Tiêu dùng quá mức là dấu chân sinh thái tội lỗi

ThienNhien.Net – Không phải gia tăng dân số, mà chính tiêu dùng quá mức mới là vấn đề chính đe dọa môi trường hiện nay. Thiểu số người giàu trên thế giới đang sử dụng hầu hết nguồn tài nguyên thiên nhiên của trái đất và là chủ thể tạo ra khối lượng lớn hiệu ứng nhà kính.

Nhiều nhà môi trường học cho rằng đó là một đề tài cấm kỵ. Gia tăng dân số mới chính là áp lực phía sau những nỗ lực cứu hành tinh, song chúng ta lại e ngại bàn về nó. Nhiều người hơn tất yếu phải có hại cho môi trường bởi lẽ nhiều nguồn tài nguyên sẽ bị sử dụng hơn và hậu quả là ô nhiễm môi trường trở nên trầm trọng hơn. Liệu sự thật có phải vậy không? Và liệu việc “những người tiêu xài quá trớn” ở các nước giàu quy thảm họa của hành tinh là do lỗi của “người chăn thả quá mức” ở những miền đất xa xôi liệu có thể chấp nhận được không?

Quả tình dân số thế giới đã tăng rất nhanh, gấp 4 lần, đạt tới 6 tỉ dân trong thế kỉ 20. Con số này vẫn đang tăng và có thể đạt mức 9 tỉ trước năm 2050. Nhưng hãy nhìn vào thu nhập của thế giới trong một thế kỉ qua, tăng thu nhập bình quân đầu người đã vượt quá mức tăng dân số tới vài lần. Và dù thu nhập không đồng nghĩa hoàn toàn với mức tăng sử dụng tài nguyên và mức độ ô nhiễm, song mối quan hệ giữa chúng vẫn khá chặt chẽ.

Hơn nữa, hiện tượng tiêu dùng quá mức chủ yếu xảy ra ở các nước giàu vốn từ lâu đã có tỉ lệ gia tăng dân số thấp. Như vậy, có một điều dễ nhận thấy là một số ít người trên thế giới chiếm phần lớn nguồn tài nguyên và là tác nhân chính gây ô nhiễm. Nửa tỉ người giàu nhất thế giới phải chịu trách nhiệm về 50% tổng lượng khí thải CO2.

Lượng khí thải CO2 chính là thước đo tác động của con người lên khí hậu, đồng thời là bằng chứng cho mức tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch. Stephen Pacala, chủ tịch Viện Môi trường Princeton tính toán rằng nửa tỉ người giàu nhất thế giới, tương đương khoảng 7% dân số thế giới, đã gây ra 50% lượng khí thải CO2. Trong khi đó, 50% người nghèo nhất chỉ tạo ra vẻn vẹn 7%.

Mặc dù tiêu dùng quá mức ảnh hưởng sâu sắc tới hiệu ứng nhà kính, song tác động của mức sống cao không chỉ là làm tăng nhiệt độ trái đất. Để nhìn bao quát hơn về tác động của loài người lên hệ thống hỗ trợ cuộc sống trên hành tinh, thước đo chính xác nhất có lẽ phải là “dấu chân sinh thái” – một phương tiện cho phép ước lượng diện tích đất cần thiết đủ mang đến cho mỗi người lương thực, quần áo và các tài nguyên khác, cũng như hạn chế ô nhiễm. Phân tích này gặp vấn đề phương pháp luận, song việc so sánh nó giữa các quốc gia với nhau cũng khá hữu ích.

Các so sánh chỉ ra rằng để duy trì lối sống, trung bình người Mỹ cần 9,5 ha, trong khi người Úc và Canada chỉ cần 7,8 và 7,1 ha; Britons 5,3; Đức 4,2; và Nhật 4,9. Diện tích đất bình quân mỗi người trên thế giới là 2,7 ha. Trung Quốc còn thấp hơn, với chỉ 2,1 ha; con số này ở Ấn Độ và hầu hết các quốc gia Châu Phi, nơi chiếm đa số mức tăng dân số trong tương lai thấp hơn hoặc bằng 1.

Hoa Kì là nhà tiêu dùng lớn nhất thế giới với phần lớn mặt hàng chủ chốt như ngũ cốc, cà phê, đồng, chì, kẽm, nhôm, cao su, hạt dầu, dầu và khí tự nhiên. So với các nước khác, Hoa Kì luôn đứng đầu về lượng tiêu thụ bình quân đầu người. Ở mảnh đất “quá cỡ” này, trung bình mỗi người Mỹ tiêu thụ hơn 120 kg thịt mỗi năm, trong khi ở Ấn Độ con số này chỉ là 6kg.

