Xuất nhập khẩu hàng hóa vi phạm môi trường ngày càng phức tạp

ThienNhien.Net – Mỗi năm có hàng triệu tấn hàng hóa vào Việt Nam qua các cảng biển và cửa khẩu, trong đó có nhiều loại hàng hóa tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Nhưng trong Bộ luật hình sự của nước ta, mới chỉ 2 trong số 10 tội danh qui định về tội phạm môi có văn bản hướng dẫn của liên ngành Trung ương, đó là “Tội hủy hoại rừng” (Điều 189) và tội “Vi phạm các qui định về BV-ĐVHD quí hiếm” (Điều 190). Chính vì thế công tác điều tra, truy tố và xét xử các vụ án môi trường hiện nay gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu.

Đó chính là ý kiến của nhiều đại biểu tham dự Hội thảo khoa học “Phòng ngừa, đấu tranh chống vi phạm pháp luật về môi trường trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu” do Tổng cục Cảnh sát và Cục Cảnh sát môi trường (C36) tổ chức tại Đồ Sơn (Hải Phòng) ngày 05/11/2009.  

Theo báo cáo của C36, nước ta hiện có gần 60 cửa khẩu quốc tế, quốc gia, và 49 cảng biển các loại, mỗi năm có tới hàng triệu tấn hàng hóa nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, nhập khẩu vào Việt Nam theo đường chính ngạch. Điển hình nhất rác thải công nghiệp được núp dưới danh nghĩa “máy móc, thiết bị”, phế liệu tạp chất và thậm chí cả chất thải nguy hại (ắc qui chì đã qua sử dụng, sắt, thép, nhựa, cao su, vải vụn…).

Bên cạnh đó, những loại hàng hóa có nguy cơ gây ô nhiễm sinh học ảnh hưởng trực tiếp đến cộng đồng cũng được nhập vào Việt Nam như thực phẩm đông lạnh không rõ nguồn gốc, bị nhiễm khuẩn hoặc quá thời hạn…để tiêu thụ trong nước hoặc xuất sang nước khác. Nhiều loại động vật hoang dã quý hiếm, một số loài nằm trong nguy cơ tuyệt chủng hoặc sách đỏ như hổ, báo, gấu, tê tê… hay sản phẩm của chúng (ngà voi, sừng tê giác, mật gấu…) cũng được các đối tượng mua bán, vận chuyển vào Việt Nam dưới nhiều hình thức khác nhau. 

Trong thời gian vừa qua, việc nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất của Việt Nam đã gia tăng mạnh mẽ. Theo Tổng cục Môi trường, nhập khẩu thép phế liệu năm 2007 là 1 triệu tấn, năm 2008 là 1,4 triệu tấn, dự kiến năm 2009 sẽ phải nhập khoảng 2 đến 2,5 triệu tấn còn năm 2010 sẽ nhập khoảng 3 đến 4,5 triệu tấn. Riêng nhựa phế liệu, năm 2007 nhập khẩu hàng trăm nghìn tấn.

Đây là nguồn nguyên liệu quan trọng cho phát triển sản xuất tại Việt Nam, hỗ trợ tăng cường năng lực cạnh tranh cho sản phẩm nội địa trên trường quốc tế. Tuy nhiên, việc đẩy mạnh nhập khẩu phế liệu về cả số lượng và chủng loại đã dẫn đến không ít trường hợp vận chuyển chất thải “bẩn” vào Việt Nam và gây ô nhiễm môi trường.

Sau gần 3 năm thành lập, C36 trên cả nước phối hợp với các cơ quan chức năng, đã điều tra phát hiện gần 2600 vụ vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường (BVMT), trong đó có hơn 200 vụ vi phạm quy định về BVMT trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu. Từ những vụ việc nêu trên, C36 đã thực hiện và đề nghị truy thu hơn 140 tỷ đồng phí BVMT; buộc tái xúât và tiêu hủy hơn 300 tấn rác thải; 3.000 tấn nhựa, hơn 10.000 tấn thép phế liệu và gần 6200 tấn ắc quy chì phế thải…

