Tiềm ẩn nguy cơ mở rộng sa mạc hóa ở Việt Nam

ThienNhien.Net – Những năm gần đây, thời tiết bất thường xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới trong đó có Việt Nam. Mùa đông không còn quá lạnh nhưng kèm theo nhiều hiện tượng như sương muối, các đợt rét đậm rét hại. Mùa hè thì trở nên oi ả với nền nhiệt cao hơn nhiều so với những năm trước, bão lũ thường đến sớm và có cường độ mạnh hơn trong mùa mưa. Tuy nhiên, tình hình đất nông nghiệp bị hạn hán, bị mưa lũ khiến đất bị xói mòn hoặc khô hạn hoang mạc lại là vấn đề phức tạp nhất ở Việt Nam hiện nay.

Sa mạc hóa đã được coi là thách thức môi trường lớn nhất thời đại chúng ta. Đó là hiện tượng suy thóai đất đai ở những vùng khô cằn gây ra bởi sinh hoạt của con
người và biến đổi khí hậu. Nó không chỉ là gia tăng diện tích sa mạc, bao gồm sự xâm lấn của các hiện tượng cát bay, cát nhảy tạo nên các đụn cát và trảng cỏ ở miền Trung Việt Nam mà còn là xuất phát từ sự suy thoái đất lâu dài, bị khô hạn thành sa mạc hóa.

Các hệ sinh thái đất khô cằn rất nhạy cảm với việc khai thác quá mức và sử dụng đất không hợp lý. Tình trạng nghèo đói, mất ổn định chính trị, phá rừng, chăn thả quá mức và các hoạt động tưới tiêu nghèo nàn đều đóng góp vào việc “xây dựng” sa mạc hóa. Khoảng 1,2 tỷ người của hơn 110 nước đang bị đe doa bởi vấn đề này.

Việt Nam hiện còn khoảng hơn 9 triệu ha đất đồi núi trọc, đồi cát, trảng cỏ có liên quan tới sa mạc hóa, chiếm 28% tổng diện tích đất đai trên toàn quốc. Trong đó, có trên 5 triệu ha đất trống trọc chưa sử dụng, khoảng 2 triệu ha đất đang được sử dụng nhưng đã bị thoái hóa nặng và 1 triệu ha đang có nguy cơ thoái hóa cao. Hàng trục triệu người ở miền Trung và đồng bào dân tộc ở miền núi đang phải chịu những hậu quả nặng nề do hiện tượng sa mạc hóa và suy thoái đất gây nên, trong khi những vấn đề suy thoái đất đai còn ít được mọi người đầu tư quan tâm để cải tạo.

Hiện nay, Việt Nam đã xuất hiện hiện tượng sa mạc hóa cục bộ ở các dải cát hẹp trải dài dọc theo bờ biển miền Trung, từ Quảng Bình đến Bình Thuận là nơi có diện tích sa mạc hóa lớn nhất cả nước. Tại các tỉnh miền núi phía Bắc, nơi còn nhiều vùng đồi núi trọc đang bị mưa lũ làm lở đất, xói mòn và suy thoái đến khô cằn hoang mạc. Đây là những vấn đề đáng lo ngại, là thách thức lớn đối với nền nông nghiệp của nước ta hiện nay.

Ngoài thực trạng phá rừng, đốt cây cỏ làm nương rẫy, việc khai thác bừa bãi các mỏ quặng, mỏ than cũng gây ra sa mạc hóa cục bộ. Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra nhanh chóng khiến mỗi năm chúng ta mất trên 100.000 ha đất nông nghiệp loại tốt, chủ yếu là đất lúa ở các tỉnh Đồng Bằng và Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia có ít đất nông nghiệp nhất trên thế giới (đứng thứ 159 thế giới từ năm 2002).

Nếu không có cách ứng xử kịp thời và hiệu quả thì tần suất và mức độ của hoang mạc hóa, sa mạc hóa ở Việt Nam sẽ còn diễn biến phức tạp, gây mối đe dọa lớn cho đất đai nông nghiệp và tác động đến vấn đề tranh chấp, khiếu kiện về đất đai – hiện là một trong những vấn đề “nóng” nhất ở Việt Nam.


* Bài viết có sử dụng một số thông tin và góp ý của TS. Cao Vĩnh Hải, Giám đốc Trung tâmTư vấn Môi trường – Tài nguyên và Giảm nghèo Nông thôn (CERPA)