Không phủ nhận rằng dân số tăng nhanh có thể gây những khủng hoảng môi trường trầm trọng ở cấp khu vực do chăn thả quá mức, canh tác, đánh bắt cá bừa bãi và phá rừng, song lập luận ở đây cần được nhìn nhận trên phạm vi toàn cầu. Chính tình trạng tiêu dùng quá mức kéo dài trong ít nhất một thế kỉ qua đã tác động lên hệ thống hỗ trợ cuộc sống quan trọng của hành tinh này.

Vậy đâu là tương lai?

Chúng ta không thể biết chắc suy thoái kinh tế toàn cầu sẽ diễn ra như thế nào. Nhưng giả sử Jeffrey Sachs trong cuốn “Sự thịnh vượng chung” (Common Wealth) đã đúng khi phỏng đoán rằng tính đến trước năm 2005, sản lượng kinh tế toàn cầu sẽ tăng 600%, trong khi dân số được dự đoán sẽ không tăng quá ngưỡng 40% so với hiện tại, thì sẽ thấy sự đóng góp của dân số đối với mức tăng trưởng của hoạt động kinh tế trong tương lai là không hề lớn.

Dĩ nhiên, hoạt động kinh tế không hoàn toàn trùng khớp với tác động sinh thái. Vì vậy chúng ta sẽ quay trở lại vấn đề khí thải CO2. Trên thực tế, cả 2 tỉ người dự kiến tăng thêm trong vòng 40 năm tới sẽ thuộc nửa nghèo của thế giới. Dân số trong những nước nghèo sẽ tăng từ 3,5 tỉ lên xấp xỉ 5,5 tỉ, tương đương với 2/3 thế giới. Trong khi đó, lượng khí thải các-bon của một người Mỹ ngày nay tương đương với 4 người Trung Quốc, 20 người Ấn Độ, 250 người Ethiopia.

Những con số giật mình này dựa trên tính toán của Pacala, và giả sử tỉ lệ khí thải bình quân đầu người trong mỗi quốc gia không mấy thay đổi – 2 tỉ người thêm vào này sẽ làm tăng phần khí thải do nước nghèo gây ra từ 7% lên 11%.

Chỉ 5 nước có khả năng làm gia tăng dân số nhiều nhất trong những thập niên tới là Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan, Nigeria và Ethiopia. Trong khi đó , lượng khí thải các-bon của 1 người Mỹ ngày nay tương đương với khoảng 4 người Trung Quốc, 20 người Ấn Độ, 30 người Pakistan, 40 người Nigeria, 250 người Ethiopia.

Ngay cả nếu ngày nay, ta có thể đạt được mức gia tăng dân số bằng 0, tức là dân số sẽ không gây ra các vấn đề về khí hậu, thì tới giữa thế kỷ, chúng ta vẫn cần phải cắt giảm 50 tới 80% lượng khí thải. Với sự khác biệt về thu nhập lâu nay, vấn đề chính là tiêu dùng quá mức ở một số nước giàu chứ không phải là tăng dân số ở những nước nghèo.

Nhưng, bạn hẳn sẽ băn khoăn về các thế hệ tương lai, khi mà tất cả những gia đình đông đúc ở Châu Phi sẽ ngày càng sinh sôi, hiện thời có thể họ không tiêu dùng nhiều lắm, nhưng điều này rồi sẽ sớm thay đổi.

Thứ nhất, chúng ta đều rõ về quy mô khác biệt trong tiêu dùng. Một người phụ nữ ở nông thôn Ethiopia có thể có tới 10 đứa con và gia đình cô sẽ vẫn chẳng gây tổn hại tới môi trường là mấy do ít tiêu thụ tài nguyên hơn so với những gia đình bình thường ở Minnesota hay Munich. Ngay cả trong tình huống hiếm thấy là mười đứa con của cô sống sót đến tuổi trưởng thành và lại có thêm mỗi người 10 đứa con nữa thì cả đại gia đình hơn một trăm người vẫn thải ra lượng các-bon dioxide thấp hơn so với lượng trung bình mỗi người ở nước giàu.

Song trên thực tế điều đó thường ít xảy ra. Khi những đứa trẻ sống sót được tới tuổi trưởng thành, các bà mẹ sẽ không sinh thêm nhiều con. Đây là nguyên nhân chính giải thích việc số trẻ bình quân một bà mẹ sinh đã giảm xuống trong nửa thế kỉ qua. Sau khi vươn tới mốc 5-6 con bình quân, số lượng này đã giảm xuống còn 2,6.

