Cuộc tranh giành mới ở châu Phi

ThienNhien.Net – Châu Phi, mảnh đất giàu tài nguyên thiên nhiên, một lần nữa trở thành trung tâm tranh chấp của các quốc gia lớn. Mỹ và Trung Quốc nổi lên như hai đối thủ đáng gờm, đấu chọi quyết liệt.


Mỹ khẳng định vị thế nhờ quân sự

Trường Quân sự Quốc phòng Nigeria ở Karu, gần thủ đô Abuja, vừa tổ chức lễ tốt nghiệp cho 30 sĩ quan quân sự hoàn thành khóa đào tạo phản ứng “các biến động về an ninh” đối với quốc gia và toàn khu vực đến từ 7 quốc gia châu Phi . Nhìn bề ngoài, khóa học sĩ quan cơ bản này được tổ chức bởi Bộ Quốc phòng Nigeria nhưng trên thực tế nó được thiết kế bởi Bộ tư lệnh quân sự Hoa Kỳ khu vực châu Phi (AFRICOM).

AFRICOM được xây dựng chưa đầy 2 năm nhưng nhiệm vụ không thua kém gì các bộ tư lệnh khác của Mỹ, vừa lên kế hoạch, vừa hướng dẫn và điều hành hoạt động quân sự Mỹ trong phạm vi xác định. Đơn vị không lực 17 của Mỹ, có trụ sở tại Sembach, miền Đông Đức, cũng đã được chuyển cho AFRICOM và đổi tên thành Không lực châu Phi.

Hơn thế, AFRICOM còn xâm nhập sâu vào châu Phi thông qua các chiến dịch cứu trợ và cung cấp dịch vụ y tế. Mới đây, đơn vị đã khai trương một trong 12 trung tâm tư vấn và xét nghiêm HIV/AIDS tại trung tâm mỏ Botswana, Francistown. Các trung tâm này sẽ cấp thuốc cho hơn 16.000 người bệnh và hỗ trợ hơn 300 triệu USD cho cuộc chiến chống HIV/AIDS tại Botswana.

Đặt trụ sở tại Stuttgart, Đức nhưng AFRICOM đã khẳng định vị thế của mình ở châu Phi, thể hiện quyết tâm của Mỹ trong cuộc tranh giành trước đối thủ Trung Quốc và đối phó với sự đe dọa từ phía các phong trào đạo Hồi Al- Qaeda, hướng đến nguồn lợi ích về dầu và khí đang ngày càng gia tăng ở Tây Phi.

Chuyến thăm của tổng thống Mỹ Obama tới Ghana trong tháng 7 cho thấy việc tiến vào châu Phi lần này của Mỹ là sự thức tỉnh sau một giấc ngủ sâu và dài, và rằng Mỹ sẽ trở lại với một cuộc chơi lớn.

Trung Quốc lựa chọn con đường kinh tế

Trong khi Mỹ chọn lựa con đường quân sự vào châu Phi thì Trung Quốc sử dụng kinh tế như một công cụ mũi nhọn với phương châm đầu tư mạnh mẽ và chiếm lĩnh các thị trường.

Tuần trước, hai công ty dầu mỏ Trung Quốc đã đầu tư 1,3 tỷ USD để phát triển Block 32 giàu có cách bờ biển Angola 90 dặm. Trung Quốc nhập nhiều dầu từ Angola hơn là từ Saudi Arabia.

Cùng lúc đó, Bắc Kinh tuyên bố đầu tư 1,2 tỉ USD để phát triển nông nghiệp Angola trong 4 năm tiếp theo. Đó là khâu cuối cùng trong cam kết viện trợ và cho Angola vay lãi suất thấp của Trung Quốc. Các công ty Trung Quốc đã xây đường, cầu, trường học, bệnh viện và cơ sở hạ tầng viễn thông cũng như xây dựng lại tuyến đường sắt vận chuyển dài 835 dặm ở châu Phi.

Trung Quốc cũng đã khôi phục lại toàn bộ mạng lưới đường ray quốc gia ở Gabon. Giáo sư William Lyakurwa, giám đốc điều hành của tập đoàn nghiên cứu kinh tế châu Phi có trụ sở tại Nairobi nhận xét “Động cơ của Bắc Kinh là quá rõ ràng”.

Trung Quốc là ngôi nhà của hơn 20% dân số thế giới. Do vậy, nền công nghiệp tăng trưởng mạnh của Trung Quốc cần được bổ sung nguồn năng lượng và các nhà xuất khẩu Trung Quốc cần mở rộng thị trường.

Về mặt quân sự, Trung Quốc xem châu Phi là trung tâm hợp tác, đồng thời là thị trường cho ngành công nghiệp quân sự trong nước đang ngày càng phát triển.

Trước đối sách của Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Obama chỉ rõ rằng nếu Mỹ muốn đánh bại Trung Quốc, thì Mỹ cần cam kết nhiều hơn nữa đối với các chương trình hợp tác hỗ trợ, như đề án ống dẫn khí Tây Phi dài 421 dặm, mà theo dự kiến là sẽ bắt đầu chuyển dầu từ đồng bằng sông Niger của Nigeria tới Benin, Togo và Ghana đầu năm tới .

Dự án này được Chevron Oil của Mỹ tài trợ 40% và là hệ thống dẫn khí ga tự nhiên đầu tiên của khu vực châu Phi, cận hoang mạc Sahara. Các quốc gia Tây Phi hiện cung cấp dầu cho Mỹ tương đương với Ả rập Saudi, ước tính sẽ ngày càng gia tăng, chiếm khoảng 25% lượng dầu nhập khẩu của Mỹ vào năm 2015.

Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) mới đây đã thông qua khoản cho vay 603 triệu USD giúp các quốc gia Tây Phi giải quyết chênh lệch ngân quỹ. Đây là gói tài chính lớn nhất cho khu vực châu Phi của IMF kể từ khi xuất hiện cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.