“Châu lục rác” giữa Thái Bình Dương

ThienNhien.Net – Trong tháng 6 này, một đoàn chuyên gia nghiên cứu đại dương sẽ xuất phát từ San Francisco ra ngoài khơi Thái Bình Dương nhằm định vị và khám phá một “châu lục” di động có nguy cơ trở thành hiểm hoạ đối với thế kỷ 21. “Châu lục” ấy chính là tảng kết của 6 triệu tấn rác thải chất dẻo, với kích thước lớn gấp đôi bang Texas của Mỹ.

 

Cảnh báo về rác thải đại dương được công bố vào năm 1997 sau chuyến thám hiểm Bắc Thái Bình Dương của nhà hải dương học Charles Moore.
 
Moore đã tìm thấy vỏ chai, túi nhựa và chất xốp polixetiren (thường dùng để sản xuất hộp đựng thức ăn) trôi nổi cùng với những mảnh nhựa li ti. Dưới tác động của ánh sáng mặt trời và sóng biển, rác thải chất dẻo bị phân huỷ thành nhiều mảnh siêu nhỏ. Chúng trôi lửng lơ trong nước và hầu như không bị các con tàu nhận ra.
 
Dùng lưới rà đại dương, Moore dự đoán rằng số lượng các mảnh thải siêu nhỏ có thể nhiều hơn số lượng phiêu sinh vật biển đến 6 lần. Nguy cơ gây tổn thương cho các hệ sinh thái đại dương do các mảnh siêu nhỏ này sẽ kéo dài âm ỉ. Chúng có thể bị các loài cá nhỏ nuốt phải vì tưởng nhầm là thức ăn. Theo con đường tích tụ sinh học, các chất độc xâm nhập và tích lũy trong cơ thể các sinh vật bậc cao hơn, đó là các loài cá lớn, chim và thú biển.
 
Moore khẳng định rằng không thể có giải pháp nào cứu vớt vấn nạn này của đại dương. Ông nói: “Nỗ lực làm sạch  Thái Bình Dương sẽ vắt kiệt hầu bao của bất cứ quốc gia nào và sẽ giết chết các loài động vật hoang dã.”.
 
Tuy nhiên, không chấp nhận luận điểm của Moore, nhóm chuyên gia trên chiếc tàu Kaisei (nghĩa tiếng Nhật là Hành tinh đại dương) sẽ thám hiểm đại dương cùng với một tàu đánh cá được trang bị những tấm lưới chuyên dụng.
 
 “Khó khăn là làm sao thu gom được các mảnh plastic mà giảm thiểu số lượng sinh vật biển bị ảnh hưởng. Chúng tôi không thể vớt được những mảnh siêu nhỏ. Nhưng dù sao việc vớt đi những mảnh còn lại còn tốt hơn là để chúng trôi nổi trong lòng đại dương”, theo lời Doug Woodring, trưởng nhóm.
 
Chuyến nghiên cứu với 30 thành viên, dưới sự hỗ trợ của Viện hải dương học Scripps và công ty nước Brita, sẽ sử dụng máy bay điều khiển tự động và rô-bốt thám hiểm để định vị bề sâu, rộng của “lục địa chất dẻo”, đồng thời thu hồi 40 tấn chất dẻo để đưa vào tái chế thử nghiệm. Dự kiến nó sẽ được chế biến thành nhiên liệu diesel.
 
Theo Uỷ ban quốc tế về Bảo vệ biển, mảnh vụn nilon, đồ đóng gói và hộp đựng thức ăn là những thứ phổ được tìm thấy trong đại dương. Những mảnh nhỏ li ti được ví như nước mắt của nàng tiên cá thì lại càng khó để xác định số lượng.
 
Chương trình môi trường của Liên Hợp Quốc (UNEP) ước tính trên mỗi km2 diện tích bề mặt đại dương có khoảng 18.000 mảnh nhựa dẻo tồn tại, tổng khối lượng của chúng lên tới 100 triệu tấn.
 
Vòng xoáy Bắc Thái Bình Dương – còn gọi là khu vực hội tụ cận nhiệt đới phía bắc, được cho là nơi có sự tích tụ lớn nhất. Các khu vực Nam Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương, phía Bắc và phía Nam Đại Tây Dương cũng có những điều kiện lí tưởng để rác thải plastic lan rộng. Tuy nhiên, chưa có con tàu nào khảo sát các khu vực đó. Nếu chuyến thám hiểm này thành công, sẽ có một hạm đội quy mô lớn hơn xuất phát vào năm 2010.
 
Woodring cũng thừa nhận dự án Kaisei vẫn còn những hạn chế. “Chúng tôi không thể nào làm sạch cả một đại dương. Giải pháp thực sự phụ thuộc vào đất liền. Chúng ta phải xử lý các chất nhựa dẻo theo một phương thức hoàn toàn khác, ngăn không cho chúng tiếp tục bị xả vào đại dương.”