Điều này gần tiệm cận với “mức sinh thay thế”, tức là vào khoảng 2,3 và kéo theo nó là hiện tượng số lượng bé nam được sinh ra nhiều hơn và nhiều bé gái không sống được tới tuổi trưởng thành. Liên hợp quốc dự đoán tỉ lệ sinh toàn cầu sẽ giảm xuống còn bình quân mỗi bà mẹ 1,85 trẻ trước 2050. Trong khi số lượng phụ nữ ở độ tuổi mang thai tăng lên khiến dân số thế giới hiện nay tiếp tục tăng thì khuynh hướng giảm trong tỉ lệ sinh sẽ tạo ra sự ổn định cho tổng dân số toàn cầu những năm 50 thế kỉ này, và sau đó có thể bắt đầu thời kì giảm.

Thay vì ngày một đông đúc, số người mỗi thế hệ sẽ ngày càng giảm đi. Vì vậy dấu chân sinh thái của thế hệ tương lai có thể rút ngắn lại. Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta có thể tính toán tác động lâu dài của thế hệ trẻ ở từng quốc gia lên các thế hệ tương lai.

Paul Murtaugh, nhà thống kê thuộc Đại học bang Oregon, là người đã đưa ra những phân tích đúng đắn nhất về hiện tượng này. Gần đây, ông đã tính toán mức “di sản xuyên thế hệ” về khí hậu của trẻ em ngày nay. Xem xét giả định mức khí thải bình quân đầu người hiện tại và các dự án dân số của liên hợp quốc, ông thấy rằng một đứa trẻ sinh ra tại Mỹ ngày nay sẽ tạo ra lượng các-bon cao gấp bảy lần so với một đứa trẻ Trung Quốc, 46 lần một đứa trẻ Pakistan, 55 lần Ấn Độ và 86 lần Nigeria.

Dĩ nhiên, những giả thuyết này có thể không hợp lý. Tôi khá tin vào các dự án dân số, song rất có khả năng lượng khí thải CO2 bình quân đầu người sẽ tăng ở những nước nghèo ngay cả trong viễn cảnh lạc quan nhất. Song điều đó chỉ đơn thuần là do tiêu dùng, không phải vấn đề dân số.

Dù trong trường hợp nào đi nữa thì sẽ là quá ư ngạo mạn nếu xem nhẹ tội lỗi dấu chân sinh thái của các nước giàu, bởi lẽ tới một ngày nào đó, con cháu của những nước nghèo có thể trở nên giàu có và phá hoại môi trường giống các nước giàu bây giờ. Bùng nổ dân số bản thân nó không gây phá hủy môi trường ở phạm vi toàn cầu; nhưng tiêu dùng quá mức thì có thể. Khi ta cứ nói hoài về chuyện có quá nhiều trẻ em ở các nước Châu Phi hay Ấn Độ, ta đang phủ nhận sự thật giản đơn ấy.

Về căn bản, đây là vấn đề thuộc phạm trù đạo đức. Năm 1974, nhà khoa học môi trường nổi tiếng Garret Hardin đã đưa ra thuật ngữ “đạo đức cứu sinh” (lifeboat ethics). Trong thế giới hiện đại cạn kiệt nguồn tài nguyên, ông phát biểu: “Mỗi quốc gia giàu có thể được ví như một con tàu cứu hộ chở đầy người giàu. Ngoài đại dương, mỗi con tàu đang lướt qua thế giới những người nghèo vốn đang mong ngóng được lên tàu nhưng không có đủ chỗ dành cho họ. Nếu ai cũng được lên tàu, hỗn loạn sẽ xảy ra và tất cả sẽ cùng đắm. Những người trên tàu có bổn phận phải ích kỉ vì đồng loại của họ – để những người nghèo ở lại dưới nước.”

Ẩn dụ của Hardin logic đến tàn nhẫn. Song có một điều mà ông bỏ sót. Đó là mỗi người trên tàu chiếm tới 10 chỗ, trong khi mỗi người dưới nước chỉ muốn có một chỗ cho mình. Tôi nghĩ điều này trong một chừng mực nào đó đã làm thay đổi luận điểm.

Fred Pearce Fred Pearce là nhà báo độc lập tại Anh. Ông làm cố vấn về môi trường cho Tạp chí New Scientist và là tác giả của các tựa sách gần đây như When The Rivers Run Dry (Khi những dòng sông khô cạn)With Speed and Violence (Cùng tốc độ và bạo lực). Cuốn sách xuất bản mới nhất của ông là Confessions of an Eco-Sinner: Tracking Down the Sources of My Stuff (Lời thú nhận của một kẻ tội đồ sinh thái: Truy tìm nguồn gốc đồ vật). Pearce cũng viết cho chuyên mục e360 của Đại học Yale.