Cuộc đua năng lượng sạch

ThienNhien.Net – Trong khi các nhà hoạch định chính sách Mỹ mải “ khoe khoang” về những dự định phát triển năng lượng sạch thì hàng loạt các kế hoạch và hành động đầu tư lớn của Ấn Độ, Trung Quốc và các nước châu Á khác lần lượt ra đời. Các kế hoạch này có thể đưa các nước châu Á vượt qua Mỹ và thúc giục cường quốc này nỗ lực hơn nữa.

Tổng thống Mỹ Obama cho rằng có thể xem đầu tư cho công nghệ sạch là động lực của Mỹ trong cuộc cạnh tranh toàn cầu cũng như trong cuộc chiến với thay đổi khí hậu.

Trong một phát biểu hồi cuối tháng 6 vừa qua, ông nói:” Không còn nghi ngờ gì nữa, công ăn việc làm cho xã hội cũng như các ngành sẽ hướng tới nguồn năng lượng sạch và năng lượng tái tạo được. Câu hỏi duy nhất đặt ra là quốc gia nào sẽ tạo ra được những công việc và các ngành công nghiệp như vậy? Và tôi muốn câu trả lời sẽ thuộc về nước Mỹ”

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo của Ấn Độ, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản cũng mong muốn như vậy. Các quốc gia châu Á này đang đổ tiền vào các ngành năng lượng tái tạo được, đầu tư kinh phí cho nghiên cứu và phát triển, đưa ra các mục tiêu đầy tham vọng đối với việc sử dụng năng lượng tái tạo được. Những kế hoạch này có thể vượt qua các chương trình trong gói kích thích kinh tế của Obama.

Trung tuần tháng 7, thư kí năng lượng Steven Chu và thư kí thương mại Gary Locke của tổng thống Mỹ thăm Trung Quốc để thảo luận việc hợp tác trên lĩnh vực hiệu quả năng lượng, năng lượng tái tạo và cắt giảm biến đổi khí hậu. Mặc dù các nước đang phát triển không đồng thuận với mức trần quy định quốc tế về lượng khí nhà kính, nhưng Trung Quốc và các quốc gia châu Á cũng đã chú ý hơn đến việc giảm sử dụng các năng lượng hóa thạch truyền thống như dầu, khí tự nhiên và than.

Hàn Quốc dự kiến đầu tư khoảng 2% GDP mỗi năm vào các ngành công nghiệp vì môi trường và năng lượng tái tạo được trong vòng 5 năm tới, ước tính tổng giá trị là 84,5 tỉ USD. Chính phủ nước này cũng cho biết họ có thể tăng thị phần về các sản phẩm “ công nghệ sạch” lên tới 8% trên trường quốc tế thông qua mở rộng nghiên cứu và phát triển, đầu tư và phát triển các nghành công nhiệp như sản xuất đèn LED, acquy năng lượng mặt trời và xe hybrid.

Trung Quốc và Ấn Độ cũng đang khởi động ngành công nghiệp năng lượng mặt trời. Mục tiêu của Ấn Độ là tới năm 2010 sẽ lắp đặt nhà máy năng lượng mặt trời công suất đạt 20 GW, gấp 3 lần tổng công suất các nhà máy quang điện mặt trời được lắp đặt trên toàn thế giới năm 2008. Trong gói kích thích mới, Trung Quốc cũng đã điều chỉnh tăng mục tiêu công suất năng lượng mặt trời từ nay đến 2020 từ 1,8 GW lên 20 GW.

Theo Brian Fan, Giám đốc điều hành của Tập đoàn nghiên cứu thị trường Cleantech Group, nhiều người đã đánh giá thấp nỗ lực trở thành quốc gia hàng đầu trong công nghệ sạch của Trung Quốc. Hiện Trung Quốc trợ cấp 3 đô la cho một watt điện đối với các dự án năng lượng mặt trời, bằng nửa chi phí đầu tư. So với thế giới, đó là khoản trợ cấp lớn nhất cho năng lượng mặt trời.

Trung Quốc cũng mong đợi đến năm 2020 sẽ tăng công suất năng lượng gió lên tới 150 GW, từ mục tiêu hiện tại là 100 GW. Trung Quốc sẽ đầu tư 44 tỉ tới 66 tỉ USD để sản xuất năng lượng gió, năng lượng mặt trời và nhiều dự án khác nữa

Các kế hoạch nghiên cứu và đầu tư lớn của châu Á thúc giục nước Mỹ cần phải nỗ lực hơn nữa.

Với niềm tin rằng Mỹ có thể phát triển công nghệ tốt nhất, nhà Trắng đã phản đối mạnh mẽ bất kì hiệp ước thay đổi khí hậu toàn cầu nào làm suy yếu các luật về sở hữu trí tuệ trong công nghệ xanh của Mỹ

“Chúng ta có thể từ bỏ cuộc đua này trong thế kỉ 21, hoặc chúng ta phải chấp nhận sự thật rằng chúng ta đã có các đối thủ. Quốc gia nào có nền kinh tế năng lượng sạch dẫn đầu thế giới sẽ là quốc gia dẫn đầu kinh tế thế giới về kinh tế trong thế kỉ 21 này” Obama nhận định.

Sự tiến nhanh của các nước châu Á thúc đẩy các nhà sản xuất Mỹ thúc đẩy cạnh tranh, đúng vào thời điểm hiện tại thị trường Mỹ đang giảm rõ rệt.

Tuy vậy nhưng nước Mỹ vẫn còn rất nhiều cơ hội. Mặc dù General Electric (GE) là tập đoàn duy nhất của Mỹ trong tốp 10 nhà sản xuất tuabin gió trên thế giới( Trung Quốc có 2, Đức có 3), nhưng Mark Levine, giám đốc của tổ chức công nghệ năng lượng môi trường của phòng thí nghiệm quốc gia Mỹ Lawrence Berkele vẫn lạc quan cho rằng Mỹ có một số điểm ưu việt.

Ông nhận định Mỹ có thể sẽ không trở thành một nhà sản xuất quang điện hàng đầu, nhưng sự phát triển về khoa học của Mỹ sẽ cho ra đời hệ thống pin năng lượng mặt trời thế hệ tiếp theo để có thể cấp phép và nhân rộng sản xuất ở Trung Quốc hoặc các quốc gia khác. Mỹ sẽ thu về lợi nhuận lớn từ phí cấp phép, chưa kể dến việc bán nhỏ lẻ ở Mỹ và ở một số nơi.