ĐHQG Hà Nội phát triển công cụ cảnh báo ô nhiễm không khí

ThienNhien.Net – Tại Việt Nam, chất lượng môi trường không khí đang bị suy giảm, đặc biệt là ở các khu đô thị lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, gây tác hại khôn lường đến sức khỏe cộng đồng, môi trường không khí và khí hậu.

Trước thực trạng này, các nhà khoa học của Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội đã nghiên cứu và phát triển hệ thống quản lý và cảnh báo ô nhiễm không khí sử dụng ảnh vệ tinh (APOM).

Chia sẻ về ý tưởng hình thành nghiên cứu này, Tiến sỹ Nguyễn Thị Nhật Thanh, Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội, Chủ nhiệm đề tài cho biết: Tại Việt Nam, ô nhiễm không khí đang gia tăng rất nhanh.

Nguyên nhân vì Việt Nam chưa kiểm soát được các nguồn khí thải đang phát sinh ngày càng lớn từ sản xuất công nghiệp, giao thông và xây dựng, cùng với quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra nhanh chóng.

Thông tin ô nhiễm bụi trên toàn quốc mới được công bố dựa trên 6 trạm quan trắc tự động của Tổng cục Môi trường đặt tại Hà Nội, Phú Thọ, Quảng Ninh, Huế, Đà Nẵng và Khánh Hòa. Bởi vậy, nhu cầu về một hệ thống cảnh báo ô nhiễm bụi là thực sự cấp thiết.

Trên cơ sở đó, nhóm các nhà khoa học của Trường Đại học Công nghệ, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tiến hành nghiên cứu và phát triển hệ thống quản lý, cảnh báo ô nhiễm không khí APOM.

Hệ thống này dựa vào các kết quả nghiên cứu, phân tích và xử lý dữ liệu tự động, kết nối trực tuyến tới trạm thu vệ tinh tại Trường Đại học Công nghệ để cung cấp các dịch vụ quản lý, giám sát, báo cáo, cảnh báo, và phân phối thông tin ô nhiễm với thời gian thực tới người sử dụng trên lãnh thổ Việt Nam.

Cảnh khói bụi trên đường ở Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)
Cảnh khói bụi trên đường ở Thành phố Hồ Chí Minh (Ảnh: Mạnh Linh/TTXVN)

Tiến sỹ Nguyễn Thị Nhật Thanh chia sẻ hệ thống quản lý và cảnh báo ô nhiễm không khí APOM là một kênh thông tin quan trọng, cung cấp nguồn dữ liệu phong phú, đa dạng tới nhiều đối tượng sử dụng.

Hệ thống sẽ cung cấp dữ liệu cho các cấp quản lý, nhà khoa học và cảnh báo tới cộng đồng người dân Việt Nam về chỉ số chất lượng không khí dựa trên chỉ số bụi mịn PM2.5, đảm bảo tính kịp thời và hiệu quả hàng ngày tới các khu vực người dùng quan tâm (toàn bộ lãnh thổ Việt Nam hoặc từng tỉnh, thành phố).

Ngoài ra, các bản đồ ô nhiễm bụi có thể sử dụng để cung cấp báo cáo thường xuyên (hàng tuần/tháng/quý) cho các nhà chuyên môn và hoạch định trên phạm vi toàn quốc, hỗ trợ công tác quản lý và ra quyết định chính sách về môi trường.

Các bản đồ bụi mịn cũng đóng vai trò làm dữ liệu nền bổ trợ cho các mảng ứng dụng về sức khỏe cộng đồng và biến đổi khí hậu.

Để phát triển ứng dụng này, thời gian tới, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới hợp tác với Trung tâm quan trắc thuộc Tổng cục Môi trường; Trung tâm quan trắc và phân tích môi trường Hà Nội, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội để đưa kết quả nghiên cứu vào ứng dụng thực tế tại các bộ, ban, ngành và cộng đồng.

Ngoài ra, định hướng nghiên cứu tương lai của nhóm là khai thác dữ liệu ảnh vệ tinh có độ phân giải cao (Landsat 8/Spot 5, VNRedSat-1,…) để cung cấp chi tiết các chỉ số ô nhiễm tới từng khu vực địa giới hành chính mà người dân, chính quyền địa phương quan tâm.

Việc thiết lập, lắp đặt và vận hành mạng lưới cảm biến không dây (Wireless Sensor Network-WSN) đo đạc thông tin ô nhiễm không khí thời gian thực trên diện nhỏ hơn (thành phố, khu công nghiệp, tòa nhà…) cũng được nhóm nghiên cứu hướng tới.