Nước – câu chuyện hâm nóng toàn cầu

ThienNhien.Net – Sau một tuần lễ sôi nổi với sự kiện trao giải thưởng quốc tế về nước cùng các cuộc hội nghị, tọa đàm, triển lãm, Tuần lễ Nước Thế giới đã kết thúc ngày 22/08/2009 tại thủ đô Stockholm của Thụy Điển. Qua dịp này, cộng đồng có cơ hội nhìn nhận rõ hơn tầm quan trọng của nước dưới những lăng kính khác nhau.


Cần đưa “Nước” vào đàm phán khí hậu

Tuy hai vấn đề nước và biến đổi khí hậu quan hệ với nhau chặt chẽ, nhưng trong các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu (BĐKH) diễn ra dồn dập, vấn đề “nước” và “nguồn nước” luôn bị coi là thứ yếu. Ủy ban liên chính phủ của Liên Hiệp Quốc về BĐKH (IPCC) cũng đã nhận định, các chính sách về khí hậu hiện nay chưa giải quyết thỏa đáng các vấn đề liên quan đến nước.

Chính vì vậy, nhiều ý kiến chuyên gia trong Tuần lễ Nước cho rằng cần phải coi hội nghị COP-15 của Liên Hiệp Quốc tại Copenhagen tháng 12 năm nay là một thời cơ tốt để đưa vấn đề vào chương trình nghị sự về BĐKH. Nếu điều đó thất bại cũng đồng nghĩa Mục tiêu thiên niên kỷ về nước “Đến năm 2015, giảm một nửa tỷ lệ người không được tiếp cận thường xuyên với nước sạch và hợp vệ sinh.” sẽ khó lòng đạt được.

Liên quan đến BĐKH, sự thay đổi về lượng mưa là một trong những minh chứng đầu tiên và dễ nhận thấy. Lượng mưa thay đổi thất thường đã làm tăng lũ lụt và hạn hán, đe dọa ngành nông nghiệp và gây khó khăn cho công tác quy hoạch về nước. Trong những năm 1990, lũ lụt và hạn hán chiếm 86% thảm họa thiên nhiên, ảnh hưởng đến cuộc sống của gần hai tỉ người. Đối với một số nước, đó là thảm họa quốc gia.

Trong điều kiện thiên tai, nhiệt độ và ô nhiễm đều gia tăng, nước trở thành môi trường phát tán bệnh dịch nhanh chóng, đặc biệt ở các nước kém phát triển bởi các quốc gia này điều kiện vệ sinh và dịch vụ y tế thấp kém, ít có khả năng đối phó và phòng chống. Thực tế đã cho thấy người nghèo luôn là nạn nhân chịu thiệt nhất khi dịch bệnh bùng phát.

BĐKH cũng làm tan chảy băng tuyết trên các đỉnh núi và thung lũng – vốn là thượng nguồn của các dòng sông lớn trên thế giới. Lượng nước từ băng tan gây ngập lụt ở các vùng ven biển, song lại giảm đáng kể nước cấp cho vùng hạ lưu sông, đặc biệt vào mùa khô. Gần 1,4 tỉ người trên thế giới đang sống phụ thuộc vào nguồn nước từ các con sông đang ngày càng cạn kiệt này.

Bên cạnh nước mặt, nước ngầm cũng đang ô nhiễm và bị khai thác nhanh gấp nhiều lần so với tốc độ tuần hoàn của nước trong tự nhiên. Liên Hiệp Quốc ước tính đến 2050, dân số thế giới sẽ tăng thêm 3 tỉ người với 90% tập trung tại các nước đang phát triển – nơi đang chịu nhiều áp lực và căng thẳng về nước.

Nỗi lo của các chính trị gia

Khi tài nguyên nước trở nên khan hiếm hơn, các cuộc tranh chấp, cạnh tranh về nguồn nước giữa các quốc gia càng trở nên gay gắt. Bài học rút ra từ xung đột giữa Israel và Palestin và muân thuẫn giữa các quốc gia láng giềng có chung nguồn nước ở nhiều nơi trên thế giới cho thấy hợp tác quản lý lưu vực mang tầm quốc tế là vô cùng cần thiết. Đây là nhân tố quan trọng để đảm bảo hòa bình cho khu vực, phát triển kinh tế xã hội và ổn định cuộc sống cho người dân.

Chủ đề này được quan tâm nhiều tại Tuần lễ nước, với 25 sự kiện bên lề liên quan đến thúc đẩy hợp tác quốc tế và hợp tác khu vực để giải quyết các vấn đề về nước xuyên biên giới. Nó cũng liên quan đến chiến dịch do LHQ phát động, lấy 2009 là năm quốc tế về nước với thông điệp “Chia sẻ nguồn nước, chia sẻ cơ hội”.

Hiện nay, các hồ lớn và lưu vực sông xuyên quốc gia là nguồn sống của hơn 40% dân số thế giới, chiếm 60% lưu lượng nước sạch toàn cầu. 96% lượng nước sạch tiềm tàng nằm trong các tầng nước ngầm mà đa số nằm trên lãnh thổ của một vài nước. Gần 60% sản lượng lương thực thế giới cũng được làm ra từ các lưu vực sông thuộc lãnh thổ hai hay nhiều quốc gia.

