát triển và gắn kết nó với các thiết chế kinh tế, xã hội và các cơ quan xây dựng chính sách.

Một vấn đề quan trọng nữa là cần nhận ra những hạn chế của các phương pháp luận phổ quát, chung chung, bởi vì các tham số là rất khác nhau giữa các quốc gia, các vùng miền và các thời điểm khác nhau. Chúng ta cần xây dựng theo đặc thù từng địa phương những mô hình về tác động của môi trường, mức độ ảnh hưởng tới dân cư… để hiểu rõ mối liên hệ và dung hòa giữa chính sách môi trường toàn cầu và chính sách môi trường địa phương.

Các nhà xây dựng chính sách nên khuyến khích phát triển công nghệ sạch, đi đôi với việc tìm ra những lựa chọn mới về nguồn tài chính. Thị trường công nghệ năng lượng tái tạo sẽ không thể phát triển chừng nào chưa có nguồn vốn tài trợ thỏa đáng.

Cần lắm những bước đi tiên phong

Xây dựng các chính sách phát triển bền vững phải được xem là ưu tiên hàng đầu của các nước đang phát triển. Điều này có nghĩa là, chính sách biến đổi khí hậu phải trở thành một hiệu ứng phụ có ý nghĩa tích cực chứ không phải một vật cản đối với phát triển.

Cách tiếp cận này có thể dẫn tới chiến lược mới trong quan hệ hợp tác giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển. Theo đó, các nguồn tài nguyên thiên nhiên sẽ được sử dụng một cách hiệu quả, nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm thiểu ô nhiễm không khí. Như vậy, hiệu quả sử dụng năng lượng và công nghệ năng lượng sạch sẽ đóng vai trò quan trọng nhằm mang lại rất nhiều lợi ích về kinh tế, sức khỏe và môi trường cho các cộng đồng dân cư.

Tuy nhiên, những nỗ lực đàm phán về khí hậu sẽ chỉ đi đến thành công một khi các quốc gia đang phát triển nhận thức được rằng phát triển bền vững phải được ưu tiên hơn chính sách khí thải và phải có quốc gia (hay nhóm quốc gia) sẵn sàng dẫn đầu tiến trình này. Nếu thiếu vai trò dẫn đầu đó thì kể cả với lòng nhiệt thành vô bờ, các quốc gia cũng không thể phối hợp với nhau và sẽ phải trả cái giá ngày càng cao cho phát triển.