Định hướng quy hoạch tiêu thoát nước cho Thủ đô Hà Nội

ThienNhien.Net – Tại cuộc họp chiều 19/05 dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, các cơ quan hữu quan đã trình kết quả rà soát và bản quy hoạch hệ thống tiêu thoát nước, thủy lợi của 2 con sông Nhuệ và sông Đáy cũng như định hướng quy hoạch tiêu thoát nước cho các khu vực khác của thành phố Hà Nội.

Những quy hoạch quan trọng này – theo kết luận của Phó Thủ tướng – sẽ tiếp tục được hoàn chỉnh, tính toán luận chứng khoa học để sau khi phê duyệt, TP. Hà Nội sẽ có cơ sở xây dựng quy hoạch tiêu thoát nước Thủ đô, hạn chế tình trạng ngập úng cũng như xóa bỏ các khu chậm lũ, tính toán hợp lý các khu phân lũ hiện nay.

Ở giai đoạn đầu, các cơ quan hữu quan đã rà soát, tính toán và đưa ra một số kết luận quan trọng đối với quy hoạch chức năng tiêu thoát nước ở Thủ đô. Hiện tại, TP. Hà Nội phân vùng tiêu thoát nước theo vùng Tả sông Đáy (thủy lợi sông Nhuệ), Hữu sông Đáy và Bắc Hà Nội nhưng tình hình ngập úng hàng năm trên địa bàn vẫn không được cải thiện, riêng vùng Tả sông Đáy diện tích ngập xấp xỉ 60.000 ha hàng năm. Hệ thống công trình tiêu thoát nước với gần 700 trạm bơm lớn nhỏ, công suất đảm bảo tiêu cho khoảng 70% diện tích cần thiết nhưng do điều kiện thời
tiết, năng lực tiêu thoát nên chưa tạo được thế chủ động tiêu thoát cho thành phố cả ở khu vực nông nghiệp và đô thị.

Việc sẽ có hồ chứa Thủy điện Sơn La (tháng 06/2010 bắt đầu tích nước), sự thay đổi của khí hậu cũng như yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn mới được các nhà khoa học đánh giá là cơ sở quan trọng để thay đổi quan điểm, quy hoạch hệ thống tiêu thoát nước của hạ du, trong đó có Hà Nội. Để chống được lũ theo tiêu chuẩn chống lũ hạ du trong chu kỳ 500 năm, không cần sử dụng các khu chậm lũ và không phân lũ vào sông Đáy như hiện nay.

Các nội dung nói trên của bản Quy hoạch này sẽ được hoàn thiện, sớm trình lên Chính phủ. Bên cạnh đó, sẽ có các tính toán mới về phân vùng tiêu thoát, phương án điều tiết lưu lượng nước vào các con sông, giải pháp nâng cao hiệu quả quy trình vận hành các hồ chứa giúp giảm áp lực lũ ở hạ du, chương trình đầu tư, xây dựng các công trình thủy lợi, đê điều trong khu vực./.