Trên thế giới có 145 nước có liên quan đến các dòng sông quốc tế, trong đó 30 quốc gia nằm trọn trong các lưu vực sông này. Đa số các dòng sông chảy qua hoặc là ranh giới giữa hai quốc gia liền kê. Tuy nhiên, có một số dòng sông mang tính “đa quốc gia”, chẳng hạn như các con sông Congo, Niger, Nile, Rhine and Zambezi ở châu Phi chảy qua từ 9 đến 11 nước. Cá biệt là dòng Danube, chảy qua lãnh thổ của 18 nước châu Âu.

Mặc dù vấn đề hợp tác được đề cao như vậy, song thực tế không dễ dàng đạt được bởi thiếu vắng những nghiên cứu cơ bản về toàn bộ hệ thủy văn và sinh thái lưu vực, nhưng hơn hết bởi thiếu sự thiện chí của các nước có liên quan.

Tổ chức Lương nông thế giới (FAO) cho biết kể từ đầu thế kỷ IX đến cuối thế kỷ XX, thế giới đã ghi nhận trên 3.600 thỏa thuận giữa các quốc gia về vấn đề quản lý và khai thác dòng chảy chung, phần lớn tập trung vào lĩnh vực hàng hải. Riêng trong thế kỷ XX, khoảng 300 thỏa ước đã được ký kết. Mặc dầu vậy, ở thời điểm hiện tại, không hề có một công ước quốc tế nào quy định về các dòng chảy xuyên biên giới được áp dụng.

Năm 1997, LHQ đề xuất một công ước quốc tế về sử dụng nguồn nước xuyên biên giới vào mục đích phi hàng hải. Bản công ước hình thành sau 27 năm kéo dài nghiên cứu chỉnh sửa, đề ra các điều khoản ràng buộc trách nhiệm chính phủ các nước trong việc quản lý các dòng sông quốc tế. Tuy nhiên, đến năm 2007, tức sau 10 năm LHQ đề xuất, chỉ có 16 nước thông qua. Với số lượng quá ít ỏi thành viên như vậy, công ước đã không thể có hiệu lực vì không đạt được số thành viên tối thiểu (theo quy định là 35).

Cách hành xử quốc tế hiện nay trong vấn đề quản lý lưu vực quốc tế vẫn chung chung là cho phép các quốc gia khai thác dòng chảy trên lãnh thổ nước mình một cách hợp lý và không làm tổn hại lớn đến các nước khác trong lưu vực (UN-Water, 2009)

Thỏa ước quốc tế về nước đầu tiên xuất hiện cách nay 4.500 năm. Đó là một thỏa ước nhằm kết thúc cuộc chiến giữa hai thành phố cổ đại Lagash và Umma về dòng sông chung Tigris. 

Một vấn đề chính trị khác liên quan đến nước là tị nạn môi trường. Maldives là minh chứng rõ nhất về một bộ phận dân cư đang đứng trước nguy cơ phải ly hương do nước biển dâng. Quốc gia có dân số 300.000 người sống rải rác trên 1.200 đảo chỉ cao hơn mực nước biển 1,5 m này đang phải tìm kiếm miền đất mới cho những công dân của họ. Và không chỉ ở Maldives, theo như dự báo của IPCC, trong 30-50 năm tới thế giới sẽ còn chứng kiến các cuộc di dân lớn khác, bởi hơn 70% dân số thế giới hiện sinh sống ở các châu thổ gần biển, 11 trong số 15 thành phố lớn nhất thế giới cũng nằm ven biển hoặc vùng cửa sông – những khu vực dễ bị xâm hại bởi nước biển dâng.

Khi tài nguyên đất và nước ngày càng cạn kiệt, vấn đề an ninh về nguồn nước, lương thực và năng lượng càng được coi trọng trong chiến lược các quốc gia. Các liên minh, chính phủ và một số tập đoàn tư nhân của các nước giàu đã nhanh tay mua lại đất nông nghiệp giá rẻ tại các nước đang phát triển, phần lớn để đáp ứng nhu cầu phát triển năng lượng sinh học. Điều này cũng có nghĩa nếu không tỉnh táo, các quốc gia đang phát triển sẽ tự đánh mất quyền kiểm soát nguồn tài nguyên đất và nước của chính mình.

Một vấn đề khác là đập thủy điện. Đây cũng là một vấn đề nan giải đối với các nhà quy hoạch năng lượng và môi trường. Các dự án đập thủy điện đều đáng bị chỉ trích do các tác hại của nó đến môi trường, xã hội nhưng năng lượng thủy điện lại vô cùng cần thiết. Điều khó khăn đối với nhà hoạch định là giải quyết mâu thuẫn giữa nhu cầu hiện tại và tác hại trong tương lai mà các công trình đập thủy điện “hứa hẹn”.

