17 ngành công nghiệp gây ô nhiễm phải di dời

ThienNhien.Net – Vừa qua, UBND Thành phố Hà Nội, UBND TP.Hồ Chí Minh đã hoàn thiện Quy chế 17 ngành nghề sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường nguy hại không cấp phép mới, buộc phải di dời ngay ra khỏi khu vực đô thị để áp dụng thống nhất trong cả nước. Về cơ bản, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã đồng ý với quy chế này.

Đây cũng là một trong những chỉ đạo quan trọng của Chính phủ tại cuộc họp kiểm điểm, đẩy mạnh kết quả thực hiện Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại hai Thành phố Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, diễn ra sáng 10/06.

Theo Dự thảo quy chế đang được xây dựng, 17 ngành nghề sản xuất nói trên bao gồm ngành hóa chất (sản xuất phân bón, pin, ắc quy, thuốc bảo vệ thực vật, chất tẩy rửa, thuốc nhuộm,..); ngành tái chế, mua bán chất phế thải; tẩy, nhuộm, hồ in trên sản phẩm dệt may; luyện cán cao su; thuộc da; xi mạ điện; gia công cơ khí; in, tráng bao bì kim loại; sản xuất bột giấy; sản xuất vật liệu xây dựng, gốm sứ thủy tinh; chế biến gỗ (trừ điêu khắc gỗ và mộc gia dụng); chế biến thực phẩm tươi sống, nước chấm, muối, dầu ăn; sản xuất bánh mứt, kẹo, cồn, rượu, bia, nước giải khát; sản xuất thuốc lá; chăn nuôi gia súc, gia cầm công nghiệp; giết mổ gia súc và chế biến than.

Cùng với việc xác định đối tượng di dời trên, các địa phương cũng đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi khuyến khích, hỗ trợ đơn vị đẩy nhanh tiến độ di dời, quy định mốc di dời phải hoàn thành và các chế tài, biện pháp xử lý kiên quyết các trường hợp không thực hiện kế hoạch di dời.

Song song với việc xem xét áp dụng các cơ chế hỗ trợ cụ thể đối với các đô thị, Bộ Tài chính chủ trì xây dựng sửa đổi các chính sách liên quan trong kế hoạch triển khai xử lý ô nhiễm môi trường trong các dự án công nghiệp nói chung trên địa bàn cả nước, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ xử lý triệt để, các thủ tục hành chính và các chế tài đủ mạnh xử lý nghiêm đối với các cơ sở gây ô nhiễm thuộc diện trong quy định.

Đây là những biện pháp cần thiết, nhằm giải quyết tình trạng sau gần 6 năm thực hiện, việc triển khai Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg vẫn chưa đạt được mục tiêu đã đề ra, tiến độ xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên phạm vi cả nước vẫn còn chậm.

Chậm di dời các cơ sở gây ô nhiễm khỏi đô thị

Đánh giá tổng kết kết quả xử lý, di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm trong thời gian 6 năm thực hiện Quyết định số 64 cho thấy, đến nay cả nước mới có 8 tỉnh, thành phố đã hoàn thành việc xử lý triệt để ở mức 100%, 6 địa phương đã hoàn thành việc xử lý triệt để ở mức trên 75%, có 21 địa phương hoàn thành việc xử lý triệt để ở mức 50-75%, có 19 địa phương đạt mức dưới 50% và 9 địa phương (chủ yếu là các thành phố Trung ương, tỉnh có sự tập trung công nghiệp lớn) mới đạt mức dưới 25%.

Tính chung cả nước, đến nay trong tổng số 439 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc diện trong kế hoạch của Quyết định số 64, mới có 87 cơ sở (chiếm 19,82%) đã được cấp chứng nhận hoàn thành việc xử lý ô nhiễm môi trường triệt để, có 27 cơ sở đã giải thể hoặc phá sản, có 106 cơ sỏ đã cơ bản hoàn thành nhưng chưa được cấp quyết định chứng nhận hoàn thành, 198 cơ sở đang triển khai xử lý ô nhiễm triệt để và 21 cơ sở chưa “động tĩnh” gì.

Tuy nhiên, đánh giá kết quả triển khai tại Hà Nội và TP.HCM cho thấy thực trạng xử lý ô nhiễm ở các đô thị, nơi tập trung công nghiệp gặp nhiều khó khăn và đạt kết quả thấp. Đến nay, Hà Nội mới hoàn thành xử lý được 17/25 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, trong đó 11 cơ sở có giấy chứng nhận. TP.HCM mới hoàn thành 28/37 cơ sở, trong đó mới có 7 cơ sở được cấp chứng nhận. Ở cả các cơ sở đã hoàn thành cũng như đang thực hiện xử lý ô nhiễm trên địa bàn hai thành phố này đều gặp những khó khăn cả về khách quan và chủ quan. Phần lớn các cơ sở phải di dời địa điểm đều khó khăn, vướng mắc về thủ tục giao, cho thuê và xây dựng cơ sở hạ tầng tại vị trí di dời mới, giá đất cao nên khó khăn trong chi phí đền bù, cơ chế hỗ trợ đền bù đối với vị trí đất cũ. Nhiều cơ sở hình thành từ thời bao cấp để lại, có công nghệ, thiết bị lạc hậu, gây ô nhiễm nặng trong khi năng lực tài chính hạn chế nên việc thanh lý, chuyển đổi dây chuyền mới là thách thức lớn.

Về mặt chủ quan, nhiều cơ sở đặc biệt là cơ sở thuộc khu vực công ích chậm được quan tâm, xử lý. Hệ thống xử lý nước tại bãi rác Kiêu Kỵ tại Long Biên – Hà Nội, trạm xử lý nước thải 2 bệnh viện Phụ sản và Đống Đa Hà Nội là những trường hợp đầu tư chậm vài ba năm. Đó là chưa kể hàng trăm cơ sở mới phát sinh được rà soát, bổ sung vào danh sách gây ô nhiễm phải xử lý triệt để…