Các địa bàn trọng điểm, nơi xảy ra phần lớn các vụ vi phạm là Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh và Quảng Ninh. Chỉ tính riêng trong giai đoạn từ tháng 01/2008-09/2009, Cục Hải quan Hải Phòng đã bắt giữ và xử lý 202 tấn công-te-nơ và gần 200 tấn nhựa phế liệu các loại, 19 công-te-nơ giấy phế liệu, 18 công-te-nơ và 370 kg sắt phế liệu. Còn Thành phố Hồ Chí Minh là 145 tấn đồng nhôm phế liệu, 55 tấn sắt phế liệu, 41 tấn nhựa phế liệu.  

 hoi thao
(Ảnh: Trần Hải)

Theo Đại tá, TS Nguyễn Xuân Lý, Cục trưởng C36, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu hàng hóa là phế liệu thường khai báo hàng hóa là phế liệu được phép nhập khẩu để làm nguyên liệu sản xuất, hoặc đã được làm sạch nhưng trên thực tế phần lớn là phế liệu có chứa tạp chất, chất thải nguy hại. Có những vụ hàng hóa ghi trên tờ khai là nhập quặng chì nhưng thực chất là nhập ắc quy chì phế thải; ghi nhập là hàng mới nhưng thực tế là vỏ chai nhựa đựng đồ uống tái sinh, túi nilon,…

Điển hình như các vụ của Công ty TNHH Vũ Hải (Quảng Ninh), nhập khẩu hơn 63.000 tấn bản cực ắc quy chì nhưng khai báo hải quan là quặng chì. Công ty TNHH một thành viên Mega Star và Công ty TNHH Vòng Tròn, nhập khẩu 86 container (tương đương 1.782 tấn) thép phế liệu dính dầu nhớt, tạp chất qua các cảng tại Tp Hồ Chí Minh.

Công ty cổ phần thép Đà Nẵng – Ý nhập khẩu hơn 7.000 tấn thép phế liệu không đảm bảo các quy định về BVMT. Công ty Cửu Long – Vinashin Hải Phòng núp danh nghĩa nhập khẩu máy móc, thiết bị phục vụ dự án xây dựng Nhà máy nhiệt điện Sông Hồng (Nam Định) đã nhập toàn thiết bị cũ nát, hỏng từ một nhà máy cũ có tuổi đời trên 40 năm của Hàn quốc, trong đó có 1 máy biến thế còn hơn 4000 lít dầu thải có chứa PCB – loại chất hữu cơ khó phân hủy có hàm lượng phóng xạ vượt mức cho phép, độc hại với người và môi trường…

Bên cạnh đó, việc xuất, nhập động vật hoang dã quí hiếm ngày càng diễn biến phức tạp. Điển hình như Công ty cổ phần TMXNK Móng Cái (Quảng Ninh) nhập khẩu hơn 2,8 tấn rắn, rùa các loại (trong vụ này, đối tượng đã xuất trình giấy chứng nhận của tổ chức Cites nhưng qua xác minh, cơ quan chức năng xác định trong số các loài được phép nhập khẩu theo giấy chứng nhận đó có 3 loài đặc biệt quý hiếm). Trong thời gian vừa qua, Phòng cảnh sát môi trường Hà Nội đã bắt giữ 3 vụ vận chuyển, mua bán trái phép động vật hoang dã, thu giữ 6 con hổ đông lạnh, 2 con còn sống và 2 bộ xương, khởi tố bắt giam 11 đối tượng…

Đại diện các phòng cảnh sát môi trường ở nhiều tỉnh đều cho rằng, hoạt động kiểm tra xử lý vi phạm pháp luật về xuất nhập khẩu còn một số bất cập, đặc biệt là hệ thống pháp luật chưa đầy đủ, nhiều văn bản còn chồng chéo, lực lượng CSMT có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính nhưng không có thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn vi phạm hành chính như khám xét hành chính, tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm. Mặt khác, chế tài xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này chưa đủ sức răn đe những tổ chức, cá nhân vi phạm (chủ yếu là buộc tái xuất hoặc tiêu hủy). Tại những vùng cửa khẩu biên giới, nhiều trường hợp các đối tượng vi phạm kiên quyết chống trả gây khó khăn cho lực lượng (như tại Lào Cai, Lạng Sơn,…).