Biến đổi khí hậu gia tăng xung đột tại châu Phi

ThienNhien.Net – Một nghiên cứu của Mỹ mới đây cho hay biến đổi khí hậu đã làm tăng nguy cơ xung đột giữa các quốc gia châu Phi trong 20 năm qua. Nhiệt độ cao hơn khiến mùa màng thất bát và kinh tế giảm sút, kéo theo sự gia tăng xung đột.


Nghiên cứu do Đại học California Berkeley thực hiện đã phân tích mối liên hệ giữa sự thay đổi nhiệt độ và chiến tranh xuyên lục địa. Nghiên cứu kết luận rằng nhiệt độ tăng lên 1oC tương ứng với mức tăng 4,5% số vụ bạo động trong cùng năm đó và tăng 0,9% phạm vi xung đột vào năm tiếp theo.

Khi thu hẹp nghiên cứu, tập trung vào những quốc gia vốn có nhiều xung đột, kết quả cho thấy nhiệt độ cứ tăng lên 1°C thì bạo động sẽ tăng lên tới 49%.

Nhiệt độ tăng – Mùa màng thất bát

Các nhà nghiên cứu cho hay sự tăng nhiệt độ có thể làm giảm từ 10-30% sản lượng nông nghiệp, đồng thời tác động tới đời sống của tất cả các cộng đồng sống phụ thuộc chủ yếu vào nông nghiệp.

Trong khi đó, nông nghiệp chiếm hơn 50% tổng sản phẩm quốc nội và tạo việc làm cho 90% lao động tại hầu khắp châu lục đen này.

Các nghiên cứu đều chứng tỏ kinh tế là nhân tố luôn đi liền với xung đột. Đặc biệt, các phân tích cũng cho hay sự thay đổi về năng suất nông nghiệp là yếu tố trung tâm trong mối liên hệ giữa sự nóng lên và các xung đột tại châu Phi.

Phát triển nông nghiệp – lựa chọn tối ưu

Các tác giả của nghiên cứu cho rằng sự tăng nhiệt trong hơn 20 năm qua dường như đã lấn át các kết quả tích cực mà tăng trưởng kinh tế mang lại.

Vì tầm quan trọng của nông nghiệp trong hiện tại và tương lai đối với người dân châu Phi, chính phủ và các tổ chức hỗ trợ có thể giúp giảm bớt nguy cơ xung đột tại châu Phi bằng cách thúc đẩy phát triển nông nghiệp ngay cả trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày nay.

Nỗ lực đó phải bao gồm cả việc phát triển các giống cây có khả năng thích nghi cao, đồng thời tăng cường nhận thức của nông dân về kỹ thuật canh tác.