Đến năm 2010, 100% cơ sở sản xuất sẽ áp dụng công nghệ sạch

ThienNhien.Net – Đây là một trong những mục tiêu phấn đấu của Việt Nam nhằm đảm bảo bền vững về môi trường, đã được công bố tại Báo cáo "Việt Nam tiếp tục chặng đường thực hiện mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ năm 2008" của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Chương trình phát triển Liên hợp quốc vừa qua.

Theo đó, cũng đến năm 2010, các cơ sở sản xuất mới tại nước ta phải được trang bị các thiết bị giảm thiểu ô nhiễm, xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường, trong đó có 50% các cơ sở sản xuất kinh doanh được cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn môi trường, hoặc chứng chỉ ISO 14001; 40% các đô thị, 70% các khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống xử lý chất thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường, thu gom 80-90% chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp và dịch vụ, xử lý trên 60% chất thải nguy hại và 100% chất thải bệnh viện; xử lý triệt để 75% các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng…

Những giải pháp đảm bảo bền vững môi trường mà Việt Nam sẽ tập trung thực hiện tới năm 2015 là tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản lý môi trường; tăng cường năng lực cho các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường và đẩy mạnh việc phân cấp quản lý. Đặc biệt, phải nâng cao nhận thức trong lĩnh vực bảo vệ môi trường cho các tầng lớp nhân dân, đưa nội dung bảo vệ môi trường vào các chương trình giáo dục đào tạo. Lồng ghép các mục tiêu môi trường vào các chỉ tiêu kế hoạch phát triển.

Mặt khác, Việt Nam cũng sẽ tăng cường đầu tư cho môi trường bằng việc huy động nhiều nguồn vốn của nhà nước và nhân dân, coi việc đầu tư cho môi trường là đầu tư cho phát triển nhằm nâng cao hiệu quả và chất lượng tăng trưởng của kinh tế-xã hội. Bên cạnh đó, Chính phủ sẽ đổi mới cơ chế tài chính, tăng cường áp dụng các công cụ kinh tế trong quản lý môi trường thông qua việc xây dựng và hình thành các quỹ môi trường, quản lý và sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, thực hiện thu thuế, phí bảo vệ môi trường. Có cơ chế thưởng phạt nghiêm minh đối với các hành vi gây suy thoái môi trường. Thực hiện xã hội hoá công tác bảo vệ môi trường nhằm huy động đến mức cao nhất sự tham gia của toàn xã hội về công tác này.

Bên cạnh đó, các Bộ, ngành chức năng phải nhanh chóng xây dựng và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, để nâng cao khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam trong từng giai đoạn cụ thể, góp phần đảm bảo sự phát triển kinh tế-xã hội bền vững của đất nước, phòng, tránh và giảm thiểu những hiểm hoạ của biến đổi khí hậu; tham gia cùng cộng đồng quốc tế trong nỗ lực giảm nhẹ biến đổi khí hậu, bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất.

Điều cấp thiết nhất hiện nay của nước ta đó là ưu tiên nâng cấp hệ thống quan trắc, cảnh báo, dự báo môi trường cả về cơ sở vật chất và cả về chất lượng đội ngũ cán bộ thực hiện. Đi đôi với tăng cường hợp tác quốc tế, tranh thủ viện trợ về tài chính, công nghệ trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.