Không thể coi đồn điền cây công nghiệp là rừng

ThienNhien.Net – “Tổ chức Nông Lương Thế giới (FAO) từ lâu đã ủng hộ công nghiệp trồng rừng. Một trong chiến dịch của FAO nhằm ủng hộ việc mở rộng độc canh thể hiện ở việc tổ chức này đã mặc nhiên coi các đồn điền cây công nghiệp là rừng.” Đó là nhận định trong một bài viết của Chris Lang được đăng trên Bản tin Rừng mưa nhiệt đới số 141, tháng 4/2009. Dưới đây chúng tôi xin giới thiệu nguyên văn bài viết của ông.

Tháng 12/2008 một báo cáo có tên “Lấy gỗ từ cây công nghiệp: tầm nhìn chiến lược toàn cầu giai đoạn 2005-2030” của hai chuyên gia lâm nghiệp thuộc FAO là Jim Carle và Peter Holmgren được đăng trên Forest Products Journal (Tạp chí Lâm sản). Bài báo nhắc đi nhắc lại câu chuyện hoang đường rằng đồn điền cây công nghiệp chính là rừng, như thể nếu lặp lại nhiều lần, chuyện hoang tưởng kia sẽ biến thành sự thật.

Carle và Holmgren có vẻ tin tưởng tuyệt đối điều này đến mức không buồn đọc bất cứ tài liệu nào có thể đưa ra ý kiến trái ngược. Trong số những tài liệu trích dẫn trong báo báo của họ không hề có báo cáo, bài viết hay các thước phim tư liệu nào viết về tác động của đồn điền cây công nghiệp tới môi trường và xã hội. Thay vào đó, họ chỉ chọn các nguồn dẫn chứng có lợi cho luận điểm của mình.
 
Hai chuyên gia viết: “Các khu rừng trồng đóng vai trò quan trọng, mang lại lợi ích kinh tế xã hội, hỗ trợ công cuộc xoá đói giảm nghèo tại các nước phát triển cũng như các nước công nghiệp, nơi trước đây người dân bản địa đã bị gạch ra khỏi nhóm người có thể nhận được lợi ích do quá trình phát triển mang lại ”. Nguồn trích dẫn của họ là từ một cuốn sách do Viện Môi trường và Phát triển Quốc tế (IIED) xuất bản vào năm 2005.

Trong khi mới một năm trước, trong một bài viết của IIED về các đồn điền cây công nghiệp tại Nam Châu Phi, ta lại tìm thấy một kết luận hoàn toàn khác: “Các công việc xuất phát từ việc thu hẹp rừng rừng tự nhiên để làm đồn điền không thể đưa các nhân công trong ngành lâm nghiệp, mà chủ yếu là phụ nữ, ra khỏi đói nghèo kinh niên hay cải thiện cuộc sống của họ.”. Carle và Holmgren chắc chắn phải biết có bài báo này bởi tháng 6 năm 2008 tôi đã gửi cho họ để biết ý kiến. Vì không thấy họ hồi âm, tôi gửi lại một lần nữa vào tháng 9 năm đó. Nhưng có vẻ hai chuyên gia này có một chiến lược đối phó với các ý kiến đối lập rất đơn giản: phớt lờ nó.

Một nguồn trích dẫn khác trong báo cáo của họ lấy từ một báo cáo viết năm 2003 “Lâm nghiệp cho gỗ ngắn ngày: chuyện hoang đường và thực tế”, của Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Quốc tế (CIFOR). Bản báo cáo chỉ ra rằng trong khi các đồn điền cây công nghiệp thường được xem là giúp giảm bớt gánh nặng của rừng tự nhiên, thì “xác nhận này còn có một ý đồ khác”. Báo cáo của CIFOR giải thích rằng “điều này có thể đúng ở số ít quốc gia như New Zealand và Sri Lanka, tuy nhiên không có bằng chứng ở bất cứ quốc gia nào khác cho thấy các đồn điền dạng này có thể cung cấp gỗ, giảm bớt gánh nặng của rừng tự nhiên.

Nếu Carle thật sự đã từng đọc qua bản báo cáo đó, có khả năng ông ta không hiểu hàm ý của người viết. Bởi trong một video trên website của FAO, ông vẫn phát biểu như sau: “Các khu rừng trồng, ở mức độ nào đó, có thể giảm sức ép lên rừng tự nhiên tại vùng đó. Đã có rất nhiều quốc triển khai chương trình phát triển rừng trồng và khoảng 90-100% sản phẩm ngành công nghiệp gỗ của họ là từ các khu rừng này. Và các khu rừng tự nhiên trong vùng chỉ còn đóng vai trò là các khu bảo tồn, các vườn quốc gia, khu dự trữ sinh quyển hay các khu du lịch sinh thái.”

