Đồi mồi trước nguy cơ tuyệt chủng

ThienNhien.Net – Theo công ước CITES(*), việc buôn bán rùa biển và các sản phẩm làm từ rùa biển đều là trái phép. Tuy nhiên hiện nay, các sản phẩm này lại đang được sử dụng và bày bán công khai để làm đồ lưu niệm tại nhiều quốc gia.


Theo báo cáo mới ra hồi đầu tháng 8 của Mạng lưới giám sát hoạt động buôn bán động thực vật hoang dã (TRAFFIC), các đồ dùng, đồ lưu niệm làm từ mai của đồi mồi đã và đang được bày bán tại rất nhiều nơi trên thế giới, tại Papua New Guinea, tại thành phố cảng Moresby và các cửa hàng miễn thuế tại sân bay.

Việc bày bán các đồ dùng làm từ mai rùa, hay các đồ trang trí làm từ mai đồi mồi đã không còn quá xa lạ tại các chợ ở Papua New Guinea. Nhiều khách du lịch thường rất ưa chuộng những món đồ này và thường tìm mua về để làm quà lưu niệm. Khảo sát chợ ở đây đã phát hiện tới 1441 sản phẩm làm từ mai rùa biển, trong đó 99% là làm từ mai đồi mồi, và chủ yếu là được dùng làm đồ trang sức.

Những mai rùa biển và mai đồi mồi làm đồ trang trí đã được sử dụng từ rất lâu đời. Ở đảo Trobriand, vịnh Milne, các thiếu nữ thường đeo những khuyên tai được làm bằng mai rùa biển cho tới lúc trưởng thành. Còn tại Papua New Guinea, những người dân ở đây đã dùng mai rùa biển làm đồ trang trí, trang sức và lưu niệm để bán cho khách du lịch, đồng thời chúng cũng đã trở thành một mặt hàng buôn bán quan trọng giữa người dân bản địa với những nhà buôn ở châu Âu.

Việc săn bắt đồi mồi để phục vụ cho nhu cầu của khách du lịch đã dẫn đến việc loài này đang phải đối mặt với nguy cơ bị tuyệt chủng. Trong vòng 10 năm, từ năm 1970 tới năm 1980, số lượng đồi mồi chỉ còn khoảng 5% trong tổng số lượng rùa biển bị bắt. Tuy nhiên, một thực tế rõ ràng rằng, lượng tiêu thụ các sản phẩm từ đồi mồi hoàn toàn không giảm. Các khách du lịch vẫn muốn mua cho mình một đồ trang sức hoặc sản phầm được làm từ mai rùa để làm đồ lưu niệm. Không chỉ có thế, việc tiêu thụ trứng rùa và thịt rùa cũng đang dần góp phần đẩy loài rùa biển này tới tuyệt chủng. Chính vì vậy, trong vòng một thập kỉ qua, số lượng đồi mồi đã giảm đi khoảng 80%.


* CITES: Công ước về buôn bán quốc tế các loài động thực vật có nguy cơ bị tuyệt chủng, có hiệu lực từ năm 1975.