Đa dạng các loài ếch nhái Madagascar

ThienNhien.Net – Trước nguy cơ tuyệt chủng của các loài lưỡng cư khắp thế giới do mất nơi cư trú, ô nhiễm và bệnh dịch lan tràn, Hội đồng Nghiên cứu Khoa học Tây Ban Nha (CSIC) đã thông báo một tin tốt lành. Trong một nghiên cứu tại đảo quốc Madagascar, họ đã phân loại được khoảng từ 129 tới 221 loài ếch nhái mới, một con số ấn tượng, gần gấp đôi số loài ếch nhái đã được biết tới của hòn đảo xinh đẹp này.


Trước tin vui này, tiến sỹ Frank Glaw, trưởng Khoa Bò Sát của Viện Nghiên cứu Động vật tại Zoologische Staatssammlung, Munich, Đức phát biểu: “Trong vòng 15 năm qua, chúng ta đã khám phá và mô tả được hơn 100 loài ếch nhái mới ở Madagascar, và điều này khiến chúng ta tin rằng công việc khám phá loài của chúng ta đã gần như hoàn tất. Tuy nhiên, những nghiên cứu mới đây cho thấy còn rất nhiều loài mà chúng ta chưa biết đến”.

Kết quả nghiên cứu được đăng trên Bản tin của Viện Hàn lâm Khoa học Mỹ đã khiến các nhà nghiên cứu tự hỏi còn có bao nhiêu loài chưa được phát hiện ở Madagascar và khắp thế giới.

Tiến sỹ Miguel Vences, Đại học Kỹ thuật Braunschweig cho biết: “Mọi người nghĩ rằng chúng ta biết rõ các loài động thực vật sống trên hành tinh này, nhưng kỷ nguyên của những sự khám phá mới chỉ đang thực sự bắt đầu. Phần lớn các sinh vật sống trên Trái Đất vẫn đang chờ đợi sự tìm tòi, khám phá và công nhận của khoa học”.

Việc khám phá ra quá nhiều loài mới này, trong đó có gần ¼ loài chưa từng được tìm thấy ở bất cứ khu bảo tồn nào của Madagascar, đã làm dấy lên hồi chuông báo động về bảo tồn nơi đây. Đã mất gần 80% độ che phủ nguyên sinh, Madagascar hiện đang phải đối mặt với sự tàn phá môi trường do sự thiếu ổn định chính trị dẫn đến buông lỏng trong quản lý, bảo vệ rừng.

Mặc dù có rất nhiều khu bảo tồn và vườn quốc gia được xây dựng ở Madagascar trong suốt thập kỷ qua, song sự bất ổn về chính trị hiện nay đang khiến cho nạn chặt phá rừng gia tăng trong các vườn quốc gia, tạo tương lai bất định cho mạng lưới khu bảo tồn đã được lên kế hoạch xây dựng.