Trung Quốc phát triển năng lượng hạt nhân quá “nóng”

ThienNhien.Net – Trung Quốc đang triển khai xây dựng thêm một số nhà máy điện hạt nhân trong thập kỉ này, đưa số lượng các nhà máy điện hạt nhân của nước này lên gấp 3 lần của cả thế giới. Dù chiến lược này có tiềm năng làm chậm sự nóng lên toàn cầu trong bối cảnh Trung Quốc có lượng phát thải lớn nhất thế giới, đây vẫn được xem là một bước đi đầy rủi ro.


Đất nước cuối cùng mở rộng nhanh chóng ngành hạt nhân là Mỹ trong thập niên 1970, thập kỉ nở rộ các công trình xây dựng lò phản ứng và kết thúc bởi vụ rò rỉ tại nhà máy hạt nhân Three Mile Island ở Pennsylvania năm 1979.

Với Trung Quốc, việc mở rộng phát triển điện hạt nhân không đơn thuần chỉ là nỗ lực đáp ứng nhu cầu đang mỗi ngày tăng lên về điện năng, mà đó còn là nỗ lực làm chậm quá trình gia tăng phát thải.

Trong lịch sử 15 năm sản xuất điện ở quy mô lớn, ngành điện hạt nhân dân sự Trung Quốc với 11 lò phản ứng đang hoạt động và khoảng 10 công trình được xây dựng mới mỗi năm chưa từng ghi nhận vụ tại nạn nghiêm trọng nào. Tuy nhiên, tốc độ phát triển quá “nóng” như hiện nay đang đặt ra những nghi ngại về độ an toàn.

Nhiều lý do để lo ngại về tốc độ phát triển quá nóng

Xu hướng phát triển điện hạt nhân hiện nay của Trung Quốc đang khiến dư luận trong nước và quốc tế lo ngại.

Việc Trung Quốc dự định đặt phần lớn các nhà máy điện hạt nhân của họ gần các thành phố lớn khiến hàng chục triệu người dân đứng trước nguy cơ nhiễm xạ trong trường hợp xảy ra tai nạn.

Chưa hết, Trung Quốc phải duy trì sự an toàn của ngành điện hạt nhân trong một nền văn hóa kinh doanh mà chất lượng và sự an toàn đôi khi được đặt sau lợi nhuận và tham nhũng. Điều này từng được chứng minh bằng vô số vụ bê bối trong ngành thực phẩm, dược phẩm, đồ chơi và xây dựng…

Năm 2009, chính Giám đốc Cục Quan Quản lí An toàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc, ông Li Ganjie cũng phải thừa nhận: “Trong tình trạng hiện tại, nếu Trung Quốc không nhận thức đầy đủ về sự phát triển quá nóng của ngành hạt nhân thì chất lượng xây dựng và sự an toàn trong quá trình vận hành các nhà máy sẽ bị đe dọa.”

Trên thực tế, vụ tham nhũng của cán bộ cấp cao ngành hạt nhân Trung Quốc đã bị phanh phui. Theo nguồn tin chính thức, tháng 8-2009, chính phủ Trung Quốc đã cách chức và bắt giữ vị chủ tịch đầy quyền lực của Tập đoàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc, ông Kang Rixin, vì dính líu tới vụ tham nhũng 260 triệu USD liên quan đến sai phạm trong đấu thầu xây dựng nhà máy điện hạt nhân.

Đây là một thực tế đáng lo ngại vì nó cho thấy các lãnh đạo ngành hạt nhân Trung Quốc không phải lúc nào cũng đặt an toàn lên trên hết.

Thách thức trên con đường phát triển hạt nhân của Trung Quốc

Trái với những tai tiếng trong các ngành công nghiệp khác, Trung Quốc có lịch sử an toàn trong một số ngành công nghiệp đặc biệt được chính phủ quan tâm, chẳng hạn như hàng không. Tuy nhiên, thách thức chủ yếu đối với chính phủ Trung Quốc và các công ty điện hạt nhân hiện tại là giám sát những nhà thầu chính và phụ đang ngày một tăng lên, những người có thể bị dụ dỗ bớt xén trong quá trình thi công.

William P. Poirier , phó chủ tịch Westinghouse Electric – hãng đang xây dựng bốn lò phản ứng hạt nhân tại Trung Quốc, cho rằng đây quả là điều đáng lo ngại và chính là lí do các bên cần phải hợp tác với nhau.

