Ngăn dòng thất thoát lao động nông nghiệp

ThienNhien.Net – Giáo sư David Dapice là một trong những học giả nước ngoài hàng đầu nghiên cứu về chính sách kinh tế Việt Nam. Bàn về “Vai trò của nông nghiệp trong khủng hoảng và tái cơ cấu nền kinh tế” tại hội thảo do Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT tổ chức tại Hà Nội ngày 11/08/09, ông đã có bài tham luận về xu hướng thay đổi lực lượng lao động trong ngành nông nghiệp Việt Nam. ThienNhien.Net xin lược trích giới thiệu cùng bạn đọc.

Lực lượng lao động nông nghiệp trong đà suy giảm

Việt Nam, cũng như nhiều nước đang phát triển khác, có tỉ lệ lao động trong ngành nông nghiệp cao hơn so với đóng góp của ngành trong GDP. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, năm 2004, lao động nông nghiệp chiếm 58,8% lực lượng lao động trong khi ngành chỉ đóng góp 20% vào GDP.

Trong giai đoạn 1990 – 2004, cả hai tỉ lệ này đều có xu hướng giảm đối với Việt Nam và ở các nước Đông Nam Á khác, tuy nhiên, ở nước ta tỉ lệ đóng góp của nông nghiệp vào GDP suy giảm nhanh hơn mức giảm lao động trong ngành, có nghĩa mức sản phẩm nông nghiệp đầu ra trên bình quân đầu người bị hạ thấp. Sự thay đổi về cơ cấu này bị đánh giá là bất lợi và có thể phản ánh những vấn đề nghiêm trọng về thay đổi lao động.

Đứng trước vấn đề này, nhìn chung có hai hướng giải quyết đối với các quốc gia. Hướng thứ nhất là nhà nước trợ giá cho sản phẩm nông nghiệp hoặc thúc đẩy việc chuyển hướng sang những vụ mùa có giá trị gia tăng cao hơn. Điều này sẽ níu chân người lao động ở lại ngành bởi họ có thêm thu nhập trên một diện tích đất đai như cũ. Một số quốc gia như Nhật, Hàn Quốc và Đài Loan đã áp dụng biện pháp này, tuy nhiên, đều là những nước tăng trưởng nhanh và đủ lâu, có tỉ lệ lao động trong nông nghiệp thấp (dưới 10%).

Hướng thứ hai là chủ động giảm tỉ lệ lao động nông nghiệp, gần giống với mô hình diễn ra đối với Trung Quốc và Malaysia. Khó khăn của biện pháp này là phải tạo được một lượng lớn công ăn việc làm phi nông nghiệp và đòi hỏi đầu tư lớn để nâng cấp cơ sở hạ tầng khu vực thành thị, khi đón nhận thêm lượng lớn lao động từ nông thôn.

Ở các nền kinh tế tăng trưởng, tỉ lệ lao động nông nghiệp tự thân sẽ giảm xuống. Đối với Việt Nam, tỉ lệ lao động nông nghiệp (bao gồm cả lâm ngư nghiệp) trong giai đoạn 2002-2007 đã giảm từ 62% xuống còn 54%. Nếu tốc độ này được duy trì thì trong vòng 20 năm tới, tỉ lệ lao động nông nghiệp trong nền kinh tế sẽ chỉ còn khoảng 20-25% (bằng Malaysia năm 1990) và mức đóng góp của nông nghiệp đối với GDP cũng giảm xuống 10-15%. Đồng thời với sự giảm về số lượng, độ tuổi của lực lượng lao động nông nghiệp cũng đang già đi, vì lớp trẻ có xu hướng thoát ly nông nghiệp và nông thôn.

Tuy nhiên, sẽ không có hiện tượng sụt giảm lao động nông nghiệp quá mức gây đe dọa sự tồn tại của khu vực nông thôn.

Nên duy trì lao động nông nghiệp bằng cách nào?

Giáo sư Dapice cho rằng chỉ có một con đường song phải tiến hành đồng thời các biện pháp, đó là nâng cao thu nhập cho ngành nông nghiệp, cải thiện việc cung cấp dịch vụ, cơ sở hạ tầng giao thông và thông tin liên lạc cho khu vực nông thôn được tốt hơn. Qua đó, giữ lại những lao động trẻ có trình độ, nâng cao năng suất cho ngành.

Để xây dựng kế hoạch phát triển mang tính thực tiễn, ngành nông nghiệp cần tiến hành các một chuỗi các bước cần thiết, trong đó bao gồm các công việc sau:

  1. Lập kế hoạch về cơ sở hạ tầng, các dịch vụ cơ bản như y tế, giáo dục cho khu vực nông thôn
  2. Xây dựng kế hoạch phát triển lực lượng lao động 5 năm cho ngành và cả lĩnh vực phi nông nghiệp
  3. Xây dựng danh sách các biện pháp mà Bộ có thể can thiệp để đẩy nhanh tốc độ củng cố nông nghiệp trong vấn đề duy trì lực lượng lao động trước nguy cơ bị thất thoát lớn và hỗ trợ nâng cao thu nhập cho những nơi mà quy mô nông nghiệp nhỏ và ít lao động.
  4. Phối hợp với các ngành khác trong quá trình xét duyệt các khoản đầu tư lớn phi nông nghiệp.
  5. Phát triển chính sách ưu đãi riêng cho người dân tộc thiểu số, lao động nông nghiệp cao tuổi và những người có định hướng gắn bó với nông thôn.


* Giáo sư David Dapice là nhà Kinh tế học cấp cao thuộc Chương trình Việt Nam của Trung tâm Doanh nghiệp và Chính phủ (Trường Quản lý Nhà nước John F. Kennedy, Đại học Harvard).