Nước và vấn đề quyền con người

Con người, bất kể quốc tịch, tuổi tác, giới tính, nghề nghiệp, v.v đều cần nước để đảm bảo cuộc sống và sức khỏe. Vì vậy, nước liên quan mật thiết đến vấn đề quyền con người. Liệu có cách nào để lấy lại sự công bằng giữa quyền của những con người đang cần nước để phục vụ nhu cầu căn bản cho cuộc sống của họ với sự sử dụng lãng phí, coi nhẹ giá trị nước ở những nơi khác không? Có người cho rằng công cụ tài chính là lời giải đáp. Việc thu mức phí phản ánh được sự khan hiếm nước sẽ thúc đẩy hiệu quả  sử dụng nước về lâu dài.

“Nước ảo” cũng là tài nguyên nước

Mỗi sản phẩm tiêu dùng đều in hằn “dấu chân về nước”, hay nói một cách khác để có được sản phẩm đó, một lượng nước khổng lồ đã bị mất đi. Các chuyên gia sử dụng thuật ngữ “nước ảo” để nói về thứ nước này. Chẳng hạn, lượng nước ảo cho một tách cà phê chúng ta uống hàng này là 140 lít, cho một chiếc quần jean ta mặc là khoảng 10.000 lít.

Theo đánh giá của các chuyên gia, nông nghiệp là ngành tiêu thụ nước nhiều nhất nhưng cũng gây lãng phí nhất. Tại các nước nghèo, lương thực bị mất đi 15-35% trong quá trình canh tác và thu hoạch, 10-15% trong quá trình chế biến, vận chuyển và lưu trữ. Ở các nước giàu, sự thất thoát này được hạn chế, nhưng đổi lại, là một sự thất thoát khác (thậm chí có thể lớn hơn) – đó là sự lãng phí trong tiêu dùng lương thực thực phẩm. Bỏ phí đồ ăn thức uống cũng đồng nghĩa với hoang phí tài nguyên nước. Tỉ lệ lãng phí này ở Mỹ là 30%, ước tính trị giá 48,3 tỉ USD. Điều đó cũng có nghĩa khoảng 40 nghìn tỉ lít nước bị phung phí.

Việc ngăn chặn sự lãng phí này và cải thiện hiệu quả sử dụng nước sẽ mang lại lợi ích cho cả người nông dân, các doanh nghiệp, hệ sinh thái cũng như góp phần giải quyết nạn đói trên toàn cầu.

Nước sạch và vệ sinh vì sức khỏe cộng đồng

Liên quan đến nước sạch và vệ sinh môi trường, có hai vấn đề được cảnh báo rằng thế giới cần chú ý và đầu tư nhiều hơn trong thời gian tới, đó là giải quyết hậu thiên tai và cải thiện điều kiện nước, vệ sinh ở trường học.

Ở nhiều quốc gia, điều kiện vệ sinh trong các trường học hết sức nghèo nàn. Khi nguồn nước, cơ sở hạ tầng về vệ sinh không đảm bảo, trường học là nơi thiếu an toàn, dễ truyền nhiễm bệnh tật nhất đối với trẻ em và cả cộng đồng.

Đầu tư cho vệ sinh trường học không chỉ vì một môi trường an toàn hơn mà là đầu tư cho tương lai, bởi vì dạy dỗ một lớp trẻ cũng chính là sự nâng cao nhận thức cho cả một thế hệ, một cộng đồng. Tiến sĩ Pathak, người khởi xướng phong trào vệ sinh Sulabh (1970), cũng là người đoạt giải thưởng quốc tế về nước 2009 đã nhắc nhở cả thế giới rằng bên cạnh các yếu tố như chính sách, kế hoạch, công nghệ mang tầm vĩ mô, các yếu tố mang tính chất xã hội như tập quán, văn hóa, nếp sống cũng rất quan trọng và có ảnh hưởng lớn đến mảng nội dung về nước sạch và sức khỏe cộng đồng.

 Đồng tiền thông minh

Tính trung bình trên thế giới cứ 3 người không được tiếp cận với nước sạch, thì trong đó có hai người thu nhập dưới 2 USD/ngày, một người chưa đến 1 USD/ngày. Điều này có nghĩa việc tự họ trích thu nhập để đầu tư cải tạo điều kiện vệ sinh và nước sạch cho chính gia đình mình là không tưởng.

Các nghiên cứu cho thấy mỗi đồng đô la đầu tư vào vệ sinh cơ bản của người nghèo sẽ tiết kiệm 34 đô la mà xã hội phải đầu tư cho chăm sóc sức khỏe, giáo dục, phát triển kinh tế và xã hội (UNICEF 2005). Với cách tính toán này, cùng sự hỗ trợ của công nghệ và phương pháp tiếp cận hợp lý, một khoản đầu tư hàng năm khoảng10 tỉ USD để cải thiện điền kiện vệ sinh sẽ giúp thế giới đạt được Mục tiêu thiên niên kỷ thứ 7.


Nguồn: “The World Water Week Press Kit” – Viện Tài nguyên nước Quốc tế Stockholm