Carle không hề chỉ rõ các nước ông ta đang nói đến. Ông cũng không giải thích lý do thật sự của việc mở rộng các khu rừng trồng ở bán cầu phía Nam chủ yếu là nhằm đáp ứng việc tiêu thụ quá mức ở phía Bắc. Ông cũng chẳng hề nói đến việc một diện tích lớn rừng tự nhiên ở Indonesia bị chặt phá làm nguyên liệu cho các nhà máy giấy.

Những năm gần đây, Brazil có tốc độ mở rộng diện tích trồng cây công nghiệp nhanh hơn so với các nước khác, và cũng là một trong các nước có tỉ lệ chặt phá rừng cao nhất thế giới. Điều này không ám chỉ rằng các đồn điền cây công nghiệp là nguyên nhân của nạn chặt phá rừng, mà cho thấy cây công nghiệp không hề giảm bớt gánh nặng của rừng tự nhiên. Một khi các khu rừng bị chặt phá lấy đất trồng cây nông nghiệp, như trường hợp của Brazil, thật khó để có thể thấy rằng lượng cây rừng bị chặt phá sẽ giảm nhờ vào việc trồng rừng. Và chắc rằng ai đó đang làm việc cho tổ chức có tên “Lương thực” và “Nông nghiệp” đều có thể hiểu thấu vấn đề này.

Tháng 9/2008 đại diện Phong trào Rừng nhiệt đới Thế giới (World Rainforest Movement), Raquel Nuñez, đã gặp các quan chức của FAO – Jim Carle, Peter Holmgren và José Antonio Prado. Tại đây, ông Raquel Nuñez trao cho họ bản tuyên bố được ký bởi hơn 100 chuyên gia và sinh viên lâm nghiệp từ 29 quốc gia trên thế giới khẳng định “Những khu đồn điền độc canh không phải là rừng”. Bản tuyên bố nhấn mạnh tác động của các đồn điền cây độc canh tới môi trường và xã hội, bao gồm tổn thất đa dạng sinh học, thay đổi chu trình nước, sản xuất lương thực giảm, thoái hóa đất, làm mất các nền văn hóa truyền thống và bản địa, xung đột với các công ty lâm nghiệp, giảm nguồn việc làm gây ra hiện tượng di cư ở nông thôn và phá hoại các cảnh quan tự nhiên. Đáp lại, Carle và Holmgren phớt lờ bản tuyên bố này.

Trên website của mình, FAO đã lấy hình ảnh một đồn điền độc canh bạch đàn ở Brazil để minh họa cho bài báo “Gỗ từ các khu rừng trồng”. Dưới bức hình ghi chú “Sản xuất gỗ tròn công nghiệp từ các khu rừng trồng, Brazil”. Không nghi ngờ rằng các “khu rừng trồng” mà FAO nhắc đến chính là các đồn điền trồng cây công nghiệp. Tuy nhiên, FAO lại hoàn toàn im lặng về tác động của trồng rừng tại Veracel.

Một ấn phẩm gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Phát triển vùng Cực Tây (CEPEDES), một tổ chức phi chính phủ của Brazil đã liệt kê những tác động của các đồn điền cây ở Veracel tới nguồn nước, môi trường, công nhân và các cộng đồng địa phương. CEPEDES trích lời của một công nhân bản địa: “Tôi cảm thấy như bị tấn công khi hàng ngày phải nhìn thấy “biển cây bạch đàn”. Mỗi ngày trôi qua, chúng tôi lại phải chứng kiến các dòng suối, ao hồ cạn kiệt dần…Và chúng tôi chỉ có thể tìm thấy thiên nhiên tươi đẹp, hương sắc rừng cây và những đàn chim qua trí nhớ mà thôi.”

Thay vì tiếp tục phớt lờ những bằng chứng về mặt trái của các đồn điền cây công nghiệp, FAO nên lắng nghe tiếng nói của người dân phải sống và hứng chịu các tác động đó. FAO nên chấm dứt sự thờ ơ ngoan cố của mình.

   Chris Lang, tác giả bài viết, từng là một kiến trúc sư trước khi cảm thấy không phù hợp và chuyển sang học ngành lâm nghiệp tại Viện Lâm nghiệp Oxford. Ông từng làm việc với TERRA, một tổ chức phi chính phủ lâu năm, hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có trụ sở tại Thái Lan và các dự án của nhiều tổ chức phi chính phủ như Rừng mưa thế giới, Sáng kiến Mekong của Oxfam, Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Thụy Điển… Hiện tại ông đang làm việc trong một dự án giám sát REDD (Giảm phát thải khí nhà kính do mất rừng ở các nước đang phát triển).