Đồng bằng Bắc Bộ: Mực nước ngầm giảm mạnh

ThienNhien.Net – Cùng với quá trình đô thị hóa, sự phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là sự gia tăng dân số, nhu cầu về nguồn nước không ngừng tăng lên. Lượng nước ngầm theo đó bị khai thác ngày một nhiều khiến mực nước một số khu vực ngày càng hạ thấp. Theo kết quả khảo sát của Trung tâm Quan trắc và Dự báo Tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) từ năm 1990 đến nay, tại 9 tỉnh-thành phố là Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Hưng Yên và Hải Dương, mực nước ngầm đang có xu hướng giảm mạnh.


Hà Nội là đô thị có nhu cầu sử dụng nước cao nhất miền Bắc, nên mực nước ngầm ở Thủ đô ngày càng hạ thấp, điển hình là khu vực phía Nam thành phố.

Tương tự, các địa phương như Vĩnh Phúc, Hải Dương, Nam Định…, cũng do phát triển đô thị, cơ sở hạ tầng…, việc khai thác nước ngày càng gia tăng, đẩy nhanh tốc độ hạ thấp mực nước ngầm, đặc biệt trong giai đoạn 2000-2009.

Để sử dụng tài nguyên nước dưới đất hợp lý, hạn chế suy giảm nhanh mực nước và tránh ô nhiễm nguồn nước, các địa phương vùng đồng bằng Bắc Bộ trước hết phải tiến hành đánh giá một cách khoa học và kiểm soát chặt chẽ nguồn nước ngầm, qua đó có cơ sở lập quy hoạch khai thác bền vững, bảo vệ tầng chứa nước, tránh để nhiễm bẩn, nhiễm mặn.

Riêng Hải Phòng, là vùng có đặc điểm thủy địa phức tạp, nước mặn nước nhạt xen kẽ, tốc độ hạ thấp mực nước trung bình từ năm 1993 đến nay vào khoảng 0,6m/năm. Do đó, trong quá trình khai thác, địa phương cần nghiên cứu chi tiết để lập quy hoạch khai thác hợp lý, chống xâm nhập mặn theo chiều ngang cũng như chiều thẳng đứng.