Hỗ trợ người dân vùng nhạy cảm trước BĐKH

ThienNhien.Net – Khí hậu Trái đất ngày một biến đổi là vấn đề không cần phải hồ nghi. Trong khi các nước phát triển còn tranh cãi về hành động nhằm ngăn chặn phát thải khí nhà kính, thì hàng tỷ người dân nghèo trên thế giới đang sinh sống tại các vùng nhạy cảm rất cần được trợ giúp, nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu.


Chưa thể khẳng định một con số chính xác là bao nhiêu hệ sinh thái và người dân sẽ chịu ảnh hưởng từ biến đổi khí hậu, tuy nhiên, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) cùng các tổ chức uy tín khác đều lo ngại rằng, hàng triệu người dân sẽ phải đối mặt với các tình trạng thiếu hụt thức ăn và nước uống, cũng như các mối đe dọa ngày một lớn đến sức khỏe và cuộc sống. Các hậu quả tiềm tàng nghiêm trọng như sản lượng mùa màng giảm sút, nạn đói cùng các căn bệnh phát sinh do khí hậu (như bệnh sốt rét) chắc chắn sẽ ngày một tăng lên.

Một ví dụ có thể thấy rõ những tác động của biến đổi khí hậu, đó là khối băng ở Bắc Cực thuộc Canada lần thứ 3 xuống mức thấp nhất vào tháng 07/2009, vượt qua các năm 2006 và 2007. Cùng với đó, năm 2009 ở Canada được coi là năm của mùa hè với nền nhiệt độ cao hơn mọi năm.

Nghiên cứu gần đây do Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Quốc tế Canada (IDRC) hỗ trợ, cho biết, các quốc gia đang phát triển sẽ chịu sự đe dọa nhiều nhất từ biến đổi khí hậu, do những nước này không có đủ nguồn lực tài chính, kỹ thuật và xã hội để thích ứng.

Bởi vậy, hỗ trợ nâng cao nhận thức về hiện tượng biến đổi khí hậu đang diễn ra cho người dân vùng nhạy cảm là rất cần thiết. Qua đó, cộng đồng có thể biết cách để giải quyết sự thay đổi và biến động của khí hậu tại một số nơi chịu nhiều “áp lực” nhất trên thế giới.

Các kết quả nghiên cứu của IDRC thực hiện tại Châu Phi, Châu Á, và Mỹ La Tinh, cũng cho thấy rằng, các chiến lược thích ứng với biến đổi khí hậu được phát triển hiệu quả nhất theo tính chất địa phương, phù hợp với nhu cầu của từng cộng đồng riêng biệt.

Tuy nhiên, ước tính chi phí cho giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu có thể vượt quá các nguồn lực hiện có, nếu như một số quốc gia đang phát triển đầu tư xây dựng các công trình phức tạp, với hệ thống phòng thủ ven biển kiên cố nhằm chống sự dâng cao của mực nước biển.

Và tất nhiên, không hẳn là không còn các giải pháp với chi phí thấp. Nghiên cứu được thực hiện ở Morocco chỉ ra rằng, các quốc gia này có thể có những cách tiếp cận khác mà vẫn thu được lợi ích, như bảo vệ các vùng đất ngập nước ven biển hình thành từ các vùng đệm tự nhiên hay rà soát lại các kế hoạch phát triển vùng ven biển.

Bên cạnh đó, theo sáng kiến chung của IDRC và Bộ Phát triển Quốc tế Vương quốc Anh, người dân nông thôn cần được tiếp cận nhiều hơn với các dự báo và tư vấn tin cậy về khí hậu. Qua đó, họ sẽ có các lựa chọn đúng đắn về loại cây và thời gian trồng thích hợp.

Nhóm nghiên cứu tại Benin, Kenya, Senegal, và Tanzania cũng đang thử nghiệm các phương thức nhằm giúp người dân nông thôn tiếp cận thông tin về khí hậu thông qua Chương trình thích ứng biến đổi khí hậu của Châu Phi.

Là một trong số những khu vực khô hạn nhất trên thế giới, tại khu vực trung tâm phía Đông và phía Bắc Châu Phi, các nhà nghiên cứu đã tìm ra các giải pháp nâng cao chất lượng, trữ lượng nước thông qua quản lý nhu cầu và thay đổi thái độ về sử dụng nước. Đồng thời, hỗ trợ các phương thức nhằm tái sử dụng nước thải sinh hoạt, nước ngầm mặn, và nước thải sinh ra từ nước tưới cho cây trồng. Sáng kiến này nằm trong khuôn khổ dự án hợp tác do IDRC và Quỹ Phát triển Nông nghiệp Quốc tế (IFAD) tài trợ.

Ngoài ra, tại các khu vực dễ xảy ra khô hạn và lũ lụt của Ấn Độ, Nepal, và Pakistan, các nhà khoa học cũng đã chỉ ra những lợi ích từ hoạt động quản lý rủi ro thiên tai, thông qua phạm vi bảo hiểm và các biện pháp cảnh báo thiên tai sớm.

Tóm lại, có thể kết luận rằng, các cách tiếp cận tập trung vào người dân có thể đem lại hiệu quả hơn về chi phí trong giảm thiểu sự tổn thương trước biến đổi khí hậu, so với các đầu tư quy mô lớn về cơ sở hạ tầng.