Philippe Jamet, giám đốc bộ phận lắp ráp an toàn thuộc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) tại Vienna cho biết cơ quan này đã cử đoàn thanh sát viên quốc tế đến các lò phản ứng tại Trung Quốc và kết quả thanh tra cho thấy chúng đang hoạt động khá an toàn. Tuy nhiên cơ quan này cũng bày tỏ lo ngại Trung Quốc có thể chưa có đủ lực lượng thanh sát viên hạt nhân được đào tạo để đáp ứng sự phát triển nhanh chóng như hiện nay.

Trung Quốc cũng đã kêu gọi quốc tế giúp đào tạo lực lượng thanh tra hạt nhân. Và năm nay, IAEA sẽ cử đoàn chuyên gia quốc tế tới Trung Quốc để đánh giá đội ngũ nhân viên cùng quy trình đào tạo.

Theo phía Mĩ, cuối tháng 10-2009, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã quyết định tăng năm lần số lượng nhân viên của cơ quan an toàn vào cuối năm 2010 để đạt con số 1000, song quan chức Trung Quốc từ chối yêu cầu xác minh thông tin này.

Thách thức đối với Trung Quốc là xây dựng và vận hành những lò phản ứng hạt nhân mà không để xảy ra những tai nạn như vụ Three Mile Island của Mỹ hay Chernobưn ở Liên Xô năm 1986.

Trung Quốc hiện không sử dụng loại lò phản ứng đã nổ tại Chernobưn; những kĩ sư Trung Quốc cũng đang nghiên cứu lỗi mà những người vận hành không được đào tạo tốt đã mắc phải ở Three Mile Island.

Trung Quốc có hai “ông lớn” trong ngành năng lượng hạt nhân là Tập đoàn Hạt nhân Quốc gia, hoạt động chủ yếu ở miền Bắc, và Tập đoàn Năng lượng Hạt nhân Quảng Đông, hoạt chủ yếu ở miền Đông Nam. Cả hai đều thuộc sở hữu nhà nước và là đối thủ của nhau.

Tập đoàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc cũng hợp tác với các thanh sát viên quốc tế và chưa có tai nạn nào được thông báo. Tập đoàn này đã cố gắng bưng bít vụ bắt giữ vị chủ tịch và luôn nhấn mạnh rằng các nhà máy của họ đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

Ít ra, việc bắt giữ ông Kang, thành viên ủy Trung Ương Đảng Cộng Sản Trung Quốc, có thể xem là bằng chứng chứng tỏ sự cẩn trọng của Trung Quốc về an toàn hạt nhân.

Ngoài ra, các chuyên gia phương Tây coi nhà máy năng lượng hạt nhân Daya Bay tại Thâm Quyến, nơi chủ yếu sử dụng thiết kế của Pháp do Tập đoàn Năng lượng Hạt nhân Quảng Đông vận hành là bằng chứng cho thấy Trung Quốc có thể vận hành an toàn các lò phản ứng.

Phát triển điện hạt nhân để đáp ứng nhu cầu năng lượng và giảm phát thải

Hiện nay, các nhà máy hạt nhân Trung Quốc có khả năng sản xuất khoảng 9 gigawat điện nếu vận hành hết công suất, cung cấp khoảng 2,7% lượng điện năng quốc gia. 3 năm trước, chính phủ đã đặt mục tiêu tăng công suất này lên hơn bốn lần đến năm 2020.

Theo Jiang Kejun, giám đốc chính sách năng lượng của Ủy ban Phát triển và Cải cách Quốc gia, chính phủ sẽ sớm công bố những mục tiêu xa hơn, tới 70 gigawat đến năm 2020 và 400 gigawat đến năm 2050.

Nhu cầu điện năng tại Trung Quốc đang gia tăng nhanh chóng tới mức, thậm chí nếu ngành này đạt được mục tiêu 2020, các nhà máy hạt nhân vẫn chỉ tạo ra được 9,7% năng lượng của toàn quốc theo kế hoạch của chính phủ.

Việc hòa mạng điện của các nhà máy hạt nhân trong thập kỉ này sẽ giúp giảm 5% khí thải gây ấm lên toàn cầu do phát triển năng lượng. Điều này có vẻ làm nức lòng những người còn đang lo lắng về khí thải nhà kính, nhưng thực ra nó chỉ như một hạt cát giữa sa mạc.

Trung Quốc, quốc gia đã vượt Mĩ để trở thành nước thải nhiều khí nhà kính nhất thế giới vào năm 2006, đang cố gắng đạt được những tiến bộ lớn trong sử dụng hiệu quả năng lượng. Nhưng nền kinh tế Trung Quốc đang phát triển nhanh đến mức kể cả nếu quốc gia này đạt được mục tiêu thì lượng khí thải vẫn tăng từ 72 lên 88% vào năm 2020, theo Sinton, chuyên gia của IAEA tại Paris.