Hội chứng “rỗng ruột” rừng nhiệt đới

ThienNhien.Net – Đây là hiện tượng phổ biến tại nhiều khu bảo tồn rừng nhiệt đới ở Amazon, Congo, Đông Nam Á và châu Đại Dương, mà theo nhà sinh thái học Rhett D. Harrison, trong đó có sự góp phần không nhỏ của nạn săn bắn động vật hoang dã. Trong một bài viết đăng trên tạp chí chuyên ngành Bioscience, tác giả đã phân tích động cơ của nạn săn bắn và đưa ra một số kiến nghị.

Rhett Harrison cho rằng, tuy không dễ dàng chấp nhận nhưng chúng ta vẫn phải thừa nhận thực tế rằng những nỗ lực bảo tồn rừng nhiệt đới hiện đang bộc lộ rõ sự thất bại.

18% các khu rừng nhiệt đới trên thế giới đang được bảo vệ. Nhìn vào con số này, thoạt tiên người ta sẽ lầm tưởng hoạt động bảo tồn đang thành công. Song, nếu nhìn vào mức độ hoành hành của nạn săn bắn và săn trộm thời gian gần đây thì mọi sự đánh giá đều phải xem lại.

Nạn săn bắn xảy ra nghiêm trọng nhất hiện tập trung ở vùng Đông Nam Á, châu Phi, và đang gia tăng tại vùng rừng Amazon. Các khu bảo tồn nhỏ có quy mô dưới 10.000ha và những khu bảo tồn không có các loài thú lớn là những nơi đặc biệt dễ bị nạn săn trộm tấn công bởi chúng thường không nhận được sự quan tâm đúng mức cả từ phía các nhà làm chính sách lẫn các nhà bảo tồn. Thế nhưng, theo đánh giá của Rhett Harrison, đây đích thực là một phần quan trọng trong hệ thống bảo tồn ở các vùng nhiệt đới và khó có thể thay thế được.

“Chiến lợi phẩm” của một cuộc đi săn tại quốc gia Nam Mỹ Suriname (Ảnh: Rhett A. Butler/Mongabay.com)

Không dừng lại ở việc săn bắn chim, các loài thú vừa và nhỏ, những tay thợ săn ngày nay vẫn tiếp tục ráo riết săn tìm những cá thể thú lớn còn lại nhằm phục vụ nhu cầu tiêu thụ khổng lồ tại thị trường châu Á đối với những sản phẩm dẫn xuất từ các loài này như ngà voi, cao hổ cốt, sừng tê… Động cơ ấy đã trực tiếp đẩy nhiều loài đến bờ vực tuyệt chủng.

Trong rất nhiều mục đích của người đi săn được liệt kê như để lấy thực phẩm, để làm thuốc chữa bệnh, để giải trí, để trao đổi hàng hóa, bán lấy tiền… hay chỉ vì truyền thống, tập tục của địa phương, tác giả lập luận rằng, nghèo đói mới đích thị là động cơ quan trọng dẫn đến việc hình thành nạn săn bắn ở nhiều nơi trên thế giới.

Do nghèo đói, không có nguồn protein từ vật nuôi trong gia đình, các cộng đồng dân cư tại nhiều ngôi làng ở Madagascar đã buộc phải vào rừng tìm kiếm nguồn protein sẵn có từ thịt thú rừng. Cũng vì nghèo đói, người bản địa Ecuador đã chuyển từ săn bắn bền vững phục vụ hoạt động buôn bán thịt thú rừng quy mô nhỏ sang quy mô lớn hơn là cung cấp thịt cho chuỗi cửa hàng dọc các tuyến đường cao tốc chính tại Amazon. Còn ở Đông Nam Á, nghèo đói cộng với quan niệm sai lầm cho rằng một số loài, điển hình là tê giác, có thể dùng làm thuốc chữa bệnh rất công hiệu cũng đã khiến nhiều khu rừng trở nên nghèo kiệt.

Đáng chú ý, có nhiều cộng đồng địa phương một mực coi rừng là tài sản thừa kế của họ, phải để cho họ mặc sức săn bắn, thậm chí còn săn cả những loài có nguy cơ tuyệt chủng cao.

Cần thay đổi tư duy bảo tồn

Để cứu rừng khỏi nạn săn bắn tràn lan, Rhett Harrison đề xuất một loạt giải pháp, mà trước hết, với các nhà bảo tồn và các nhà quản lý, ông cho rằng cần dừng ngay việc nhìn nhận thành quả bảo tồn chỉ dựa vào tổng diện tích rừng được bảo vệ. Thay vào đó, thành công cần được đo đếm bằng hiệu quả thực thi tại các khu bảo tồn, số quần thể động vật hoang dã còn nguyên vẹn cùng những thay đổi trong mức độ đa dạng của những loài dễ trở thành mục tiêu của các cuộc săn bắn.

Ông cũng cho rằng nên tìm ra nhiều giải pháp sáng tạo, đem lại hiệu quả cao hơn, như ở Ghana, sau một thời gian áp dụng khung hình phạt nặng đối với hoạt động buôn bán thịt thú rừng trong các khu chợ đô thị, tình trạng săn bắn đã giảm đi đáng kể, hay có thể nghĩ đến việc hợp tác với các công ty khai thác gỗ và công ty năng lượng để thắt chặt hơn việc thực thi những quy định về săn bắn…

Riêng với những nước nghèo, chính phủ cần coi bảo tồn các loài động vật hoang dã là trọng tâm trong quy hoạch phát triển kinh tế. Nhiều quốc gia nhiệt đới đã thu được nguồn lợi lớn từ du lịch sinh thái, song chính phủ còn ít để ý tới vai trò thiết yếu của các khu dự trữ sinh quyển, khu bảo tồn thiên nhiên đối với ngành du lịch nói riêng và nền kinh tế đất nước nói chung.