Đề án bảo vệ sông Đồng Nai bị đánh giá "Thiếu và chậm"

ThienNhien.Net – Được phê duyệt từ 2007 nhưng nội dung, nhiệm vụ của Đề án bảo vệ sông Đồng Nai còn rất chung chung, gây khó khăn cho quá trình thực hiện và giám sát. Hiện cũng mới chỉ có 3/12 địa phương xây dựng được bản kế hoạch triển khai đề án.


Tại cuộc họp đánh giá tiến độ thực hiện Đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai (ngày 29/01/2010), Bộ trưởng Bộ TN&MT Phạm Khôi Nguyên nhấn mạnh, một trong các lý do khiến sông Đồng Nai vẫn “bẩn” là do các địa phương chưa thực sự kiên quyết trong việc ngăn chặn nguồn ô nhiễm. Tuy nhiên, các địa phương dọc lưu vực sông cho rằng, cái khó ở đây là vấn đề tài chính. Do chưa có cơ chế tài chính rõ ràng nên họ không biết lấy nguồn nào để đầu tư cho các dự án bảo vệ sông Đồng Nai.

Đại diện Bộ Tài chính lý giải, cơ chế tài chính cho dự án môi trường các lưu vực sông thì không thiếu, vấn đề ở chỗ địa phương phải chủ động xây dựng kế hoạch để bố trí vốn hợp lý. Thời gian tới, Bộ sẽ có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này.

Vai trò, trách nhiệm của Ủy ban bảo vệ sông Đồng Nai cũng đã được đề cập, với hầu hết các ý kiến cho rằng, Ủy ban này chưa thực sự hiệu quả, hành động chưa đủ mạnh để bảo vệ môi trường con sông. Đến nay, mới chỉ có tỉnh Long An thành lập Ban chỉ đạo chống ô nhiễm, 11 tỉnh, thành còn lại đều chưa lập văn phòng hoặc bộ phận giúp việc chuyên trách để triển khai công việc.

Để hạn chế nguồn xả thải ra sông, Bộ trưởng Phạm Khôi Nguyên cho biết, trước mắt, các địa phương cần kiểm tra các nguồn thải và lên danh sách các khu công nghiệp, cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Nếu phát hiện cơ sở sản nào gây ô nhiễm thì tùy theo mức độ mà xử phạt, có thể xử phạt hành chính, tạm đình chỉ sản xuất hoặc đóng cửa hoàn toàn và buộ di dời khỏi lưu vực sông.

12 tỉnh thành chịu ảnh hưởng trực tiếp từ nguồn nước hệ thống lưu vực sông Đồng Nai gồm: TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Ria-Vũng Tàu, Long An, Tây Ninh, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Ninh Thuận và Bình Thuận. Theo “Đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2020”, 12 địa phương này sẽ bắt tay triển khai 16 dự án trọng tâm thuộc Đề án, với tổng kinh phí gần 2.000 tỉ đồng. Ủy ban bảo vệ môi trường hệ thống sông Đồng Nai cũng được thành lập ngay sau đó (12/2008), nhằm hỗ trợ bảo vệ môi trường con sông này nhưng đến nay, sông vẫn không hết ô nhiễm. Thậm chí, các tài nguyên rừng, đất, khoáng sản, đa dạng sinh học… xung quanh lưu vực sông cũng bị khai thác cạn kiệt, nhiều cảnh quan bị tàn phá, bờ sông bị sạt lở, xói mòn và diễn biến ngày càng xấu.