Chiến dịch viết thư yêu cầu tịch thu gấu nuôi tại Quảng Ninh

ThienNhien.Net – Sau hai năm nỗ lực thuyết phục chính quyền địa phương tỉnh Quảng Ninh tịch thu 79 cá thể gấu (loài gấu đen châu Á đang bị đe dọa, còn được gọi là gấu ngựa) chưa được đăng ký và gắn chíp điện tử theo quy định của pháp luật Việt Nam; Tổ chức Đông vật Châu Á (AAF) đã phát động Chiến dịch viết thư yêu cầu Chính phủ Việt Nam tịch thu các cá thể gấu hiện vẫn đang bị nuôi nhốt trái phép trên địa bàn điểm du lịch nổi tiếng Vịnh Hạ Long, phía Nam tỉnh Quảng Ninh. Cho đến nay, AAF đã nhận được hơn 7000 lá thư thực hiện Chiến dịch này từ khắp các nước trên thế giới gửi về.


Nuôi gấu lấy mật đã được quy định là bất hợp pháp từ năm 1992, nhưng nhiều chủ trang trại vẫn được cho phép nuôi gấu để phục vụ khách du lịch. Để cố gắng bảo vệ một số ít gấu còn lại trong tự nhiên, chính quyền địa phương đã cùng với Hiệp hội bảo vệ động vật thế giới (WSPA) tiến hành gắn chíp điện tử cho 4000 cá thể gấu trong các trang trại. Tuy nhiên, vào tháng 09/2007, Công an tỉnh Quảng Ninh đã phát hiện 80 cá thể gấu không được gắn chip theo quy định. Cho đến nay, mới chỉ có một trong số 80 cá thể đó được tịch thu và giao cho Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam.

Ngày 02/10 vừa qua, một cuộc đột kích bất ngờ của Cảnh sát môi trường và Công an tỉnh Quảng Ninh đã bắt quả tang các nhân viên một trại gấu tại Đại Yên đang trích hút mật gấu và bán cho khách du lịch nước ngoài. Các dụng cụ trích hút mật và hơn 200 lọ thủy tinh chứa mật gấu tươi đã bị tịch thu, nhưng hiện chưa có ai phải chịu trách nhiệm.

Theo báo cáo của công an địa phương, mỗi tháng thường xuyên có từ 30 đến 40 nhóm khách du lịch qua các trại gấu để mua mật. Tuy nhiên, cho đến nay Chính phủ vẫn chưa đưa ra một biện pháp xử lý triệt để nào.

Sáng lập viên, Giám đốc Điều hành của Tổ chức Động vật châu Á, bà Jill Robinson cho biết, hiện đã có hơn 7000 người, bao gồm cả các chính trị gia từ các nước như Anh, Úc, Liên minh châu Âu cũng như các tác giả có sách bán chạy hàng đầu thế giới đều đã viết thư cho Ngài Thủ tướng của Việt Nam. “Điều này gửi đi một thông điệp mạnh mẽ rằng, thế giới đang rát quan tâm đến vấn đề này và mọi người sẽ không im lặng nếu như các cá thể gấu vẫn tiếp tục bị đối xử tàn nhẫn, có thể dẫn tới bờ vực tuyệt chủng”, bà nói.

Trưởng đại diện của Tổ chức Động vật châu Á tại Việt Nam Tuấn Bendixsen cũng khẳng định: “Chúng tôi đã đặt niềm tin vào Chính phủ và đã xây dựng một trung tâm cứu hộ theo tiêu chuẩn quốc tế để chăm sóc các cá thể gấu này. Cách xử lý của Chính phủ lần này có thể làm ảnh hưởng tới hình ảnh của Việt Nam trên thế giới do không thi hành đúng những cam kết quốc tế trong việc bảo vệ các loài đông thực vật hoang dã đang bị đe dọa. Rất nhiều chủ trang trại không tuân thủ luật pháp, thu về những khoản lợi nhuận lớn từ việc buôn bán trái phép này, nhưng các cơ quan chức năng dường như vẫn chưa thực sự chú ý. Theo quan điểm của chúng tôi, việc thu hồi 24 cá thể gấu nuôi trái phép ở trại gấu tại Đại Yên cần phải được tiến hành ngay lập tức. Chúng ta đã để mất quá nhiều thời gian của những cá thể gấu này.”

Trên thực tế, tháng 11 năm 2005, Tổ chức Động vật Châu Á đã ký một thỏa thuận với Chính phủ Việt Nam nhằm hỗ trợ cứu hộ 200 cá thể gấu và chăm sóc chúng tại Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam đặt tại Vườn Quốc gia Tam Đảo. Cho đến nay, Trung tâm mới chỉ có 28 cá thể gấu được các cơ quan chức năng tịch thu trong khi hiện có khả năng nhận thêm khoảng 100 cá thể nữa.

Việc chích hút mật gấu mang đến những đau đớn khủng khiếp cho loài gấu. Ở Việt Nam, gấu được tiêm thuốc mê, thường là các loại thuốc trái phép, thuốc gây mê, sau đó bị trói lại bằng dây thừng. Người ta sẽ dùng những chiếc kim khoảng hơn 10cm đâm đi đâm lại nhiều lần vào bụng gấu cho đến khi tìm thấy túi mật. Sau đó, mật gấu sẽ được lấy ra bằng bơm tiêm.

Các điều tra viên của Tổ chức Động vật Châu Á đã đưa ra báo động với các nhà chức trách về các hành vi trái phép này trên địa bàn vịnh Hạ Long từ năm 2007. Nhiều cảnh phim, nhiều bức ảnh được quay và chụp bí mật về việc trích hút mật gấu để bán cho khách du lịch đã được chuyển đến Chính phủ.

Hiện tại, Tổ chức Động vật Châu Á đã cùng với nhiều tổ chức phi chính phủ khác như Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV), Free the bears Fund, Tổ chức bảo tồn động vật hoang dã (Wildlife at Risk), Hiệp hội bảo vệ động vật thế giới (World Society for the Protection of Animals), đã tổ chức một nhóm NGO đặc trách về gấu tại Việt Nam, nhằm tiếp tục vận động Chính phủ thay đổi quyết định trước đây.

Liên quan đến đến việc bảo vệ các con gấu này, hai đại biểu Quốc hội là Giáo sư Nguyễn Lân Dũng và ông Nguyễn Đình Xuân sẽ lên tiếng kêu gọi việc tịch thu 24 con gấu ở Quảng Ninh trong các phiên họp Quốc hội tới đây. 7000 bức thư nói trên cũng sẽ được gửi sớm tới Văn phòng Thủ tướng, bao gồm cả những bức thư từ các tác gia nổi tiếng thế giới như Bryce Courtenay và Bradley Trevor Grieve. Và rất nhiều đại biểu quốc hội của các nước cũng tham gia vào chiến dịch này.