Những thảm họa sinh thái chưa rõ nguyên nhân ở Chile

ThienNhien.Net – Các nhà khoa học Chile hiện đang nghiên cứu để tìm ra nguyên nhân của ba thảm họa sinh thái bí ẩn đã dẫn đến cái chết của hàng trăm con chim cánh cụt, hàng triệu con cá mòi và khoảng 2000 con chim non trong vài tháng qua.


Hồi tháng ba vừa qua, xác chết của 1200 con chim cánh cụt, hàng tấn cá mòi dọc theo bờ biển phía nam Chile đã được phát hiện. Những trường học nằm trong khu vực này buộc phải đóng cửa bởi mùi hôi thối từ xác của các con vật này.

Ở phía Bắc Chile, việc phát hiện hàng ngàn con chim hồng hạc đã rời bỏ nơi cư trú là sa mạc Atacama và hơn 2000 chim non bị chết vào tháng tư vừa qua cũng được coi là một thảm họa.

Mặc dù đã có rất nhiều giả thiết xung quanh những hiện tượng trên song đến nay nguyên nhân chính xác vẫn chưa được kết luận. Hiện tượng trái đất nóng lên cũng đã được cho là một giả thiết cùng với sự khai thác cá quá mức, ô nhiễm và bệnh tật lan truyền do vi khuẩn.

Các nhà sinh thái học cũng cáo buộc các công ty khai mỏ vì làm thay đổi môi trường sống của loài chim hồng hạc do hút cạn nguồn nước ngầm.

Tuy nhiên mọi giả thiết vẫn còn là suy đoán. Trong khi đó cũng có ý kiến cho rằng lẽ ra Chile có thể làm nhiều hơn để bảo vệ thế giới hoang dã vô cùng phong phú đa dạng của mình.

Theo Thống đốc Oceana, ông Alex Munoz, chim cánh cụt có lẽ đã chết đói vì thiếu nguồn thức ăn. Trong khi báo cáo sơ bộ của một trường đại học địa phương cũng ủng hộ giả thuyết này thì có ý kiến khác cho rằng chúng chết vì dịch bệnh.

Nhưng hiện vẫn chưa rõ liệu cái chết của chúng có liên quan gì đến cái chết của hàng triệu con cá mòi chỉ vài ngày sau đó.
Các nhà quản lý nghề cá cho rằng nhiệt độ nước biển tăng đột ngột đã dẫn đến cái chết của cá mòi song ngư dân địa phương không đồng tình với ý kiến này. Một cố vấn của nhóm ngư dân địa phương đã đặt câu hỏi: “Nếu giả thiết trên là đúng thì tại sao chỉ có cá mòi bị chết và tại sao chúng chỉ chết ở đây?” Anh ta ngờ rằng chính những con tàu đánh bắt cá bằng lưới đã kéo một lượng lớn cá mòi từ đại dương về nhưng chỉ mang được một phần vào bờ, phần còn lại thì bỏ lại đại dương.

Tuy nhiên, hiện tượng đáng chú ý nhất vẫn là cái chết của những con chim non. Trong 6 loài chim hồng hạc trên thế giới thì Andean được cho là quý hiếm nhất. Chúng chỉ có khoảng 40 000 con và một nửa trong số đó sống ở vùng sa mạc Atacama của Chile.

Môi trường sống của chúng cũng chính là những mỏ đồng mà các tập đoàn khai khoáng nhắm đến. Các nhà sinh thái học cho rằng chính việc khai mỏ đang hủy diệt hệ sinh thái và đe dọa sinh mạng của động vật hoang dã.

Một giả thiết khác về cái chết của chim non cho rằng do mùa hè vừa chấm dứt ở khu Nam bán cầu này nóng và khô một cách bất thường so với điều kiện vốn đã khắc nghiệt ở Atacama. Điều này khiến các hồ cạn nước và nồng độ muối cao hơn so với mức bình thường.

Ông Eduardo Rodriguez, người đứng đầu cơ quan bảo vệ môi trường CONAF lại cho rằng có thể do loài tảo – nguồn thức ăn của loài chim này không còn – đã buộc chúng phải bỏ lại các tổ trứng mà di chuyển đến vùng khác kiếm ăn. Sở dĩ loài chim hồng hạc này có bộ lông màu hồng phân biệt với các loài khác là nhờ chúng ăn loài vi tảo chứa carotin – một sắc tố có màu sắc rực rõ.

CONAF có ý định công bố báo cáo của họ vào giữa tháng sáu vừa qua, song lại có một suy đoán cho rằng hiện tượng trái đất nóng lên đã khiến khí hậu trở nên khô hạn và buộc loài chim này phải di trú đến vùng cao hơn, mát hơn và bình yên hơn để đẻ trứng. Giả thiết này đã được xác nhận bởi một khám phá chưa từng có tiền lệ ở vùng Andes, Chile ngay tại mùa hè này – một tổ chim hồng hạc đã được tìm thấy tại nơi cao hơn mực nước biển 13000 feet. Thông thường một con chim chỉ làm tổ ở độ cao khoảng 6 500 feet và rất hiếm khi làm tổ ở ngọn núi cao như vậy.